Quy hoạch Khu Kinh tế Ninh Cơ kiến tạo thêm không gian phát triển kinh tế - xã hội

08:56, 06/03/2024

Nguyễn Hoàng Anh
Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

Một trong những điểm nhấn nhằm tạo đột phá phát triển tỉnh trong “Quy hoạch tỉnh (QHT) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là đến năm 2050, Nam Định sẽ “phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh; trong đó, phát triển Khu Kinh tế (KKT) Ninh Cơ là hạt nhân; đồng thời, mở rộng không gian phát triển khu vực ven biển (lấn biển) khi điều kiện cho phép trên cơ sở nghiên cứu khả năng mở rộng phát triển hướng ra vùng ngoài khơi thuộc các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu và một phần huyện Giao Thủy. KKT này đã được Chính phủ bổ sung vào danh mục KKT biển của cả nước tại các Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24-9-2020 và Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, với chỉ tiêu đất dành cho KKT Ninh Cơ có quy mô 13.950ha nằm trên địa bàn 2 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. 

Khu Kinh tế Ninh Cơ trong tương lai.
Khu Kinh tế Ninh Cơ trong tương lai.

Cụ thể, QHT định hướng phát triển KKT Ninh Cơ trở thành khu vực tạo động lực thúc đẩy, mang tính đột phá của tỉnh Nam Định và vùng đồng bằng sông Hồng; là một trung tâm kinh tế biển phát triển, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại của vùng đồng bằng sông Hồng, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, có các cơ chế chính sách khuyến khích và ưu đãi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ chủ quyền và an ninh. KKT Ninh Cơ sẽ đón đầu, thu hút luồng vốn đầu tư mới khi hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan AFTA, WTO và gần 20 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương bắt đầu có hiệu lực. KKT Ninh Cơ gắn kết với thị trường hàng hoá, nguyên, nhiên liệu và dịch vụ các nước trong khu vực Đông - Bắc Á thông qua những Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu và ASEAN - Trung Quốc. 

Tỉnh đã xác định phát triển KKT Ninh Cơ theo mô hình KKT tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, gồm: Khu đô thị, khu công nghiệp (KCN), khu cảng, khu dịch vụ hậu cần cảng, khu du lịch. Trọng tâm là phát triển công nghiệp, với các ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí chế tạo, gang thép, đóng tàu, điện khí, điện gió, chế biến khí, vật liệu xây dựng, dệt may công nghệ hiện đại, các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại… gắn với khai thác các dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics trên cảng biển tổng hợp và cảng nội địa các sông Đáy, sông Ninh Cơ. Lộ trình giai đoạn đến năm 2025: Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp tại KCN Dệt may Rạng Đông và tại khu vực cửa sông Đáy, sông Ninh Cơ; xây dựng một số dự án lớn có ý nghĩa động lực phát triển của KKT như Nhà máy nhiệt điện (thực hiện theo quy hoạch điện VIII); dự án Thép Xanh, cảng biển tổng hợp Nam Định, cảng thủy nội địa Nghĩa Hưng, nghiên cứu phát triển điện gió ngoài khơi, điện khí, chế biến khí… Giai đoạn đến năm 2030, hoàn thiện cơ sở hạ tầng KKT Ninh Cơ, phát triển mạnh kinh tế biển, khai thác cảng biển tổng hợp phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại... Giai đoạn sau 2030, nghiên cứu phát triển mở rộng diện tích hướng ra vùng ngoài khơi (lấn biển) khoảng 5,5 hải lý để tiếp tục phát huy lợi thế KKT Ninh Cơ và tận dụng không gian mặt nước biển, giảm thiểu tác động xã hội do phải di dân tái định cư; đảm bảo môi trường, tránh tác động của xói lở, khắc phục được tình trạng biển ăn sâu vào đất liền. Hoạt động lấn biển đảm bảo phải phù hợp với nhiều điều kiện (điều kiện về tự nhiên, môi trường, nguồn lực và khả năng thu hút đầu tư...) và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Khu vực mở rộng ra biển định hướng xây dựng hệ thống cảng biển, công nghiệp, khu du lịch sinh thái và các khu dịch vụ thương mại khác.

Được UBND tỉnh giao đảm trách vai trò chủ trì xây dựng Đề án thành lập KKT Ninh Cơ, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp triển khai tích cực hiệu quả các phần việc liên quan. Trong đó, đã đặc biệt chú trọng xây dựng các phương hướng phát triển bảo đảm khai thác một cách hiệu quả, tối đa các điều kiện cốt yếu, các lợi thế nổi trội, riêng có của vùng quy hoạch, tạo động lực cho phát triển của KKT Ninh Cơ. Đó là các yếu tố: vị trí thuận lợi, nằm trên trục giao thông đường cao tốc kết nối Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. KKT Ninh Cơ gần với Cảng Hải Phòng là điều kiện thuận lợi, tiền đề quan trọng để xây dựng cảng biển tổng hợp Ninh Cơ là cảng vệ tinh, hỗ trợ luồng hàng đi/về phía Nam và quốc tế. KKT Ninh Cơ thuận lợi cho phát triển một số KCN, áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp cơ khí, luyện cán thép, vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí...). Đến nay, Đề án thành lập KKT Ninh Cơ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, cho ý kiến và tỉnh đang tích cực bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện Đề án theo các ý kiến đóng góp và kết quả thẩm định, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong quý I-2024 để sớm triển khai thực hiện. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng, hình thành, thúc đẩy không gian phát triển KKT Ninh Cơ theo định hướng QHT đã được tỉnh từng bước triển khai. Hiện tại, trong phạm vi KKT một số công trình hạ tầng trọng điểm đã và đang được triển khai thực hiện như: cụm công trình cải tạo cửa Lạch Giang (Hải Hậu) đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào khai thác từ năm 2016, giúp các loại tàu pha sông biển có trọng tải từ 1.000-3.000 tấn có thể từ biển qua cửa Lạch Giang vào sâu trong đất liền. Cuối tháng 7-2023 dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ (Nghĩa Hưng) có giá trị 2.300 tỷ đồng cũng đã được đưa vào vận hành, phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang. Vận tải biển tại khu vực Nam Định nói riêng và vùng kinh tế đồng bằng Bắc Bộ khởi sắc với dự báo sản lượng hàng hoá vận chuyển sắp tới sẽ tăng nhanh khi tỉnh đang đón làn sóng đầu tư lớn với loạt doanh nghiệp, dự án FDI đi vào triển khai. Bên cạnh đó, một số dự án tuyến đường bộ huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trung tâm kinh tế các huyện ven biển được đầu tư tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi vùng kinh tế biển với các địa phương trong và ngoài tỉnh, với các trục giao thông trọng điểm quốc gia đã tạo tiền đề quan trọng cho phát triển hạ tầng chung của KKT Ninh Cơ. KCN Dệt may Rạng Đông - KCN có quy mô lớn nhất của tỉnh, tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng; Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 tại huyện Hải Hậu do Tập đoàn Teakwang Power (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư; nhóm dự án Thép Xanh của Tập đoàn Xuân Thiện… góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của hai huyện, đồng thời là tiền đề, động lực để thành lập và phát triển KKT Ninh Cơ.

Những định hướng của tỉnh trong phát triển KKT Ninh Cơ cho thấy nhiệm vụ lập QHT là một cơ hội quý đã được khai thác, phát huy để tạo ra không gian và động lực phát triển mới cho mục tiêu phát triển tỉnh. Nỗ lực thúc đẩy hình thành, phát triển KKT Ninh Cơ đã khẳng định quyết tâm đổi mới, khát vọng phát triển và vai trò chủ động dẫn dắt sự phát triển của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới; xây dựng Nam Định phát triển nhanh, theo hướng bền vững, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, có đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của vùng và cả nước./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com