Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017

07:12, 30/12/2016

Trong hai ngày 28 và 29-12-2016, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2016. Dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2016, nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt với tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, đề ra các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2017. Đây là năm “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, trong đó nêu rõ: Kinh tế tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước, ước cả năm tốc độ tăng trưởng GDP 6,21%. Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 1,36% mặc dù đầu năm tăng trưởng âm. Khu vực công nghiệp nổi bật là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng; lạm phát được chủ động kiểm soát và trong giới hạn cho phép. Thị trường tiền tệ, chứng khoán diễn biến tích cực, thanh khoản hệ thống được đảm bảo; tỷ giá được điều hành linh hoạt… Dự thảo Nghị quyết 01 về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày đã nhấn mạnh yêu cầu: đảm bảo kinh tế vĩ mô phải được đặt lên hàng đầu; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với tăng trưởng và thực hiện 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt được mục tiêu đặt ra, có 3 chỉ tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, ổn định lạm phát ở mức 4% và đảm bảo ngân sách Trung ương và địa phương…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4, giai đoạn 2017-2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4. Bộ trưởng KH và ĐT trình bày báo cáo về triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Tiếp đó, Bộ trưởng KH và ĐT báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2017. Hội nghị cũng đã nghe trình bày báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, kết quả kiểm tra của Tổ công tác; tờ trình và dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Hội nghị tập trung thảo luận 7 nội dung, trong đó có Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017; dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; dự thảo Báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016; dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến năm 2020; dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020…

Chiều 28-12, Chủ tịch UBND 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phát biểu tham luận.

Mở đầu phiên thảo luận sáng 29-12, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu một số nội dung liên quan đến công tác phân cấp quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; việc thành lập huyện đảo Thổ Chu; xét tuyển vị trí việc làm đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số vào các cơ quan Nhà nước sau khi ra trường;... Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu: Thu ngân sách đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Các chỉ tiêu bội chi, nợ công có khả năng giữ được như báo cáo với Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu một số nội dung liên quan đến đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, lành mạnh hóa thị trường, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh trật tự, an ninh kinh tế, bảo đảm an toàn các công trình trọng điểm,... tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, lần đầu tiên, Bộ đã đề xuất Bộ Chính trị ban hành văn bản về đảm bảo an ninh kinh tế; liên tục mở các đợt cao điểm về đấu tranh phòng chống tội phạm. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tham luận nhấn mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ngành: KH và ĐT, Tài chính, NHNN; điều hành lạm phát, điều hành giá... góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2016, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, các mục tiêu đã đạt được rất tích cực cả về xuất khẩu; tổng mức luân chuyển hàng hóa; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng khoảng 7,4%... Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh phát biểu một số nội dung về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy khởi nghiệp; phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế; phát triển thị trường khoa học công nghệ;... Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu, năm 2016 là năm có nhiều khó khăn thách thức đối với sản xuất nông nghiệp nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; lãnh đạo các địa phương, bà con nông dân nên nhiều hoạt động hỗ trợ nông nghiệp đã được triển khai; nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào nông nghiệp; nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được triển khai... nhờ đó chúng ta đã giảm thiểu được mức độ thấp nhất tác động của thiên tai, từng bước lấy lại đà tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu: Năm 2017 ngành Giáo dục tập trung rà soát quy hoạch cơ sở giáo dục toàn hệ thống. Các địa phương đang gặp khó khăn do thay đổi về quy hoạch mạng lưới giáo dục liên quan đến di dân, biến động kinh tế - xã hội nên thành phố lớn quá tải, vùng nông thôn ít học sinh, ở miền núi thì điểm trường phân tán. Vì vậy cần tính toán tập hợp các trường, điểm trường để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; ưu tiên kiên cố hóa trường học những vùng khó khăn nhất… Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ ấn tượng với những kết quả đã đạt được về kinh tế trong năm 2016, qua đó niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào một Chính phủ kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp nâng lên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, năm 2016 Mặt trận và các tổ chức thành viên đã đồng hành cùng chính phủ trong việc tuyên truyền, động viên nhân dân thực thi các chủ trương, chính sách. Đặc biệt là đồng hành trong việc thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng NTM; tiếp tục cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, đưa hàng hóa đến vùng sâu, vùng xa... Bên cạnh đó, Mặt trận cũng tích cực đồng hành với Chính phủ trong công tác giám sát (bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...); huy động nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai; hướng về biên giới, biển, đảo, chăm lo cho người nghèo;...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị chủ đề của năm 2017 phải nhấn mạnh tinh thần “phát triển nhanh và bền vững”. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành nhanh chóng khắc phục hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, hỗ trợ giống cây, con, triển khai phòng dịch,... tiếp tục thực hiện đề án hỗ trợ nhà vượt lũ cho người dân. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tiến hành rà soát lại tổng thể quy hoạch hệ thống Cảng hàng không của Việt Nam; phối hợp với Bộ Quốc phòng tập trung sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể, nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất; hoàn thành dự án khả thi sân bay Long Thành; khẩn trương hoàn thành đề án đường cao tốc Bắc - Nam; xây dựng cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng đường cao tốc; nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có; hoàn thành báo cáo về xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam... Bộ Công thương rà soát, điều chỉnh quy hoạch điện 7; tái cấu trúc lại các lĩnh vực sản phẩm công nghiệp; lựa chọn các sản phẩm chủ lực; đổi mới quan điểm về công nghiệp hỗ trợ, mở rộng thị trường sản phẩm có lợi thế, đặc biệt là gạo, nông sản, thủy sản... Bộ NN và PTNT tập trung phòng chống, khắc phục thiên tai; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu và thị trường quốc tế...

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam với triển vọng tăng trưởng cao, xếp hạng tín nhiệm Moody’s tăng lên B+ tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trong khi đầu tư toàn cầu giảm 10-15%. Trong năm 2016 huy động vốn ODA và vay ưu đãi tăng 1,4 lần so với 2015 nhưng sử dụng và giải ngân chưa thực sự hiệu quả, giải ngân vốn rất chậm, chỉ bằng 80% của năm 2015 với 9 bộ, ngành, 26 tỉnh, thành phố giải ngân dưới 50% và sẽ làm phí của các dự án tăng lên rất nhanh. Nguyên nhân chính do khó khăn giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường cho bà con gặp sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung để bà con phấn khởi ăn Tết. Yêu cầu Bộ TN và MT giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa để bảo đảm sản xuất an toàn. Tiếp tục thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra làm rõ vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; trong lĩnh vực khai thác tài nguyên; đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm thường xảy ra trong dịp Tết, không để xảy ra trọng án lớn gây bức xúc dư luận xã hội; tăng cường kiểm tra công tác PCCC...

Thay mặt Chính phủ, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh rất khó khăn về thiên tai, nhân tai, song chúng ta đã đoàn kết, vượt qua để đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội. Chúng ta có 11 chỉ tiêu vượt mức báo cáo Quốc hội, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Đặc biệt là chúng ta vượt chỉ tiêu thu ngân sách, nhiều địa phương, nhiều ngành đổi mới rất quyết liệt. Niềm tin thị trường, niềm tin xã hội được tăng lên. Thành tựu đạt được trong năm qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, năm 2017 dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn (thiên tai, nợ công, năng lực cạnh tranh, biến động quốc tế phức tạp, khó lường...), để đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa, Thủ tướng nhấn mạnh, cả hệ thống phải chuyển động, đặc biệt là chính quyền cơ sở vì nơi đây sát dân. Thủ tướng yêu cầu tập trung điều hành trong năm 2017 phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhằm tạo điều kiện để tăng trưởng cao hơn năm 2016 trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh...

Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, rà soát loại bỏ những quy định bất cập, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu, đẩy mạnh cơ chế khoán, công khai ngân sách, “tiết kiệm từng đồng bạc của dân”, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, kiên quyết chống lợi ích nhóm,... với tinh thần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững, xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải trên tinh thần đổi mới, thể hiện được vai trò kiến tạo của Chính phủ, sự quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước liêm chính, hành động quyết liệt; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Về việc chăm lo Tết, Thủ tướng nói, các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng nữa. Không phải chỉ các đồng chí ở miền Nam đâu mà cả miền Bắc nữa. “Kinh nghiệm ở địa phương cho thấy, Tết nhất là lo ngay ngáy quà Tết biếu Trung ương. Không tới thì băn khoăn, tới thì xếp hàng khổ cực. Làm được vấn đề này thì nhẹ nhàng cho tất cả các đồng chí”. Cũng theo Thủ tướng, nếu làm được điều này còn tránh được tình trạng làm hoá đơn, chứng từ để “chí trá”…

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com