Trò chơi dân gian – Nét đẹp văn hóa trong lễ hội
.

Trò chơi dân gian – Nét đẹp văn hóa trong lễ hội

07:46, 03/03/2023

 

Nam Định là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống, trong đó ở phần hội, nhiều trò chơi dân gian được duy trì, khôi phục. Các trò chơi dân gian là sự kết tinh những giá trị văn hoá, tính cố kết cộng đồng. Tham gia vào các trò chơi dân gian, mỗi người như tiếp thêm năng lượng thể chất và tinh thần để trở về với cội nguồn dân tộc.

Trò chơi dân gian trong lễ hội ở tỉnh ta đa dạng ở nhiều loại hình. Trong đó có đặc điểm gắn với sự tích các nhân vật được tôn thờ, lịch sử hình thành và phát triển quê hương (diễn tích trò, đi kheo, thổi cơm thi); một số trò chơi dân gian gắn liền phần lễ nghi ở làng nghề (thi chế tác sản phẩm làng nghề, làm khuôn đúc, hiến xảo, dâng đồ khéo); trò chơi mang tính chất rèn luyện sức khỏe, giải trí (chơi đu, chọi gà, bắt vịt, bịt mắt bắt dê, bơi chải); các cuộc thi đấu trí (tổ tôm, tam cúc, cờ người) hoặc thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc (đấu vật, biểu diễn võ thuật cổ truyền)…

 

 

Tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường), hàng năm vào dịp lễ hội, Chùa Nghĩa Xá đều tổ chức trò chơi chọi gà quy mô lớn. Theo kế hoạch của Ban tổ chức lễ hội Chùa Nghĩa Xá, năm 2023, phần thi chọi gà sẽ được tổ chức từ 29-2 nhuận đến chính hội 3-3 âm lịch. Theo các bậc cao niên trong thôn Nghĩa Xá, trò chơi chọi gà ở lễ hội chùa đã có từ lâu và gắn liền với đời sống văn hóa của người dân trong thôn. Trong quan niệm của người dân nơi đây, chủ gà chọi nào giành cờ chiến thắng khi tham gia giải chọi trong lễ hội thì cả năm sẽ được may mắn, gia đình thịnh vượng.

 

 

 

Đến thăm gia đình anh Ðỗ Thanh Tuấn, thôn Nghĩa Xá, người có thâm niên chơi gà chọi hơn 10 năm và giành nhiều giải thưởng qua các mùa lễ hội chùa. Vừa đến đầu ngõ, chúng tôi đã ấn tượng bởi tiếng gáy gắt của những chú gà chọi trống oai vệ, dũng mãnh được chính tay anh Tuấn chọn lọc. Trước ngày diễn ra chọi gà trong lễ hội, anh Tuấn và những người được phân công nhiệm vụ chuẩn bị bạt, quây xới, kiểm tra mặt sân cát. Những chủ gà chọi ở địa phương và thập phương đã tập trung đông đủ làm các thủ tục cần thiết như chia hạng cân gà, ghép đối thủ... Tùy theo số lượng gà tham gia chọi mà ban tổ chức sẽ có ít xới hay nhiều xới. Theo nhẩm tính của anh Tuấn, trung bình một mùa lễ hội chùa Nghĩa Xá có từ 160-200 chú gà chọi tham gia thi đấu. Vào cuộc đấu, người người khắp nơi đổ về vây quanh xới gà, người xem say sưa cổ vũ, bình phẩm từng cú đá hay, từng miếng đòn hiểm, từng động tác di chuyển của gà. Kết thúc hội thi, chủ gà chọi chiến thắng được vinh danh và trao cờ lưu niệm tham gia. Các chú gà chiến thắng được đem về nuôi dưỡng, chăm sóc và rèn luyện để tiếp tục chiến đấu ở các hội làng khác trong tỉnh.

 

 

Gần đây, trong lễ hội nhiều nơi đã khôi phục được những trò chơi dân gian độc đáo mang nét riêng của làng, của vùng mà thời gian trước có xu hướng mai một. Có thể kể đến trò bắt trạch trong chum, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy tại lễ hội Đình Đá, xã Yên Cường (Ý Yên); bắt trạch trong chum tại lễ hội đình Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên); bơi chải trên sông Đáy tại lễ hội Đình Ngọc Chấn, xã Yên Trị (Ý Yên); vật dân tộc trong lễ hội Chùa Hà Lạn, xã Hải Phúc (Hải Hậu); múa rồng, chọi gà trong lễ hội Đền Phạm Văn Nghị, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).

 

Ở một số vùng quê khác trong tỉnh, các cuộc thi văn hóa ẩm thực trong các lễ hội được nhân dân lưu giữ đến ngày nay. Tiêu biểu như hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) được mở từ 12 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Trong đó, độc đáo, sinh động, náo nhiệt nhất là trò thổi cơm thi và làm cỗ chay dâng thánh thần, tổ tiên. Trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản) có hội chọn lợn, hội chọn gà và hội chọn cá...

 

Nhiều năm qua, tại các địa phương tổ chức lễ hội đều có hoạt động thu hút thế hệ trẻ tham gia tìm hiểu truyền thống cha ông.

 

Lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) được tổ chức 3 năm 1 lần, bắt đầu từ mùng 9 đến 11-3 âm lịch (vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi) đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Phần hội làng Quả Linh với nhiều môn nghệ thuật dân gian được trình diễn, nòng cốt là thanh, thiếu niên tham gia như múa rồng của xóm Bến, múa Sư tử của xóm Chải, múa Lân của xóm Cùng, chơi đu của xóm Cuối... Để mỗi phần biểu diễn được thành công, trước ngày hội các cụ cao niên thường tuyển chọn những trai đinh có sức khỏe, khéo tay để làm các công đoạn như chế tác rồng mây, làm đu... Nhờ vậy, qua nhiều năm, phương pháp chế tạo rồng mây, làm đu của làng Quả Linh vẫn được tiếp nối từ đời này sang đời khác.

 

 

 Ở lễ hội làng nghề Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên) vào ngày mùng 6 và 7-3 âm lịch các năm Dần - Thân - Tỵ - Hợi có tục kéo lửa khai hội nhằm tưởng nhớ ông tổ nghề Ninh Hữu Hưng (939-1019) đã có công truyền dạy nghề cho dân làng. Những người được chọn tham gia kéo lửa là những trai tân khỏe mạnh. Cùng với nghi thức kéo lửa khai hội, vào mùng 5 tháng Giêng hàng năm, dân làng Ninh Xá lại tề tựu quanh sân Chùa Phúc Lê (thuộc thôn Ninh Xá) để tổ chức lễ kéo lửa thổi cơm thi nhằm ôn lại tục kéo lửa và ngày đầu tiên tổ nghề đặt chân đến mảnh đất này. Trước sân chùa, người dân diễn lại tục kéo lửa nấu cơm của quân lính thời xưa bằng hình ảnh một nhóm 3 người vừa đi vừa kéo lửa thổi xôi để làm sống lại không khí quyết tâm đánh giặc của cha ông ta xưa. Qua các hoạt cảnh trong lễ hội, thế hệ trẻ của thôn Ninh Xá thêm trân quý, biết ơn các vị tổ nghề.

 

 

Ở làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) hàng năm, cứ đến ngày 15-11 (âm lịch), dân làng lại mở hội tưởng nhớ “Lục vị Thánh tổ” tại đình làng - những người đã có công dạy dân làng nghề rèn. Vào dịp lễ hội làng Vân Chàng có tục “hiến xảo” tấu với các vị tổ nghề những tiến bộ trong lao động, sản xuất. Khi tổ chức nghi lễ “hiến xảo” các gia đình thợ thủ công mang sản phẩm ra đình, đền thờ tổ nghề, đặt trước ban thờ dâng lên tổ nghề những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao và kỹ thuật tinh xảo. Các gia đình có sản phẩm trong nghi lễ “hiến xảo” đều được nhận một phần quà động viên của ban tổ chức lễ hội, coi đó là lộc của Đức Thánh tổ.

 

Ở nhiều lễ hội lớn khác như lễ hội Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định), lễ hội Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc)... phần hội đều có sự tham gia của các em võ sinh biểu diễn bằng tất cả niềm tự hào, góp phần tái hiện giai đoạn rực rỡ cả về võ công văn trị của thời Trần.

 

 

Ðể các trò chơi dân gian lưu giữ đầy đủ giá trị văn hóa tinh thần truyền thống trong các lễ hội, những năm qua, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh; ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan trong lễ hội…

 

Bên cạnh đó, Sở VH, TT và DL tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lễ hội theo quy định pháp luật. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức lễ hội; phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội theo đúng quy định. Qua đó, các trò chơi dân gian trong các lễ hội ở tỉnh ta được tổ chức nền nếp, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thực sự là sân chơi lành mạnh gắn kết cộng đồng./.

Bài và ảnh: Viết Dư



Xem thêm bình luận