Nghề làm nón lá
.

Nghề làm nón lá

15:17, 24/07/2023

 

Dạo một vòng quanh xã Nghĩa Châu, vào các thôn, xóm đâu đâu cũng thấy thấp thoáng bóng những bà, những mẹ, những chị tay thoăn thoắt đưa kim khâu nón. Nghề làm nón ở Nghĩa Châu xuất hiện từ những năm 1940, trải qua gần 100 năm thăng trầm lịch sử vẫn được người dân nơi đây duy trì và phát triển.

Người dân phơi lá cọ (nguyên liệu làm nón lá).
Người dân phơi lá cọ (nguyên liệu làm nón lá).

Nghĩa Châu có 2.970 hộ thì có tới 70% số hộ làm nghề nón lá. Hiện trên địa bàn xã đang sản xuất 2 loại nón: nón thêu phục vụ cưới hỏi và nón thông thường. Sự phong phú và đa dạng về mẫu mã chủng loại cùng với chất lượng tốt đã khiến nón Nghĩa Châu “đi xa”, đến được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bà Nguyễn Thị Lương, xóm Đào Thượng, 72 tuổi cho biết: “nón lá được làm từ nhiều nguyên liệu như vỏ măng, nứa… nhưng ở xã Nghĩa Châu nón lá chủ yếu được làm từ lá cọ”.

 

Làm được một chiếc nón lá phải qua nhiều công đoạn: chẻ nứa, lên khuôn nón, khâu nón lá...
Làm được một chiếc nón lá phải qua nhiều công đoạn: chẻ nứa, lên khuôn nón, khâu nón lá...

Lá cọ được người dân nhập từ những vùng núi cao của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Mua được lá, thợ đan nón phơi nắng rồi hấp diêm sinh để lá có độ trắng ngà, không bị mốc khi gặp mưa. Thợ làm nón tiếp tục gỡ từng lá cọ, đặt lên lưỡi cày nung nóng, dùng búi giẻ vuốt lá cho phẳng. Ngày nay, công đoạn “là lá” trên được xử lý nhanh, hiệu quả hơn khi người thợ biết dùng bếp điện để làm phẳng lá. Xong đâu đấy, họ xếp lá trên khuôn, giữa hai lớp lá xếp một lượt mo nang lạng thật mỏng, được chằng buộc sao cho chắc chắn.

Công đoạn gỡ lá, là lá.
Công đoạn gỡ lá, là lá.

Để làm được một chiếc nón, người thợ phải qua nhiều công đoạn như: gắn khuôn, xâu lá, chằm may, nức chân, xâu nôi, quang dầu, phơi nắng… Sau khi là phẳng lá, người thợ dùng kéo cắt chéo đầu trên sau đó dùng kim xâu chừng 24 đến 35 lá lại với nhau xếp đều trên khuôn nón. Công đoạn tiếp theo, thợ thủ công lấy dây cột chặt lá nón đã trải đều trên khuôn với khung nón rồi mới bắt đầu khâu. Thợ làm nón đặt lá lên sườn nón rồi dùng dây cước với kim khâu “chằm nón” thành hình chóp.

Người dân chăm chút từng chi tiết, cẩn thận trong từng đường kim mũi chỉ.
Người dân chăm chút từng chi tiết, cẩn thận trong từng đường kim mũi chỉ.

Khâu xong nón, những người thợ còn cẩn thận quét một lớp dầu bóng, tăng độ bền và độ “trắng, sáng” cho nón. Để trang trí cho những chiếc nón lá thêm xinh đẹp, người thợ thủ công còn dùng các loại chỉ màu sắc sặc sỡ khâu đối xứng 2 bên làm chỗ buộc quai nón. “Một chiếc nón đẹp không chỉ bóng, sáng mà đường kim mũi chỉ còn phải đều đặn, mềm mại, trăm mũi như một. Người thợ khâu nón khéo léo thường có tài… lẩn chỉ, khéo giấu những nút nối vào trong. Đây cũng được coi như là công đoạn khó nhất của nghề khâu nón”, bà Lương chia sẻ thêm về tiêu chí “đánh giá” một chiếc nón thành phẩm đẹp.

 

Chăm chỉ, khéo léo, mỗi ngày những người thợ làm nón ở Nghĩa Châu sẽ hoàn thiện được từ 1-2 chiếc nón lá. Với giá bán trên thị trường dao động từ 40-80 nghìn đồng/chiếc, vốn đầu tư từ 6-12 nghìn đồng/chiếc, trừ chi phí, một thợ khâu nón có thu nhập từ 35-80 nghìn đồng/người/ngày. Nón làm ra đến đâu được thương lái thu mua ngay đến đấy, người dân không phải mang ra chợ bán. Hiện toàn xã có 40 hộ chuyên thu mua và cung ứng nguyên liệu làm nón cho các hộ gia đình, tập trung nhiều ở 2 thôn Đào Khê Thượng và Đào Khê Hạ, là 2 thôn được UBND tỉnh “Quyết định công nhận làng nghề truyền thống tỉnh Nam Định”.

Không khí làm nón nhộn nhịp một vùng quê.

Tuy nhiên, hiện nay thợ làm nón, đặc biệt là thợ trẻ ngày càng ít đi do thu nhập từ nghề chưa thật sự “hấp dẫn”. Bà Trịnh Thị Hảo, thôn Đào Thượng cho biết: “Nghề làm nón cho thu nhập chưa cao, nếu làm đều tay cũng chỉ đủ trang trải chi phí thiết yếu cho gia đình. Do đó, ngày càng ít người làm nghề. Trước đây, trên địa bàn xã, xóm nào cũng có người làm nón. Những năm 80 của thế kỷ XX, nghề làm nón ở đây phát triển mạnh, nhà nhà làm nghề, đi đâu cũng thấy cảnh làm nón”.

Những chiếc nón lá thêu tỉ mỉ được phục vụ cho cưới hỏi.
Những chiếc nón lá thêu tỉ mỉ được phục vụ cho cưới hỏi.

Từ nhiều đời nay, chiếc nón lá đã gắn liền với đời sống, sinh hoạt, trở thành biểu tượng văn hoá của người dân Việt Nam. Người dân sử dụng nón lá cho nhiều sự kiện, mục đích khác nhau, che nắng, mưa khi đi làm đồng, đi chợ, là “phụ kiện’ cho những chuyến dã ngoại, đi chơi… Tại nhiều khu du lịch, chiếc nón lá còn được trưng bày trang trọng để giới thiệu, làm quà biếu, tặng cho du khách phương xa. Cùng với tà áo dài, chiếc nón lá còn tạo nên một vẻ đẹp riêng, duyên dáng, bình dị, mộc mạc cho người phụ nữ Việt Nam. Để giữ gìn và phát triển nghề xưa, cấp uỷ, chính quyền xã Nghĩa Châu đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chung tay vào cuộc. Trong đó, Hội Nông dân xã là nòng cốt tư vấn, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên môn hoá nhằm tăng năng suất, giá trị ngày công lao động. Hiện Hội Nông dân xã đang tiến hành hướng dẫn cho các hộ gia đình làm nghề thành lập các tổ hợp tác chuyên sản xuất lá nón, nhóm hộ chuyên sản xuất vành, nhóm hộ chuyên lên vành lợp lá… Đối với các hộ không có điều kiện để mở cơ sở làm nón, chính quyền vận động, động viên các hộ, cơ sở có điều kiện hơn khoán sản phẩm với giá ưu đãi, chỉ đạo tổ hợp tác thu mua bao tiêu sản phẩm./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân – Văn Huỳnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Xem thêm bình luận