Hải Hậu chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:42, 16/11/2023

Huyện Hải Hậu có trên 30 vạn dân, trong đó có gần 14,2 vạn người trong độ tuổi lao động. Trên địa bàn hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp địa phương phát triển, do vậy nhu cầu lao động tại chỗ được đào tạo là rất lớn. Trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, đoàn thể, các địa phương tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Công ty May Minh Tây (Hải Hậu) đào tạo nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 500 lao động.
Công ty May Minh Tây (Hải Hậu) đào tạo nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 500 lao động.

Công tác tuyên truyền về vấn đề việc làm và công tác đào tạo nghề luôn được các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi trọng và tăng cường chỉ đạo triển khai. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) huyện phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của dạy nghề đối với nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm; chính sách ưu đãi đối với lao động nông thôn học nghề và các diện đối tượng học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các mô hình dạy nghề có hiệu quả… Qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, thu hút được số đông lao động nông thôn đăng ký, tham gia các lớp học nghề. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng của người dân. Kết quả cho thấy người lao động ở các xã ven biển muốn học nghề dệt lưới; dân ở các xã vùng nội đồng muốn học dệt cói xuất khẩu, móc sợi, trồng nấm, nghề mộc... Riêng nghề may, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có lao động có nhu cầu học. Căn cứ nhu cầu học nghề của người dân và trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo các ngành, nghề phù hợp.

Huyện cũng khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp có nhiều hình thức linh hoạt trong đào tạo để giải quyết việc làm cho người lao động. Huyện có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là đơn vị công lập làm công tác tổ chức đào tạo nghề và liên kết đào tạo nghề theo quy định với 3 cơ sở đào tạo được trang bị khá đồng bộ, đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm. Trung tâm đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó hàn điện, máy công nghiệp, đan, thêu, móc là các nghề thị trường lao động có nhu cầu cao; thường xuyên đổi mới chương trình dạy, giáo trình đào tạo, “chuẩn đầu ra”; chương trình theo khung chương trình của giáo dục nghề nghiệp, giáo trình theo giáo trình chung và chương trình chuyên ngành đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, của Sở LĐ-TB và XH. Ngoài ra, Trung tâm hợp đồng với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh như: Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định, Trường Trung cấp nghề số 8, Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Nam Định, Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nam Định… mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngay tại các xã đáp ứng nhu cầu học nghề tại chỗ của lao động nông thôn. Trong giai đoạn 2011-2021, huyện đã tổ chức 461 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó 310 lớp học nghề phi nông nghiệp và 151 lớp học nghề nông nghiệp, với tổng số 14.768 học viên. Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện tổ chức 19 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn cho 600 học viên. Nghề học chủ yếu là nghề may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, nghề nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi lợn, trồng cắt tỉa cây cảnh… Ngoài ra, các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề trong tỉnh hàng năm tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn cũng tổ chức truyền nghề cho hàng nghìn lao động. Tại các lớp đào tạo nghề, các học viên được cung cấp kiến thức chuyên sâu; kết hợp tốt giữa việc học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ, đặc biệt vật tư thực hành được đầu tư, trang bị đầy đủ, bảo đảm việc thực hành thành thạo các kỹ năng cho từng học viên của lớp học, qua đó tạo sự hấp dẫn thu hút các học viên tham gia lớp học. Nhờ đó các học viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn thành thạo các kỹ năng nghề, vận dụng ngay trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của hộ gia đình. Lao động nông thôn học các nghề phi nông nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, hoặc hỗ trợ vốn đầu tư tự tạo việc làm.

Theo khảo sát của Phòng LĐ-TB và XH huyện, hầu hết lao động học nghề nông nghiệp sau khóa học đã mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, có năng suất, thu nhập cao; trên 80% lao động học nghề phi nông nghiệp sau khóa học có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, số lao động qua đào tạo nghề của huyện ngày càng tăng, chiếm trên 82% tổng số người trong độ tuổi lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề. Cùng với công tác đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn, huyện tạo điều kiện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Điển hình như: Công ty Cổ phần May Sông Hồng; Công ty TNHH May mặc Smartshirts; Công ty TNHH Thắng Lợi - An Xá...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện cũng còn tình trạng một số địa phương chưa xác định được ngành nghề đào tạo phù hợp. Do vậy chưa tư vấn được cho người dân học nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế ở địa phương. Một số người dân nhận thức chưa đầy đủ về việc học nghề để tạo việc làm; học nghề xong chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo việc làm và thu nhập cho mình…

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Các ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người lao động nông thôn. Tranh thủ các nguồn lực, phát triển năng lực Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện theo quy định của Nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề. Triển khai hiệu quả mô hình liên kết “3 nhà”: nhà nông (người học) - nhà trường (người đào tạo) và nhà sử dụng lao động (doanh nghiệp). Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, sơ kết, biểu dương mô hình, điển hình về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nhân ra diện rộng. Phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện giới thiệu và tuyển 2.500 học sinh tốt nghiệp THPT các lớp hệ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề. Liên kết với các trường, cơ sở dạy nghề ngắn hạn cho khoảng 4.000 lao động nông thôn. Trong đó khoảng 2.500 người học nghề phi nông nghiệp, còn lại học nghề nông nghiệp; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đến năm 2025 đạt 85%, đến năm 2030 đạt 88%. Từng bước nỗ lực xây dựng lực lượng lao động chuyên nghiệp, lành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com