Cộng đồng học tập vào xuân
.

Cộng đồng học tập vào xuân

07:44, 09/02/2024
 

Đất nước đang rộn rã vào xuân. Ở nhiều gia đình, dòng họ, thôn làng trong tỉnh lại quây quần trong nhà thờ, đình làng, từ đường để báo công với tiên tổ về thành tích học tập và chuẩn bị đón một mùa xuân mới với bao ước vọng tri thức ngày một vươn cao.

 

Làng Cự Trữ, xã Phương Định (Trực Ninh) gồm hai dải đất dẹp, chạy song song với con sông nhỏ ở giữa. Trải qua thời gian, làng Cự Trữ vẫn giữ được những nét cổ truyền của một làng quê Bắc Bộ, đó là những công trình kiến trúc như đình, đền, miếu, phủ, hệ thống các cây cầu đá bắc qua sông cùng nghề ươm tơ dệt vải truyền thống. Hầu hết người dân nơi đây đã được tiếp xúc với nghề dệt từ khi còn nhỏ, chủ yếu là các thế hệ trước truyền lại nghề cho thế hệ sau. Tuy có cuộc sống ổn định, ấm no từ nghề truyền thống nhưng những người dân Cự Trữ lại rất quan tâm đến sự học của con cháu, muốn các thế hệ tiếp nối nhau bay cao, vươn xa. Từ năm 2004, làng đã thành lập chi hội khuyến học nhằm động viên, tiếp thêm sức mạnh để mỗi gia đình, dòng họ tiếp tục răn dạy con cháu nỗ lực phấn đấu vươn lên, thi đua học tốt, lao động tốt. Nhờ sự động viên, tuyên truyền của chi hội khuyến học cùng với động lực thi đua giữa các gia đình mà số học sinh trong làng đạt kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện ngày càng nâng lên. 

 

Chi hội Khuyến học làng Cự Trữ, xã Phương Định (Trực Ninh)
 giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học của quê hương cho thế hệ trẻ của làng.

 

Từ năm 2004 đến nay, làng có khoảng 270 học sinh đỗ vào các trường đại học, 250 học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Hầu hết các gia đình trong làng đều có con cháu có trình độ cử nhân hoặc đang học tại các trường đại học, cao đẳng, các trường chuyên nghiệp. Số dân thường xuyên học tập theo các hình thức ngày càng tăng, nhất là theo học các lớp chuyên đề do Trung tâm học tập cộng đồng của xã, của huyện mở. Hiện tại, làng Cự Trữ có 3 thôn với trên 700 hộ dân, hơn 3.300 nhân khẩu, trong đó cả 3 thôn và 2 dòng họ đều đã thành lập được ban, chi hội khuyến học với 257 hội viên. Những năm gần đây, thực hiện các mô hình học tập do các cấp Hội Khuyến học phát động, làng Cự Trữ đã phát triển các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”. Các mô hình học tập này được xây dựng, phát triển gắn kết và lồng ghép với việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Các em học sinh đều có đạo đức, kỹ năng sống tốt, lối sống lành mạnh; người lớn trong gia đình đều hưởng ứng tốt việc học tập ở các loại hình nhằm áp dụng kiến thức đã học vào kinh doanh, phát triển sản xuất, giúp đời sống của người dân thay đổi từng ngày.

 

Người dân xóm 6, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) thường xuyên đọc sách, báo cập nhật kiến thức tại nhà văn hóa xóm.

 

Công tác xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài hay tổ chức khen thưởng, trao học bổng cho học sinh có thành tích cao trong học tập đến nay đã trở thành nét đẹp trong cộng đồng làng Cự Trữ. Từ khi thành lập tới nay, các thành viên trong Ban khuyến học làng còn đóng góp quỹ để động viên, thăm hỏi các gia đình hội viên có việc hiếu, hỉ, ốm đau, tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm và động viên nhau cùng phấn đấu vượt qua khó khăn nuôi dạy con cái nên người. Hiện tại, quỹ khuyến học của làng có 125 triệu đồng để động viên, trao thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh học giỏi. Nguồn quỹ có được đều do các nhà hảo tâm, những người con xa quê, các doanh nghiệp ủng hộ. Năm 2022, làng tổ chức trao thưởng cho 9 cháu là học sinh giỏi cấp tỉnh, 15 cháu học sinh giỏi cấp huyện và 27 cháu đỗ vào các trường đại học. Việc khen thưởng được tổ chức trang trọng tại đình làng trước khi vào năm học mới và vào dịp Tết âm lịch. Trước đó, Ban khuyến học lập danh sách, viết bài và tổ chức phát thanh trong 3 ngày liên tiếp để cổ vũ, động viên các gia đình và học sinh tạo không khí phấn khởi trong toàn dân. Với những thành tích đã đạt được trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, năm 2018, Hội Khuyến học làng Cự Trữ vinh dự được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, làng lại nhộn nhịp mở hội để chúc mừng, trao thưởng cho các em đã đỗ vào đại học, cao đẳng và những em có thành tích xuất sắc, tạo nên cộng đồng học tập đầy sức xuân.

 

 

 

Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trên địa bàn tỉnh được củng cố, phát triển vững chắc, cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Toàn tỉnh hiện có trên 450 nghìn gia đình đăng ký gia đình học tập, trong đó có 66% gia đình được công nhận; hơn 4.600 dòng họ đăng ký mô hình dòng họ học tập và đã có 75,8% dòng họ được công nhận; 74% trong số hơn 3.500 thôn, làng, tổ dân phố đăng ký cộng đồng học tập đã được công nhận. Quá trình thực hiện các mô hình học tập ngày càng phát triển, phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các tập thể, cá nhân, đặc biệt là sự tận tình, tâm huyết, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ khuyến học từ tỉnh đến cơ sở. Các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập trong tỉnh đều nhận thức đúng về việc học đối với mỗi người dân; mỗi dòng họ học tập đều thành lập ban khuyến học và hoạt động hiệu quả, nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi để cho các cháu trong độ tuổi đi học được đến trường, chăm sóc, giáo dục để các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi. Đặc biệt, với mỗi đơn vị, khu dân cư khi xây dựng cộng đồng học tập, đơn vị học tập đều gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng đô thị văn minh”... Qua đó, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thay đổi cách nghĩ, cách làm để cùng nhau thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Phong trào khuyến học, khuyến tài ở các gia đình, dòng họ, thôn làng trong tỉnh mỗi nơi đều có cách làm riêng, nhưng tất cả đều là khát vọng xây dựng con người mới trong một xã hội học tập nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 

 

 

 

 

 

 



Xem thêm bình luận