Đồng Tháp: Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh đặc sản

19:57, 08/01/2024

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Đồng Tháp tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát huy giá trị sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm đặc sản địa phương vươn xa trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Đồng Tháp tận dụng những đặc sản, những làng nghề sẵn có tại địa phương từ đó cải thiện nhằm phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP giúp bảo tồn và phát triển những làng nghề, những đặc sản, những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đến nay, tỉnh có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (1 sản phẩm 5 sao; 86 sản phẩm 4 sao; 366 sản phẩm 3 sao) của 175 chủ thể. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; có 15 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao.

Hưng Yên: Thu nhập bình quân của người lao động là 8,2 triệu đồng/người/tháng

Theo tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại 125 doanh nghiệp, tiền lương thực trả năm 2023 cho người lao động làm việc tại Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cao nhất là 10,7 triệu đồng /người/tháng; thấp nhất là 3,9 triệu đồng/người/tháng (bình quân 6,2 triệu đồng/người/tháng).

 Tiền lương thực trả năm 2023 cho người lao động làm việc tại công ty cổ phần, vốn góp chi phối Nhà nước, cao nhất là 14 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là 7,2 triệu đồng/người/tháng (bình quân 9 triệu đồng/người/tháng). Tiền lương thực trả năm 2023 cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp dân doanh, cao nhất là 300 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là 4,4 triệu đồng/người/tháng (bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng). Tiền lương thực trả năm 2023 cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cao nhất là 366 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là 5 triệu đồng/người/tháng (bình quân 7 triệu đồng/người/tháng).

Năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động là 8,2 triệu đồng/người/tháng.

Hà Nội: Khuyến khích người dân đeo khẩu trang nơi công cộng

Theo Kế hoạch số 04/KH-UBND về phòng, chống dịch năm 2024, UBND thành phố Hà Nội cho biết, diễn biến về dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới năm qua còn nhiều phức tạp, khó lường. Nhìn lại năm 2023, dịch COVID-19 tiếp tục ghi nhận biến thể mới và có khả năng gây nên các đợt bùng phát dịch mới, dù cho Tổ chức Y tế thế giới WHO tuyên bố dịch này không còn là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp.

Trong năm 2024, UBND thành phố yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo; đưa tiêu chí kết quả công tác phòng, chống dịch vào chấm điểm đánh giá hàng tháng đối với địa phương và người đứng đầu chính quyền; đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” tại các tuyến.

Đáng chú ý, Hà Nội yêu cầu tiếp tục truyền thông về thông điệp “2K” (Khẩu trang + Khử khuẩn)” trong phòng, chống dịch COVID-19; Tuyên truyền khuyến khích người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi ra ngoài đặc biệt là khi đi đến các khu vực công cộng, khu vực đông người, khi đi các phương tiện công cộng; tuyên truyền người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com