Tân Phú phát triển dịch vụ cung ứng hoa, cây cảnh

07:48, 05/01/2024

Thời gian gần đây, ở Điền Xá (Nam Trực), bên cạnh làng nghề Vị Khê, nổi lên thương hiệu đầu mối kinh doanh, cung ứng các sản phẩm hoa, cây cảnh thôn Tân Phú. Nhờ các thương lái của thôn, vẻ đẹp cây cảnh Điền Xá không ngừng được nâng tầm, lan toả trên toàn quốc, vươn xa vượt biên giới, giúp nghề trồng hoa, cây cảnh nơi đây càng nổi tiếng và phát triển nhanh, mạnh. 

Muôn sắc màu hoa, cây cảnh nhập ngoại tại trung tâm đầu mối cung ứng hoa, cây cảnh Tân Phú, xã Điền Xá (Nam Trực).
Muôn sắc màu hoa, cây cảnh nhập ngoại tại trung tâm đầu mối cung ứng hoa, cây cảnh Tân Phú, xã Điền Xá (Nam Trực).

Hàng chục năm trước đây, người dân xóm Tân Phú không làm cây mà tập trung lựa chọn hoa, cây cảnh của làng nghề Vị Khê đem đi bán rong khắp nơi. Do có kinh nghiệm lựa chọn cây, nắm bắt sơ bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc và khéo léo cung ứng sản phẩm phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng nên uy tín của người làng Tân Phú ngày càng được khách hàng ghi nhận. Dịch vụ cung ứng cây cảnh dần trở thành nghề chuyên sâu của làng, người Tân Phú nhanh chóng định hình rõ nét về giá trị của việc kinh doanh, cung ứng hoa, cây cảnh. Nằm ở trung tâm xã Điền Xá, giao thương thuận tiện, vì vậy thôn Tân Phú được huyện và xã định hướng phát triển thành đầu mối sản xuất phân phối các sản phẩm hoa, cây cảnh. Từ đây, huyện và xã cũng đẩy mạnh các chương trình, hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy người dân thôn Tân Phú nói riêng cũng như xã Điền Xá nói chung phát triển sản xuất, kinh doanh, cung ứng các sản phẩm hoa, cây cảnh.  

Đầu năm 2023, huyện Nam Trực, xã Điền Xá đã hỗ trợ Tân Phú xây dựng mô hình “Vận động nhân dân khu dân cư Tân Phú, thôn Trung xây dựng trung tâm đầu mối sản xuất phân phối các sản phẩm hoa, cây cảnh của làng nghề xã Điền Xá và các làng nghề trên cả nước”. Theo đó các hộ dân trong khu dân cư Tân Phú được hỗ trợ thực hiện mục tiêu: Đa dạng hóa các sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại, tuân thủ bảo vệ môi trường, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn theo tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như giới thiệu sản phẩm, thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng kỹ thuật số. Xây dựng nét văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự tạo tiền đề phát triển du lịch sinh thái trong tương lai. Chị Đỗ Thị Hoa Lý, chủ nhà vườn Thúy Lý cho biết: “Cả khu dân cư Tân Phú đều phát triển nghề sản xuất, kinh doanh hoa cây cảnh nên cá nhân tôi và các hộ khác đều quyết tâm tuân thủ những mục tiêu đặt ra để phát triển nghề kinh doanh hoa, cây cảnh một cách bền vững mang lại kinh tế, thu nhập, bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan sạch, đẹp, văn minh, góp phần vào tiến trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao của toàn xã”.

Ngoài lựa chọn cây trong làng nghề Vị Khê, để đáp ứng yêu cầu của khách đã mở rộng khai thác nguồn hàng sang các làng nghề trồng hoa, cây cảnh ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hà Nội và các tỉnh miền trong như Đà Lạt, Đồng Tháp. Nhà ở, vườn tạp của 32 hộ dân trong thôn được chỉnh sửa thành điểm tập kết hoa, cây cảnh. Tại đây, khách hàng có thể mua vô số loại hoa, cây cảnh đặc trưng, riêng có ở nhiều vùng miền như trà, hải đường, hoa giấy, bưởi, cam, quất cảnh của các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên; cúc vạn thọ, lan các loại, mai vàng, đồng tiền của các tỉnh miền Tây; sen đá, kim phát tài, mộc lan, mã đỉnh hồng, việt quất, tuyết tùng, mai chiếu thủy, tùng la hán… nhập từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Nhóm sản phẩm bán chạy, số lượng lớn của Tân Phú có thể kể đến là cây lá màu, cỏ Nhật và cây bon sai, cây công trình do người dân làng nghề Vị Khê trồng cấy; thị trường mạnh nhất là hệ thống công trình trên khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia.

Những ngày này, đi dọc con đường vào thôn Tân Phú, hai bên là các nhà vườn với đa dạng các loại hoa, cây lá màu, cây cảnh, cây bon sai đủ kích cỡ, rực rỡ sắc màu. Ở những nhà vườn nổi tiếng như Thúy Lý, Lã Hiền, Trường Sâm, Thanh Sim khách hàng không khỏi ngỡ ngàng bởi vô vàn loài hoa ngoại nhập mới lạ như: lan tỏi, bạch hạc, ngọc lan tím, tuyết tùng, trầu bà Nam Mỹ, thanh xà, thúy diệp, cẩm quỳ thân gỗ… Với giá bán các loại cây hoa màu khá “dễ chịu” chỉ dao động từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng mỗi cây phù hợp với số đông khách hàng nên việc tiêu thụ bán hàng khá thuận lợi. Nhờ thế việc kinh doanh của người dân Tân Phú ngày càng phát triển và thu hút được nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm. Người dân không còn phải tự đem cây đi bán dạo như xưa mà chuyển sang tuyển chọn cây giao cho “đội bán rong” đến từ các nơi.

Khách hàng cũng tự tìm đến làng nghề để chọn mua hoa, cây cảnh. Chúng tôi gặp chị Trần Thị Lan ở thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) vừa chằng buộc cây lên chiếc xe máy vừa rôm rả biết: “Mỗi tuần 1 đến 2 lần tôi lại lên đây chọn mua hoa, cây cảnh về bán lẻ cho người dân tại chợ Liễu Đề bởi ở đây có đầy đủ mọi loại hoa, cây cảnh cả ở trong và ngoài nước. Dịp này tôi lên đây thường xuyên hơn để săn hàng đẹp về chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm chơi Tết âm lịch và phiên chợ xuân của thị trấn. Ngoài hoa trà, hải đường, tôi chọn nhiều loại hoa cây cảnh mang ý nghĩa tài lộc cho người chơi như: Sen đa lộc, trạng nguyên, xác pháo, mai đỏ, dạ thảo, mộc lan, cúc vạn thọ”. Nằm gần thành phố, đường sá ngày càng đẹp, thuận tiện bên ngoài khách buôn, gần đây còn có lượng lớn khách hàng từ thành phố Nam Định, các tỉnh lân cận tìm đến đến mua lẻ và thưởng ngoạn, check in cùng các loại hoa, cây cảnh, nên hoạt động kinh doanh, buôn bán của Tân Phú ngày càng tấp nập, nhộn nhịp. Trung bình mỗi năm nghề kinh doanh hoa cây cảnh ở Tân Phú tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động, doanh thu ước đạt 100 tỷ đồng.

Năng động trong phát triển kinh tế, thực hiện văn minh thương mại, người dân làng nghề Tân Phú đang dần trở thành đầu mối sản xuất, phân phối các sản phẩm hoa, cây cảnh của làng nghề ở Điền Xá và các làng nghề cây cảnh truyền thống khác trong và ngoài nước./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com