Nam Định là vùng đất văn hiến, “địa linh, nhân kiệt” giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Theo tổng hợp mới nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến hết tháng 3-2023, toàn tỉnh có 1.359 di tích lịch sử - văn hóa, đa dạng về quy mô, độc đáo về kiến trúc nghệ thuật; trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh và di tích Chùa Keo Hành Thiện), 87 di tích cấp quốc gia, 319 di tích cấp tỉnh, 951 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo các di tích, nhất là các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến trên địa bàn tỉnh là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng, thực hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay để gìn giữ các "địa chỉ đỏ" góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của quê hương.
Trong không khí thiêng liêng của “tháng 7 tri ân”, tới thăm Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), thắp nén nhang tại Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Phật tử, chúng tôi nhớ câu chuyện cảm động trong một buổi trò chuyện với Đại tá Đinh Thế Hinh, quê làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành (Xuân Trường), nguyên nhà sư pháp danh Đại đức Thích Pháp Lữ, là một trong 27 tăng ni đầu tiên của Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) khởi nguyện xung kích vào đội quân “Nghĩa sĩ phật tử” ngày 27-2-1947. Đại tá Đinh Thế Hinh kể: “Cuối năm 1946, giặc Pháp tiến hành chiếm đóng các tỉnh, Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Thế nước lâm nguy, Hồ Chủ tịch đã ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" hiệu triệu toàn dân tộc, đứng lên chống giặc ngoại xâm cứu nước. Hòa thượng Thích Thế Long, khi đó là trụ trì chùa Cổ Lễ, đã phát động thành lập đội "nghĩa sĩ phật tử", cho phép các tăng, ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường tham gia đánh giặc cứu nước. Sau các nghi lễ tại chùa để tạm "cởi áo cà sa khoác chiến bào", 27 nhà sư đã trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Trong những trận giao chiến với quân Pháp, bảo vệ thành phố Nam Định, cố thủ cao điểm Non Nước (Ninh Bình), đơn vị “Nghĩa sĩ phật tử” chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc. Tiếc thay, 12 vị đã anh dũng hy sinh! Đó là những tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các liệt sĩ - nhà sư.
Chùa Cổ Lễ được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1988. |
Chùa Cổ Lễ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1988; đến ngày 6-3-2023, “Lễ hội Chùa Cổ Lễ” tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 472/QĐ-BVHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại Phòng truyền thống Chùa Cổ Lễ hiện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật về lịch sử của nhà chùa; trong đó có trưng bày hiện vật là huân, huy chương, huy hiệu Đảng của các cố Hòa thượng Thích Thế Long, Thích Thuận Đức;... Ngoài ra còn có những kỷ vật của những vị sư đã “cởi áo cà sa” lên đường tham gia kháng chiến như: chiếc ba lô đã bạc màu, ảnh trong quân ngũ của các nhà sư từng cởi áo cà sa ra trận…
Tại Phòng truyền thống Chùa Cổ Lễ hiện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật về lịch sử của nhà chùa. Trong đó có Danh sách 27 nhà sư “Cởi áo cà sa ra trận” năm 1947; trưng bày hiện vật là huân, huy chương, huy hiệu Đảng của các cố Hòa thượng Thích Thế Long, Thích Thuận Đức... |
Các di tích cách mạng, kháng chiến trên địa bàn tỉnh gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vẻ vang; trở thành những “chứng nhân” lịch sử, đồng hành với nhân dân trong các cuộc chiến giành lại hòa bình cho dân tộc; là “địa chỉ đỏ” - biểu tượng cao quý về truyền thống cách mạng, yêu nước của nhân dân Nam Định.
Năm 1962, Cột cờ Nam Định đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. |
Cột cờ Nam Định gắn với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của thành phố. Thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều cán bộ, đảng viên lấy Cột cờ làm nơi liên lạc và sinh hoạt, chỉ đạo phong trào. Ngày 27-3-1883, tàu chiến của Pháp từ sông Đào bắn phá vào trong thành, Cột cờ bị trúng đạn để lại dấu tích một vết đạn cắm sâu khoảng 4cm, đường kính 6cm ở độ cao 11m về phía Nam. Năm 1967, Nam Định bị máy bay giặc Mỹ đánh phá ác liệt, đỉnh Cột cờ, có vị trí cao ở thành phố được lấy làm nơi tổ quan sát máy bay do đồng chí La Vĩnh Hào, tự vệ Nhà máy Dệt Nam Định chỉ huy làm nhiệm vụ viễn tiêu. Ngày 11-6-1972, máy bay Mỹ đã ném bom vào khu vực Cột cờ làm sập toàn bộ công trình kiến trúc này. 25 năm sau, đến năm 1997, Cột cờ Nam Định được phục dựng lại theo nguyên gốc.
Khu di tích phố Hàng Thao - nơi ghi lại tội ác của giặc Mỹ để thắp nén hương, tưởng niệm những người dân Thành Nam đã ngã xuống vì bom đạn của kẻ thù. |
Điểm di tích đầu phố Hàng Thao là một trong những nơi ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ trong thời kỳ "leo thang chiến tranh" ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Vào sáng ngày 14-4-1966, giặc Mỹ ném bom xuống phố Hàng Thao, giết hại 77 người, làm 135 người bị thương, 240 nhà sập đổ, hư hại. Tội ác tày trời của giặc Mỹ đã khắc sâu trong lòng mọi người dân thành phố Nam Định. Tại điểm di tích đau thương này, một mảnh tường còn lại của ngôi nhà bị bom Mỹ đánh sập đã được tôn tạo thành bia chung cho những người đã bị bom Mỹ sát hại sáng ngày 14-4-1966, đồng thời cũng là biểu tượng ghi sâu tội ác, sự phi nghĩa, đau thương của chiến tranh.
Nhà số 7 phố Bến Ngự thuộc phường Phan Đình Phùng, là nơi thành lập chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở tỉnh Nam Định. |
Trên địa bàn tỉnh, có nhiều địa chỉ "đỏ”, đóng vai trò quan trọng đặc biệt, gắn với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân trong tỉnh từ buổi đầu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là nhà số 7 phố Bến Ngự (phố Hoa kiều xưa) thuộc phường Phan Đình Phùng ngày nay, là nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở tỉnh Nam Định. Ngôi nhà do cụ Trần Đình Lâm là ông nội của Tam nguyên Vỵ Xuyên Trần Bích San xây dựng năm 1849. Theo các tài liệu lịch sử, hồi đầu thế kỷ XX, đốc học Nam Định Nguyễn Thượng Hiền từng ở ngôi nhà này để liên lạc với các nhà nho yêu nước như Tăng Bạt Hổ, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến. Ngôi nhà này cũng còn là cơ sở của các chiến sĩ cách mạng nổi tiếng Đinh Chương Dương, Lê Hồng Sơn - những người đã tổ chức, cử người sang Quảng Châu đầu những năm 20 của thế kỷ XX. Tiếp sau, nhiều học sinh yêu nước cũng đến đây học hỏi tìm đường cứu nước và trở thành những nhà chính trị xuất sắc, trong đó có các đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Đức Cảnh... Nơi đây cũng diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ của các văn thân như: Nguyễn Thượng Hiền, Vũ Hữu Lợi,... để cùng bàn kế chống Pháp... Với những giá trị lịch sử đó, ngôi nhà đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Gần 160 năm tồn tại với gần 10 thế hệ sinh ra và lớn lên, ngôi nhà vẫn được gìn giữ bảo vệ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ, xã Nam Vân (thành phố Nam Định). |
Nam Định là một trong những trung tâm cách mạng của cả nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; là một trong những địa phương có tổ chức Đảng ra đời sớm nhất, vào ngày 19-6-1929. Từ phong trào đấu tranh, nhiều người con ưu tú của quê hương trưởng thành và làm rạng danh cho đất nước, tiêu biểu là các đồng chí: Trường Chinh với 3 lần làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Lê Đức Thọ,... Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia từ ngày 15 tháng 10 năm 1994, theo Quyết định số 2754/QĐ-BT. Đây là ngôi nhà được Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng xây dựng vào năm Nhâm Dần, niên hiệu Thành Thái 4 (1902) cho con trai cụ là ông Đặng Xuân Viện. Đồng chí Trường Chinh là con trai cả của ông Đặng Xuân Viện, được sinh ra, lớn lên chính tại ngôi nhà này. Ngôi nhà còn là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh suốt từ năm 1928 đến thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Nơi đây có thời kỳ là cơ sở in tài liệu, sách báo tuyên truyền phục vụ cách mạng; nơi nuôi giấu đồng chí Trường Chinh trong những lần về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà.
Hướng dẫn viên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh cùng với Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ, xã Nam Vân (thành phố Nam Định); Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phúc, Nhà tưởng niệm Thượng tướng Song Hào, xã Liên Minh (Vụ Bản); Nhà lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu, xã Hải Anh (Hải Hậu)… trong hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến thời đại Hồ Chí Minh trên quê hương Nam Định có ý nghĩa quan trọng phục vụ nhân dân cùng khách tham quan, nghiên cứu lịch sử, đồng thời cũng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu.
Các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn tỉnh còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ. Do đó, di tích lịch sử cách mạng là tài sản chung của nhân dân, mọi người dân đều có quyền hưởng thụ, khai thác và phát huy và trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ giá trị di tích phục vụ cho mục đích văn hóa lành mạnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế; việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích tuy đã có những thành tựu bước đầu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; việc thực hiện quy định phân cấp quản lý di tích còn nhiều bất cập.
Cửa hàng cắt tóc dưới hầm (Thành phố Nam Định) được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia (tháng 4-1979 theo Quyết định 54-VHTT/QĐ) hiện xuống cấp trầm trọng, thậm chí đang rơi vào cảnh “phế tích”. |
Thành phố Nam Định có 5 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gồm: Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm, Khu chỉ huy của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định, Khu di tích phố Hàng Thao, Hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định (còn gọi là A4). Di tích này hiện nằm tại số nhà 57 phố Quang Trung, được xây dựng vào tháng 9-1966. Trong chiến tranh chống Mỹ, từ căn hầm này, Thành ủy Nam Định đã chỉ đạo mọi hoạt động sản xuất, chiến đấu ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, di tích lịch sử này đang xuống cấp, có nguy cơ trở thành “phế tích”.
Di tích hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (còn gọi là A4) hiện nằm tại số nhà 57 phố Quang Trung, được xây dựng vào tháng 9-1966. Trong chiến tranh chống Mỹ, từ căn hầm này, Thành ủy Nam Định đã chỉ đạo mọi hoạt động sản xuất, chiến đấu ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, di tích trong tình trạng “phế tích”. |
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn Thành phố Nam Định hiện nay như: Khu chỉ huy Nhà máy Dệt Nam Định thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm. Cửa hàng ăn uống dưới hầm chạy dài từ ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Tiện tới ngã tư giao cắt các phố Hai Bà Trưng - Bà Triệu là một công trình có giá trị lịch sử ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của nhân dân Thành Nam "vừa sản xuất, vừa chiến đấu" bảo vệ Thành phố trong những năm chống Mỹ. Hiện, các di tích trên hầu như chưa được đưa vào khai thác; bảo quản sơ sài, có nguy cơ xuống cấp hư hỏng.
Nhìn vào thực trạng “xuống cấp” trầm trọng của các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn Thành phố Nam Định, nhiều người không khỏi băn khoăn. Mỗi thế hệ là một "mắt xích" tiếp nối trang lịch sử dân tộc, do vậy vai trò và nhiệm vụ trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, cần được nhận thức đầy đủ, sâu sắc. Công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng tại Thành phố Nam Định đang rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân. Đặc biệt những cơ quan, doanh nghiệp và người dân sinh sống tại các khu vực có di tích phải là những người chủ thực thụ, biết nâng niu, trân trọng “tài sản” đang có để giáo dục truyền thống cách mạng của cha ông cho thế hệ hôm nay và mai sau./.
Thực hiện: Việt Thắng
Trình bày: Trường Vinh
Ngày xuất bản: 25-7-2023