Có hẹn với "miền di sản"
.

Có hẹn với "miền di sản"

09:01, 21/02/2024
 

Với “thế đứng” của một tỉnh giàu truyền thống văn hiến, Nam Định xứng danh là vùng quê giàu trầm tích di sản văn hoá, là "vùng đất của lễ hội"  trong đó mùa Xuân có nhiều lễ hội lớn mang đậm bản sắc văn hoá “Thiên Trường xưa - Nam Định nay”.

 

 

 

Sau Tết Nguyên đán, Nam Định có nhiều lễ hội mùa xuân được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch. Các lễ hội mùa xuân tập trung ở các huyện: Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Hải Hậu và thành phố Nam Định. Nhiều lễ hội mùa xuân được tổ chức với quy mô lớn như: Chợ Viềng (Nam Trực, Vụ Bản), Lễ Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định), Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), Lễ hội Chùa Lương (Hải Hậu), Lễ hội Hoa cây cảnh làng Vị Khê (Nam Trực), Lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường)… 

 

 

 

Ngay sau Tết Nguyên đán, một lễ hội lớn diễn ra trong thời gian ngắn phải kể đến là chợ Viềng tổ chức vào đên mùng 7 và ngày 8 tháng Giêng ở hai nơi gắn với hai di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: là Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) và Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Chợ chỉ họp một phiên duy nhất mỗi năm, trước ngày vía Ngọc Hoàng hay lễ "mở cổng Trời" theo tín ngưỡng dân gian vào ngày 9 tháng Giêng. 

 

Mở đầu cho Lễ hội Khai ấn là lễ rước kiệu Ngọc Lộ tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng (rước chân nhang của Vua Trần Nhân Tông từ chùa Tháp sang đền Thiên Trường).

 

Tiếp đó là Lễ Khai ấn đầu xuân được tổ chức tại quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần và Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định) là một phong tục có từ lâu đời. Mở đầu cho Lễ hội Khai ấn là lễ rước kiệu Ngọc Lộ tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng rước chân nhang của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ Chùa Tháp sang Đền Thiên Trường với ý nghĩa rước vong linh ngài về bái tổ tiên triều và dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ. Do vậy, nghi lễ này mang ý nghĩa to lớn tri ân công đức tiên tổ, dung hòa tôn giáo (đạo Phật) và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; giáo dục con cháu về lòng biết ơn nguồn cội. 

 

Sau nghi thức rước kiệu Ngọc Lộ là lễ "Rước Nước, tế Cá" tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng. Đây là nghi lễ quan trọng giàu ý nghĩa nhân văn và lịch sử; với các nghi thức hoạt động như lấy nước (mạch nguồn của sự sống) ở Giếng Rồng về thờ tại các Đền trong quần thể di tích; thả lưới đánh bắt cá - tái hiện các hoạt động của nghề chài lưới vốn là nghề mưu sinh của tổ tiên nhà Trần thuở ban sơ. Nghi lễ này nhằm tri ân công lao nhà Trần, tôn vinh nền văn minh lúa nước và cư dân làng chài, đồng thời là nghi lễ trọng đầu năm mới cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

 

Nghi thức Tế cá trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần.

 

Lễ hội Khai ấn Đền Trần tổ chức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng, chính lễ là đêm ngày 14 (giờ Tý), rạng sáng 15 tháng Giêng diễn ra nghi lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo sang Đền Thiên Trường thờ 14 vị Hoàng đế thời Trần và long trọng tổ chức Lễ Khai ấn. 

 

Trong mùa lễ hội xuân, ngoài các lễ hội có quy mô và tầm lan tỏa trên cả nước nói trên, còn nhiều lễ hội ở các địa phương với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc như: Lễ hội Chùa Đại Bi (Nam Trực), lễ hội Chùa Hải Anh (Hải Hậu), lễ hội Đền Hạ Kỳ (Nghĩa Hưng), lễ hội làng An Nhân, làng Hồ Sen (Vụ Bản), lễ hội làng Ngọc Tiên xã Xuân Hồng (Xuân Trường)... Một điểm chung ở hầu hết các lễ hội truyền thống đầu xuân là ngoài phần lễ gắn với các di tích đều có phần hội hết sức sôi động với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: chọi gà, đua thuyền, đấu vật, cờ người, thổi cơm thi, kéo chữ,… đáp ứng nhu cầu giải trí văn hoá lành mạnh của người dân, vui chơi trọn vẹn ngày xuân trước khi bắt tay vào công việc của năm mới. Không chỉ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, các lễ và hội xuân còn có ý nghĩa động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, học tập phấn đấu đạt nhiều kết quả tốt để đón mùa xuân sau sung túc hơn. Tiêu biểu là hội "Trư kiên bảo" (hội chọn lợn), "Kê kiên bảo" (hội chọn gà) và hội chọn cá trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản), Hữu Dụng, Làng Mụa (Ý Yên) và một số lễ hội làng ở các huyện: Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc... Nguồn gốc của hội chọn vật gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, với khát vọng mùa màng bội thu của nhân dân.

 

Biểu diễn nghệ thuật múa rối đầu gỗ chầu Thánh (hay còn gọi là Ổi Lỗi) trong lễ hội Chùa Bi (Nam Trực).

 

Vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm, Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) lại tưng bừng mở hội. Trong lễ hội Chùa Bi có một hoạt động đặc biệt vừa là phần lễ, vừa là phần hội, đó là môn nghệ thuật múa rối đầu gỗ chầu Thánh (hay còn gọi là Ổi Lỗi) - được coi là môn nghệ thuật dân gian “độc nhất, vô nhị” trong cả nước. “Nhân vật chính” trong Ổi Lỗi là "Thập nhị Thánh tượng" (12 tượng Thánh, gồm sáu tượng rối lớn và sáu tượng rối nhỏ). Tượng rối lớn còn gọi là “ông Lộng”, trong đó phân ra các đôi tượng như: "Chúa Lộng" (mang gương mặt của quan văn, quan võ), đôi tượng "Chàng cát" (hay còn gọi là Cóc vàng); đôi tượng "Tùy trắng”. Sáu tượng rối nhỏ tượng trưng cho sáu nhân vật gồm: tượng Chàng, tượng hai Nàng tiên, tượng ông Chớp, tượng Hoàng hậu, tượng ông Mách. Gọi là rối đầu gỗ bởi chỉ có đầu con rối làm bằng gỗ, trang phục phủ vải từ cổ xuống, người biểu diễn dùng tay điều khiển tượng rối. Và rối này chỉ biểu diễn trong đền phục vụ các nghi lễ phụng sự thánh nên còn gọi là rối chầu Thánh. Nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật múa rối chầu Thánh gồm: 1 trống cái (để cầm canh chuyển làn điệu); 1 chuông đẩu và 1 trống thầy bói (gõ theo trống cái), 1 trống bảng, 2 trống cơm, 2 thanh la. Về lời ca và giai điệu, nghệ thuật Ổi Lỗi hiện địa phương còn lưu giữ 26 bài, 32 làn điệu cổ; nội dung ca ngợi công lao của Đức Thánh Từ và cầu cho đất nước "thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền". Trong phần "lễ" bao gồm các nghi lễ trang trọng, đặc sắc như: Lễ mộc dục thắng nghì; lễ cúng phát tấu và thi thầy; lễ rước kiệu và khai hội; lễ tế Thánh Tổ. Phần hội có vật Chầu Thánh, đánh cờ người, tổ tôm điếm, hội thi chim...

 

 

 

 
Trình diễn nghệ thuật hầu đồng tại Khu di tích Phủ Dầy (Vụ Bản).

 

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) cho biết: Mùa lễ hội 2024 đánh dấu năm đầu tiên "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ VH, TT và DL ban hành ngày 3-8-2023 được triển khai tại các địa phương nhằm hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh. Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-UBND ngày 21-12-2023 của UBND tỉnh, Sở đã ban hành các văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng và đơn vị chức năng liên quan thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý Lễ hội mùa Xuân năm 2024. Thông qua đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp quản lý; các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông đối với hoạt động lễ hội, thể thao, du lịch; bảo đảm hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc... Ngay trước ngày hội chợ Viềng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu du xuân của khách thập phương, xây dựng hình ảnh Nam Định thân thiện, mến khách. Theo thống kê của Sở VH, TT và DL, lượng khách du xuân đến chợ Viềng (Vụ Bản, Nam Trực) năm 2024 ước đạt 350 nghìn lượt người, tăng 75% so với năm 2023. 

 

<em>Các sản phẩm nông nghiệp mây tre đan bày bán mang ý nghĩa cầu may tại chợ Viềng Xuân Vụ Bản.</em>
Các sản phẩm nông nghiệp mây tre đan bày bán mang ý nghĩa cầu may tại chợ Viềng Xuân Vụ Bản.
Trình diễn nghệ thuật Chầu văn và hầu đồng tại Chợ Tết "Một thoáng Thành Nam" Xuân Giáp Thìn 2024.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nam Định, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Khai ấn Đền Trần cho biết: Để tổ chức tốt nội dung chương trình Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn năm 2024, UBND thành phố Nam Định đã thành lập Ban tổ chức lễ hội; thành lập 4 tiểu ban: Nghi lễ, Tuyên truyền, An ninh trật tự, Hậu cần. Các tiểu ban xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo công tác: thông tin tuyên truyền, an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ… Công an thành phố xây dựng kế hoạch huy động khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng bảo vệ tổ dân phố đảm bảo công tác an ninh trong đêm Khai ấn, an toàn cho người dân và du khách trong thời gian diễn ra lễ hội.

 

 

 

Để thực hiện hiệu lực, hiệu quả "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống", các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh./.

Việt Thắng
Ngày xuất bản: 21-2-2024



Xem thêm bình luận