Thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững

20:07, 27/11/2023

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, dự án thuộc chương trình, đặc biệt là dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ đó, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn đã từng bước vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt - Pan Pacific (Nam Trực) tạo việc làm ổn định cho trên 2.400 lao động.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt - Pan Pacific (Nam Trực) tạo việc làm ổn định cho trên 2.400 lao động.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu: Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm hàng năm từ 0,05-0,1%; đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025).

Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 860/QĐ-UBND ngày 6-5-2022 thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2021-2025. Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng và chỉ đạo triển khai các kế hoạch thực hiện chính sách, dự án, hoạt động của chương trình giảm nghèo; lồng ghép công tác giảm nghèo vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phong trào của địa phương. Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, các dự án cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện tích cực, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến chính sách được triển khai thực hiện với nhiều hình thức (pa nô, băng rôn, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, hưởng ứng các cuộc thi viết về giảm nghèo bền vững…), qua đó đã tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện công tác giảm nghèo. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép, gắn kết các nội dung thi đua với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày cả nước vì người nghèo 17-10 hàng năm”, đã có tác động tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tích cực thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể, UBND các huyện, thành phố triển khai kịp thời các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo và triển khai hiệu quả các dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Thực hiện Dự án hỗ trợ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương đã triển khai 13 dự án, với tổng số 488 hộ (98 hộ nghèo, 379 hộ cận nghèo, 9 hộ mới thoát nghèo và 2 hộ dân tộc thiểu số). Các dự án đảm bảo phù hợp khả năng, điều kiện của các hộ tham gia, đáp ứng được yêu cầu quy hoạch phát triển sản xuất của từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Người lao động thuộc các hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật; cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hỗ trợ khác theo quy định; được tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả. Qua đó đã giúp các hộ tham gia dự án nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức sản xuất… theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Là địa phương có đông lao động, tỉnh ta đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Hiện toàn tỉnh có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm GDNN và 12 cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Quy mô đào tạo bình quân 34 nghìn người/năm, trên 110 ngành nghề thuộc các ngành, lĩnh vực: nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại - du lịch. Các cơ sở còn đẩy mạnh phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (mô hình liên kết “3 nhà”: nhà nông, nhà trường, doanh nghiệp) trong dạy nghề, tạo việc làm. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh gần 20.900 người, gồm: cao đẳng 318 người, trung cấp 3.132 người, sơ cấp và dưới 3 tháng là trên 17.400 người. Trong đó tổ chức 10 lớp đào tạo nghề cho 336 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp, giúp họ có thêm cơ hội việc làm, thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Với sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo ở các địa phương trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các chính sách giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 31-5-2018 của Chính phủ. Trong 2 năm (2022-2023), toàn tỉnh đã cấp 21.213 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, 147.527 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh cho các đối tượng từng bước được nâng lên; số người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí 795.842 lượt người, kinh phí thực hiện 370.479 triệu đồng. Trên 1.250 lượt hộ nghèo và 10.447 lượt hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi trên 792 tỷ đồng; 7.315 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi gần 519 tỷ đồng; 589 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay vốn 22 tỷ đồng. Hỗ trợ học nghề cho 602 người nghèo, người cận nghèo, kinh phí hỗ trợ 2 tỷ 041 triệu đồng. Miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 33.620 lượt học sinh, sinh viên, kinh phí 11 tỷ 767 triệu đồng.

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được quan tâm; riêng từ Quỹ “Ngày vì người nghèo” đã hỗ trợ xây mới 314 nhà, trị giá trên 14 tỷ đồng; sửa chữa 40 nhà, trị giá 579 triệu đồng. Được hỗ trợ đồng bộ, toàn diện, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có sự chuyển biến về nhận thức, tự vươn lên tạo việc làm, mở rộng sản xuất, ứng dụng giống mới, công nghệ mới, nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 1,74% (cuối năm 2021) giảm xuống còn 1,32% với 8.522 hộ (cuối năm 2022). Theo dự tính của Sở LĐ-TB và XH, đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) giảm 0,6%.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Phấn đấu tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) giảm từ 0,5-1,0%/năm, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com