Quản lý và phát huy hiệu quả sử dụng đất dự án sản xuất, kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp - Kỳ II: Gia tăng biện pháp quản lý việc sử dụng đất

19:05, 24/07/2023

Kỳ I: Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý 

(Tiếp theo và hết)

Kỳ II: Gia tăng biện pháp quản lý việc sử dụng đất

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất dự án sản xuất, kinh doanh (SXKD) ngoài khu, cụm công nghiệp (CCN), thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề năm 2023, trong tháng 4 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát “Việc quản lý, sử dụng đất trong các dự án đầu tư SXKD ngoài khu, CCN trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2022”. Qua giám sát cho thấy công tác quản lý quỹ đất dự án SXKD ngoài khu, CCN của tỉnh đã được thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập cần có giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả sử dụng, khai thác quỹ đất này.

Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Nam Thanh, Cụm công nghiệp Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) thuận lợi hơn trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm gỗ ép.
Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Nam Thanh, Cụm công nghiệp Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) thuận lợi hơn trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm gỗ ép.

Qua thực tế khảo sát 40 dự án và trực tiếp nghiên cứu hồ sơ của các dự án, Đoàn giám sát nhận thấy công tác thẩm định, chấp thuận dự án đầu tư có lúc còn chưa chặt chẽ. Số dự án được cấp phép xây dựng còn thấp, trong 40 dự án Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế thì mới có 18/40 dự án (đạt tỷ lệ 45%) được cấp giấy phép xây dựng. Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên nên chưa kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Lực lượng thanh tra Nhà nước chưa tổ chức thanh tra các dự án của nhà đầu tư trong nước được giao đất, cho thuê đất giai đoạn 2016-2022. Một số dự án đã hết thời gian thực hiện theo quyết định phê duyệt nhưng chưa kịp thời điều chỉnh thời gian thực hiện; một số dự án chậm tiến độ phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần, có dự án điều chỉnh tới 3 lần. Một số dự án tuy đã được giao đất theo đợt tại thực địa nhưng chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn bộ diện tích dự án nên chưa được cấp phép xây dựng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Một số dự án được UBND tỉnh, UBND các huyện cho thuê đất nhưng đã quá 12 tháng nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng nhưng nhà đầu tư chưa có văn bản đề nghị gia hạn theo quy định. Việc công bố công khai trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, các dự án được gia hạn... chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trật tự xây dựng của các dự án còn ít (giai đoạn 2016-2022 Sở Xây dựng mới tiến hành thanh tra, kiểm tra 20/177 dự án tỉnh giao đất, cho thuê đất, đạt tỷ lệ 11,3%). Còn 99/177 dự án được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất (chiếm 55,9%) chưa hoàn thành theo chủ trương đầu tư; tổng vốn đầu tư đã thực hiện của 40 dự án Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế đạt tỷ lệ 63% so với tổng vốn đầu tư đăng ký. Bên cạnh đó, số lượng dự án đầu tư SXKD ngoài khu, CCN trên địa bàn tỉnh tuy nhiều nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, chưa có nhiều dự án lớn mang tính động lực để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân khách quan của những hạn chế nêu trên do: quá trình thực hiện dự án từ khi nghiên cứu đầu tư đến khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng phải tuân thủ, áp dụng quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực (đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch, bảo vệ môi trường…) trong khi hệ thống các quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, chồng chéo, thường xuyên thay đổi gây khó khăn, lúng túng cho nhà đầu tư và các bên liên quan. Đa số dự án đầu tư ngoài các khu, CCN đều không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất GPMB mà nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân về đơn giá bồi thường, hỗ trợ GPMB dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện dự án. Đại dịch COVID-19 bùng phát làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch xây dựng dự án của chủ đầu tư.

Về chủ quan, có các nguyên nhân như: Công tác phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng đất để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế; chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thiếu tính dự báo chiến lược. Tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chuyên ngành chưa cao dẫn đến việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhiều lần làm chậm quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Việc quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế. Lực lượng làm nhiệm vụ quản lý về hoạt động xây dựng, đất đai, giám sát đánh giá đầu tư còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều công việc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế dẫn đến hiệu quả quản lý Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng lực chuyên môn và tiềm lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế, chưa nắm được đầy đủ các quy định của pháp luật để triển khai thực hiện dự án. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng của một số nhà đầu tư chưa cao, chưa tự giác thực hiện các quy định về quản lý chất lượng và nghiệm thu công trình hoàn thành. Nhiều nhà đầu tư chưa quan tâm thực hiện và chưa nộp đầy đủ báo cáo giám sát đầu tư theo quy định.

Để khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, đoàn giám sát đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tăng cường chức năng quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư SXKD ngoài khu, CCN. Tại 206 dự án đầu tư SXKD ngoài khu, CCN đã được UBND tỉnh, UBND các huyện cho thuê đất giai đoạn 2016-2022, UBND tỉnh chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát đối với các dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng và có giải pháp xử lý theo quy định đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, sai phép, vi phạm quy hoạch theo thẩm quyền và phân cấp. Kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; đối chiếu với quy định của pháp luật để có hướng dẫn hoặc có giải pháp cụ thể, sớm đưa đất vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Tích cực hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho các dự án vướng mắc về công tác GPMB và các dự án chưa đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy hoạch. Đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, tham mưu cấp có thẩm quyền phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xử lý theo quy định. Về lâu dài, các sở, ngành, các địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư SXKD ngoài khu, CCN từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, triển khai thực hiện dự án và quá trình hoạt động của dự án. Nâng cao tinh thần chịu trách nhiệm trong việc tham gia ý kiến, lựa chọn các dự án đầu tư và nhà đầu tư đủ năng lực nhằm đảm bảo việc thực hiện dự án đầu tư theo đúng chủ trương đầu tư được duyệt. Cần nghiên cứu, tham mưu để ban hành quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm sau thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất tại các dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, vướng mắc và kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo quy định pháp luật. Phải tích cực trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin về các dự án đầu tư giữa các sở, ngành và giữa các sở, ngành với UBND cấp huyện, cấp xã để cập nhật kịp thời các thông tin có liên quan, làm căn cứ trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án đầu tư.

Đặc biệt, chú trọng thực hiện nhất quán chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng phát triển của tỉnh đã nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm; đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế, trong đó chú trọng đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật; quan tâm việc chủ động GPMB, tạo quỹ đất sạch để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện các dự án, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Về lâu dài tỉnh hạn chế cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư SXKD phi nông nghiệp ở bên ngoài khu, CCN, trừ những dự án có quy mô lớn, mang tính động lực để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com