Ngũ vị tử là vị thuốc được dùng cả trong Đông y và Tây y có tác dụng tu bổ ngũ tạng, kích thích hệ thống thần kinh trung ương nên có khả năng tăng cường trí nhớ.
1. Đặc điểm và công dụng của ngũ vị tử
Là một loại dây leo to, ngũ vị tử (Schisandra sinensis Baill) có thể mọc dài tới 8m. Vỏ cành màu xám nâu với kẽ sần nổi rõ, cành nhỏ hơi có cạnh. Lá mọc so le, cuống lá nhỏ, dài 1,5-3cm; phiến lá hình trứng rộng, dài 5-11cm, rộng 3-7cm, mép có răng cưa nhỏ, mặt trên sẫm hơn, gân lá non thường có lông ngắn.
Hoa đơn tính, khác gốc, cánh hoa màu vàng trắng nhạt, có mùi thơm, cánh hoa 6-9, nhị 5, quả mọng hình cầu, đường kính 5-7mm, khi chín có màu đỏ sẫm, trong quả có một hay hai hạt hình thận, màu vàng nâu.
Vị thuốc ngũ vị tử. |
Cần phân biệt vị ngũ vị tử trên với "Nam ngũ vị tử" - Tên khoa học là Kadsura coccinea A. C. Sum. Cũng là một loài dây leo, với cành phân nhiều nhánh, gầy, trên mặt phủ lớp phấn bài tiết, về sau trở thành kẽ sần dài. Lá mọc so le, hình mác với phía cuống hơi tròn, dài19cm, rộng 3-4cm, mặt dưới màu nhạt, nhẵn. Hoa đơn tính, mọc ở kẽ lá dài 15mm, rộng 10mm, màu tía. Quả giống như một nắm cơm (do đó còn có tên "cây nắm cơm") hay như một quả na to. Cây cũng được sử dụng làm thuốc, nhưng với những tính năng khác.
Theo Đông y, ngũ vị tử có vị chua, chát, tính ấm, không độc, lợi vào 3 kinh Phế, Tâm và Thận. Có tác dụng liễm phế, cố thận, cố tinh, chỉ mồ hôi, dùng làm thuốc trừ đờm, tu bổ, cường âm, ích khí, bổ ngũ tạng, thêm tinh trừ nhiệt. Sử dụng chữa ho, ho khan, hơi thở hổn hển, còn dùng làm thuốc cường dương, chữa liệt dương và mệt mỏi, miệng khô khát, ngại hoạt động.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngũ vị tử có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, làm mạnh tim, chống ô-xy hóa, bảo vệ gan và kích thích hệ thống thần kinh. Dùng trong trường hợp lao động chân tay và trí óc quá độ, mệt mỏi về tinh thần và thể lực, uể oải buồn ngủ. Do có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu và kích thích thần kinh trung ương nên ngũ vị tử có khả năng tăng cường trí nhớ, phòng ngừa chứng Alzheimer ở người cao tuổi.
2. Cách dùng ngũ vị tử phòng chữa bệnh
- Tăng cường trí nhớ, điều hòa thần kinh, an thần
Dùng 1 trong số bài thuốc sau:
Bài 1: Ngũ vị tử 10g, ngũ gia bì 10g; sắc uống thay trà.
Bài 2: Ngũ vị tử 5g, câu kỷ tử 5g, mạch môn đông 10g; sắc uống như trà, uống trong ngày.
Bài 3: Ngũ vị tử 8g; toan táo nhân 12g, hoài sơn 12g, long nhãn, 12g, đương quy 8g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa thần kinh suy nhược, bổ trí não, chữa mất ngủ, hoa mắt chóng mặt, phiền táo, hay quên:
Dùng độc vị: Ngũ vị tử 50-60g, rượu 350ml, ngâm trong bình kín. Sau 2 tuần là có thể dùng được. Uống trước khi đi ngủ 10ml/ lần.
Bài thuốc phối hợp: Ngũ vị tử 100g, đảng sâm 50g, toan táo nhân 30g. Các vị thuốc rửa sạch, cho vào bình thủy tinh, đổ 1000ml rượu trắng vào nút kín, mỗi ngày lắc bình 1 lần, sau 15-20 ngày có thể sử dụng được. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20-30ml.
- Ngoài ra ngũ vị tử còn được sử dụng kết hợp với y học hiện đại trong điều trị:
+ Hỗ trợ điều trị viêm gan
Dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:
Bài 1: Ngũ vị tử sao khô tán bột mịn, ngày 3 lần, mỗi lần uống 3g. Hòa với nước cơm hoặc dùng nước ấm để chiêu thuốc. Mỗi đợt dùng 20-30 ngày.
Bài 2: Ngũ vị tử 10g, hồng táo (táo tầu) 10g. Sắc uống trong ngày. Có thể thêm chút đường phèn cho dễ uống.
Món ăn bài thuốc: Ngũ vị tử 15g, hồng táo 10g; sắc lấy nước (bỏ bã), nấu cháo với 60g gạo tẻ; chia ra ăn trong ngày.
+ Hỗ trợ điều trị liệt dương
Dùng 1 trong số bài thuốc sau:
Bài 1: Ngũ vị tử 10g, câu kỷ tử 10g, phúc bồn tử 10g, xa tiền tử 5g, thỏ ty tử 15g; sắc uống ngày 1 thang, chia uống trong ngày.
Bài 2: Ngũ vị tử 8g; toan táo nhân 12g, hoài sơn 12g, long nhãn, 12g, đương quy 8g. Sắc uống ngày một thang.
Theo suckhoedoisong.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin