Lễ hội Phủ Dầy gắn với sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh có sức lan tỏa khắp các vùng miền, đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch tâm linh đặc trưng của Nam Định, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động lễ nghi phong phú như: nghi lễ chầu văn, nghi lễ rước thỉnh kinh, hội hoa trượng, rước đuốc đăng long… và nhiều trò chơi dân gian truyền thống.
Toàn cảnh đoàn rước thỉnh kinh Phủ Chính Tiên Hương. |
Nghi thức rước thỉnh kinh, hoa trượng hội và rước đuốc đăng long là một trong những đặc trưng trong Lễ hội Phủ Dầy với quy mô lớn, lượng người tham gia đông đảo. Rước thỉnh kinh là nghi thức quan trọng, thể hiện mối quan hệ dung hoà, gắn kết giữa Tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo, góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng, đoàn kết tôn giáo. Lễ rước Mẫu thỉnh kinh Phủ Vân Cát tổ chức ngày 5-3 âm lịch bắt đầu bằng nghi lễ xin rước bát hương, chân linh Thánh Mẫu Liễu Hạnh của Thủ nhang Phủ Vân Cát. Đoàn rước với đoàn cầu là các bậc cao niên, theo sau là đội trống hội, đoàn rước cờ hội, rước rồng, đội kèn trống, bát âm, các nữ thanh đồng và chấp kích bát bảo, tiếp đến là kiệu bát cống đặt bát hương, kiệu long đình để lấy kinh và ba kiệu võng. Đoàn rước Mẫu được bắt đầu từ Phủ Vân Cát qua Lăng Mẫu lên chùa Linh Sơn Tự dâng hương lễ Phật, sau đó quay về Đền Cây Đa Bóng, qua Lăng Mẫu về Phủ Vân Cát. Ở Phủ Chính Tiên Hương, ngay từ sáng sớm mùng 6-3 âm lịch, thiện nam, tín nữ, thanh đồng và nhân dân các nơi đổ về Phủ để thưởng ngoạn màn thả rồng bay. Trong không khí trang nghiêm, đại diện phủ kính cẩn làm lễ rước bát nhang anh linh Thánh Mẫu ra kiệu. Đoàn rước bắt đầu từ sân Phủ Chính Tiên Hương, qua UBND xã Kim Thái, Lăng Mẫu, rồi đến chùa Tiên Hương.
Toàn cảnh rước đuốc đăng long tại Phủ Chính Tiên Hương. |
Cùng với nghi thức rước thỉnh kinh, tại Phủ Chính Tiên Hương còn diễn ra lễ rước đuốc đăng long. Theo quan niệm dân gian, ngọn lửa được rước từ nơi thờ Thánh Mẫu trong những ngày lễ hội mang ý nghĩa linh thiêng, may mắn. Bắt đầu nghi lễ rước đuốc, các thanh đồng đạo quan, đồng đền, thủ nhang thành tâm xin ngọn lửa thiêng từ trong cung cấm, sau đó rước ra ngoài và tiếp lửa cho hơn một ngàn ngọn đuốc của các tráng sỹ. Dẫn đầu đoàn rước là các đội rồng, lân, sư tử, biểu diễn trong nhịp trống phách rộn ràng. Tiếp đó là hình tượng rồng lớn được thắp sáng rực rỡ. Theo sau là hơn một ngàn tráng sỹ, gồm cả nam và nữ, ở nhiều độ tuổi, tay cầm những ngọn đuốc rực sáng, nối nhau bước đi. Cả đoàn rước tạo thành linh vật rồng lửa, kéo dài hàng cây số. Ngọn lửa thiêng trong lễ rước đuốc Phủ Chính Tiên Hương tượng trưng cho ánh sáng niềm tin, đồng thời bày tỏ mong muốn của các đồng đền thủ nhang, dân thôn bản hạt, con nhang đệ tử, toàn thể nhân dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Xếp chữ trong lễ hội Phủ Dầy. |
Múa rồng trong lễ hội Phủ Dầy. |
Đến Lễ hội Phủ Dầy, đông đảo nhân dân địa phương và du khách còn được thưởng thức màn biểu diễn Hoa trượng hội (kéo chữ) độc đáo. Theo các bậc cao niên ở xã Kim Thái, tương truyền vào thế kỷ XVII, ở vùng Kẻ Dày có cô gái tên là Ngô Thị Ngọc Đài được tuyển vào phủ Chúa Trịnh làm phi tần. Thời ấy, lũ lụt liên tiếp, dân phu các nơi mỗi năm phải về kinh đắp đê sông Nhị Hà (sông Hồng). Dân vùng Kẻ Dày ở hạ lưu của sông Nhị Hà bị lụt lội vẫn phải theo lệnh triều đình lên kinh đắp đê. Thấy dân phu đắp đê đói khổ, Vương phi Ngô Thị Ngọc Đài đã xin Chúa Trịnh thương tình. Sau đó, Chúa Trịnh cấp phát lương thực cho dân phu về quê lo sửa chữa đê điều ở địa phương. Trước khi dân phu về, Vương phi dặn họ vào Phủ Dầy tạ ơn Mẫu Liễu Hạnh. Về đến quê nhà, vì quá vui mừng, dân phu mang theo những công cụ đào đất tập hợp tại sân Phủ xếp thành chữ: “Thánh Cung Vạn Tuế”, rồi cả đoàn người cúi lạy Mẫu để tỏ lòng biết ơn. Từ đó trở đi, hàng năm đến kỳ lễ hội, người dân lại tổ chức kéo chữ. Qua thời gian, các nông cụ được cải tiến bằng gậy buộc hoa, dây trang trí đẹp mắt. Mỗi màn biểu diễn hoa trượng hội, Ban tổ chức huy động từ 240 đến 280 người với trang phục đầu cuốn khăn đỏ, viền vàng, bụng thắt khăn đỏ, viền vàng, quần trắng, chân cuốn xà cạp đỏ. Gậy xếp chữ được chuẩn bị dài khoảng 4m, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có “ngù” bằng lông gà. Người tham gia kéo chữ được xếp thành 4 hoặc 8 đội, mỗi đội phân tổng cờ và đốc cờ. Chỉ huy kéo chữ phải có trống cái, trống tiểu ra lệnh để tổng cờ, đốc cờ ém quân, kéo quân theo nhịp trống. Mọi người trong đội theo điều khiển của tổng cờ tiến lui, ra vào tạo thành chữ mô phỏng tục đặt cuốc, xẻng xưa. Khi xếp thành chữ, tổng cờ mời một bậc cao niên trong Ban giám khảo có học vấn duyệt chữ. Sau khi chấm điểm, Ban giám khảo ban lệnh bài thu quân để tiếp tục xếp chữ khác. Các chữ thường xếp là chữ Hán: “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”, “Hòa cốc phong dương” hay “Quang phục thánh thiện”… thể hiện mơ ước của cư dân nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhắc nhở nhân dân mãi nhớ công đức của Thánh Mẫu. Những năm gần đây, trước khi vào chương trình biểu diễn Hoa trượng hội, ở Phủ Chính Tiên Hương còn tổ chức hát chèo, chầu văn, múa rồng tạo thành các hoạt động văn hóa phong phú, đan xen, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tới chiêm bái.
(1) Rước kiệu thỉnh kinh Phủ Chính Tiên Hương. (2) Đoàn rước thỉnh kinh phủ Vân Cát. |
Đồng chí Trần Khắc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Kim Thái, Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Phủ Dầy năm 2024 cho biết: Kế thừa kết quả tích cực từ công tác tổ chức lễ hội những năm trước, năm nay, Lễ hội Phủ Dầy diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Tại các điểm di tích đã tiến hành lắp đặt hàng nghìn đèn lồng, hệ thống điện chiếu sáng dọc các tuyến đường xung quanh di tích, trong khuôn viên, nội tự, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách trong các ngày diễn ra lễ hội. Ban tổ chức lễ hội đã xây dựng kịch bản lễ hội khoa học, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương, tạo sức hấp dẫn cho du khách tham dự lễ hội. Các nhà trường ở xã Kim Thái đã chú trọng tuyên truyền nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương bằng nhiều hình thức như thông qua các bài diễn văn, bài phát biểu tại các lễ kỷ niệm, bài nói chuyện của các nghệ nhân. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động ngoại khóa được tổ chức như cho học sinh tham quan di tích, tham gia các trò chơi dân gian trong lễ hội.
(1) Một giá hầu tại Phủ Chính Tiên Hương. (2)Trống hội khai mạc nghi thức rước đuốc đăng long tại Phủ Chính Tiên Hương. (3) Hát văn tại Phủ Vân Cát. |
Đến với Lễ hội Phủ Dầy, mỗi người không chỉ thỏa nguyện cầu tâm linh mà còn thưởng ngoạn vẻ đẹp của một quần thể kiến trúc truyền thống đền, chùa, lăng, phủ độc đáo. Cùng với đó, Lễ hội Phủ Dầy là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng trong nghiên cứu đời sống văn hóa xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam./.
Bài và ảnh: Viết Dư