Bài dự thi Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII-2023: Nam Định: "Biến không thành có, biến khó thành dễ" - Kỳ I: Đánh thức một vùng quê
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII-2023: Nam Định: "Biến không thành có, biến khó thành dễ" - Kỳ I: Đánh thức một vùng quê

18:23, 01/10/2023

 

 

Là  nơi phát tích của Vương triều Trần hiển hách trong lịch sử dân tộc, nơi Phủ Thiên Trường được xây dựng với vị thế như kinh đô thứ hai sau kinh thành Thăng Long, Nam Định có nền tảng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) từ xa xưa. Thành phố Nam Định cũng từng là một trong 3 thành phố lớn của miền Bắc với nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống nổi danh cả nước. Tuy nhiên, về tổng thể, Nam Định vẫn là tỉnh nông nghiệp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ. Mặc dù giàu tiềm năng, lợi thế song đất chật, người đông, nhiều "điểm nghẽn" hạn chế, nhất là về hạ tầng giao thông nên một thời gian dài tỉnh phát triển khá khiêm tốn. Gần đây tỉnh từng bước "chuyển mình" bứt phá, phát triển khá năng động; đang trở thành "điểm đến", lựa chọn hấp dẫn của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới. Những thành tựu mà tỉnh đạt được thời gian qua thể hiện tinh thần đoàn kết đồng lòng, quyết tâm "vượt lên chính mình” để "biến không thành có, biến khó thành dễ" nhằm mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Nam Định nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế Bắc Bộ; là đầu mối trung chuyển và cửa ngõ giao thông, với mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy dày đặc. Tỉnh có 72km bờ biển và hệ thống các cửa sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ) tạo nên vùng rộng, thoáng, nông, thoải đều và có hệ sinh thái sông - biển khá phong phú, nhiều nguồn lợi trong nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, du lịch là điều kiện thuận lợi cho phát triển khu kinh tế ven biển.

 

Kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ 2.300 tỷ đồng chính thức được đưa vào vận hành ngày 25/7. Ảnh: Viết Dư

 

Mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Nam Định lưu giữ nhiều giá trị lịch sử truyền thống, văn hóa tốt đẹp, kiến trúc đa dạng, phong phú, thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái, lịch sử, tâm linh với hơn 1.330 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp và Chùa Keo Hành Thiện; trên 90 làng nghề và hơn 100 lễ hội truyền thống, trong đó có Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận. 

Được sông Hồng - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc mang theo phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp nên những làng mạc, đồng ruộng, bờ bãi phì nhiêu, màu mỡ trước khi đổ ra biển. Bởi vậy Nam Định đã sớm phát triển các nghề nông nghiệp, trở thành một trong những vựa lúa của vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và cho đến nay vẫn là một trong các địa phương được Chính phủ giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Gạo và nhiều sản vật nuôi, trồng của nông nghiệp Nam Định đã có “thương hiệu” trên thị trường. Tuy nhiên nếu làm nông nghiệp theo cách truyền thống thì không thể làm giàu; còn làm theo cách hiện đại thì đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ với nhiều giải pháp, giải quyết các vấn đề từ hạ tầng kỹ thuật đến tổ chức sản xuất, quản lý và một quá trình chuyển đổi tư duy của người sản xuất mà riêng Nam Định không thể tự mình làm được. Làm thế nào để "vẫn giữ đất lúa mà vẫn phát triển mạnh" như Trung ương giao là bài toán mà Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng trăn trở qua nhiều nhiệm kỳ.

 

Sản xuất sợi tại Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định, tiền thân là Nhà máy Dệt Nam Định,
một trong những "cái nôi" của ngành Dệt may Việt Nam.
Ảnh: Thanh Thúy

 

Nhắc đến Nam Định còn là nói đến quê hương đất học. Con người Nam Định giàu truyền thống khoa bảng, truyền thống yêu nước, anh hùng, cách mạng cần cù; năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất. Truyền thống hiếu học và học giỏi đã được tiếp nối từ đời này qua đời khác với nhiều danh nhân lịch sử, chính trị, văn hóa sinh ra và lớn lên tự quê hương này. Gần 30 năm nay, Nam Định liên tục giữ vững thành tích trong tốp dẫn đầu cả nước về giáo dục phổ thông. Không chỉ "hay chữ", người Nam Định còn "hay nghề". Thành Nam xưa cũng có đầy đủ các phố nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán sôi động sầm uất không kém Kinh thành Thăng Long. Và không phải ngẫu nhiên từ những thế kỷ trước, thành phố Nam Định đã được chọn để phát triển đô thị và công nghiệp dệt với nhà máy tơ lụa lớn nhất Đông Dương từ những thập niên cuối của thế kỷ XIX, đặt nền móng tạo dựng nên danh tiếng là một trong những "cái nôi" của ngành dệt may Việt Nam.

 

Trong quá trình phát triển, tỉnh Nam Định đã qua nhiều lần chia tách, sáp nhập. Khi tái lập cách đây tròn một phần tư thế kỷ, thực trạng KT-XH của tỉnh còn nhiều khó khăn. Tỉnh nông nghiệp, quy mô nền kinh tế thấp so với cả nước và khu vực, tăng trưởng chậm, nhiều tiềm năng, lợi thế vẫn "ngủ yên". Nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn hạn chế; nhất là về giao thông, quy mô, kết cấu hạ tầng các loại hình giao thông đều nhỏ bé, tính kết nối liên hoàn các loại hình giao thông kém nên năng lực vận tải bị hạn chế; giao thông đối ngoại chậm phát triển khiến tỉnh khó được nhà đầu tư để mắt đến. Thu hút đầu tư tuy có khởi sắc song đa phần là các dự án mới đáp ứng yêu cầu giải quyết việc làm cho lao động, ở các khâu, các lĩnh vực ngành nghề mà giá trị gia tăng thấp; chưa có những dự án có sức đột phá, tạo được nguồn thu lớn, bền vững cho địa phương. Thu ngân sách thấp nên tỉnh cũng bị hạn chế nguồn lực cho tái đầu tư phát triển.

 

Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14-9-2005 (8 năm sau tái lập tỉnh Nam Định) của Bộ Chính trị khóa IX "Về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" đánh giá: Vùng ĐBSH là địa bàn chiến lược; là vùng kinh tế lớn của đất nước với không gian kinh tế liên hoàn, gắn kết với nhau, bổ trợ cho nhau nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của từng tỉnh, thành phố trong vùng... Việc phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH tác động trực tiếp và to lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến sự ổn định và phát triển đất nước. Tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam ĐBSH; cùng với các tỉnh trong vùng nếu được hỗ trợ đầu tư đúng hướng, đúng mức, tháo gỡ khắc phục các điểm nghẽn, khai thông những bế tắc, kết nối liên vùng chắc chắn sẽ phát triển mạnh với các tiềm năng lợi thế nội tại.

Trên quan điểm đó, Nghị quyết số 54-NQ/TW đã trở thành điểm tựa quan trọng, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo "đòn bẩy" đủ mạnh cho sự phát triển toàn vùng. Trong đó, thành phố Nam Định nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung được xác định tập trung xây dựng phát triển trở thành trung tâm vùng Nam ĐBSH, với chức năng trung tâm ở một số lĩnh vực thế mạnh. Năm 2011, sau tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết, trên cơ sở đánh giá một số mục tiêu quan trọng của Nghị quyết đặt ra đã đạt được, và những mục tiêu chưa hoàn thành, những tiềm năng và cơ hội phát triển của toàn vùng, Bộ Chính trị khóa X ban hành Kết luận số 13-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54.

 

Cảnh quan Hồ Vị Hoàng. Ảnh Văn Trọng
Cảnh quan Hồ Vị Hoàng.  Ảnh: Văn Trọng

 

Từ yêu cầu nội tại của địa phương và sự "trợ lực" của Nghị quyết 54, Kết luận số 13 của Bộ Chính trị, trong các nhiệm kỳ liên tiếp, Đảng bộ tỉnh đều xác định phải tạo ra sự chuyển biến, trong phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong từng thời điểm tuy có thay đổi về thứ tự các lĩnh vực ưu tiên nhưng tựu trung Đảng bộ tỉnh đều kiên định mục tiêu, khát vọng tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng và cơ cấu kinh tế để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thúc đẩy phát triển dịch vụ và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá; phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách so với tốc độ, trình độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

 

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu tạo đột phá trong phát triển kinh tế, tái cơ cấu toàn diện nông nghiệp gắn với xây dựng tỉnh nông thôn mới (NTM); xây dựng thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam ĐBSH. Cũng trong nhiệm kỳ này, tỉnh đã chú trọng nhiệm vụ khai thác kinh tế biển và phát triển vùng kinh tế biển. Mặc dù đã đạt những thành tựu đáng kể trong phát triển KT-XH của tỉnh, song sự đột phá về kinh tế đảm bảo cho phát triển tỉnh về lâu dài, bền vững vẫn chưa rõ nét. Thu hút đầu tư quy mô lớn chưa nhiều. Kinh tế tỉnh vẫn cần những "cú huých" để tạo đột phá tương xứng tiềm năng và kỳ vọng phát triển của tỉnh.

 

Đến Đại hội XX, nhiệm kỳ 2020-2025, trên cơ sở các thành tựu đã đạt được và yêu cầu nhiệm vụ phía trước, Đảng bộ tỉnh đã xác định mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới và thời gian tiếp sau là: Tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

 

Rước trong hội chùa Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu). Ảnh: Chu Thế Vĩnh

 

Một loạt giải pháp, nhiệm vụ từ công tác xây dựng Đảng, chính quyền đến các giải pháp kinh tế kỹ thuật được đề ra. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh xác định rõ 3 khâu đột phá, cụ thể là: Tập trung xây dựng và điều chỉnh các loại quy hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh đồng bộ theo hướng hiện đại; nhất là các dự án, công trình trọng điểm có tính chiến lược phát triển về giao thông, khu, cụm công nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục, hạ tầng thành phố Nam Định và vùng kinh tế biển. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để khôi phục và phát triển thành phố Nam Định lấy lại vị thế từng là một trong ba thành phố lớn của miền Bắc và là trung tâm vùng Nam ĐBSH.

Quyết tâm chính trị để thực hiện mục tiêu đề ra còn được thể hiện ở một loạt nghị quyết chuyên đề toàn khóa đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chương trình, Kế hoạch hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã được ban hành sớm ngay sau Đại hội. Đó là Nghị quyết số 04-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 05/NQ-TU về xây dựng, phát triển kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 06/NQ-TU về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 07/NQ-TU về tập trung xây dựng và phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/TU, ngày 15-10-2021, về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Việc tỉnh kịp thời ban hành các nghị quyết, chủ trương phát triển KT-XH địa phương phù hợp với thực tế từng nhiệm kỳ thể hiện rõ tư duy và tầm nhìn về các mục tiêu, khát vọng phát triển tỉnh của đội ngũ lãnh đạo tỉnh. Đồng thời còn thể hiện sự đồng thuận, thống nhất trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân một lòng cùng hướng về mục tiêu đưa tỉnh Nam Định ngày càng phát triển nhanh, bền vững.

(Còn nữa)
Vân Anh - Thanh Thuý
Xuất bản ngày 1-10-2023

Kỳ II: Đột phá, sáng tạo trong huy động nguồn lực
Kỳ III:
 Ưu tiên phát triển hạ tầng chiến lược
Kỳ IV: Xây dựng các vùng kinh tế động lực
Kỳ V: Khát vọng phát triển

 

 



Xem thêm bình luận