Nguồn tiền hỗ trợ người chăn nuôi lấy từ đâu?

06:06, 18/06/2019

Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi, ngành chăn nuôi nước ta. Một vấn đề đang gây lo ngại hàng đầu là nguồn kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy, khi mà điều kiện ngân sách địa phương đang gặp khó.

Thiệt hại lớn, ngân sách địa phương không kham nổi

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.068 xã, 413 huyện của 55 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là hơn 2,5 triệu con, với tổng trọng lượng gần 148,2 nghìn tấn. Ðáng lo ngại là thời gian qua, 56 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh. Thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra ước tính tới khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí tiêu hủy…

Riêng tại Thành phố Hà Nội - nơi có tổng đàn lợn lớn đứng tốp đầu cả nước (1,87 triệu con), tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 21.286 hộ chăn nuôi, số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 353.777 con (chiếm 18,9% tổng đàn) với trọng lượng 24.292 tấn. Kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy ước tính khoảng 620 tỷ đồng và khoảng 200 tỷ đồng kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh (kinh phí mua hóa chất, vật tư, nhân công, thuê máy xúc, phương tiện vận chuyển...).

Thái Bình là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch tả lợn châu Phi. Theo ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình: Số lượng lợn mắc bệnh phải tiêu hủy lớn, khoảng 330 nghìn con. Về chi phí, dự kiến ngân sách các cấp hỗ trợ người chăn nuôi khoảng 470 tỷ đồng. Tỉnh đang hoàn tất hồ sơ hỗ trợ người chăn nuôi chứ chưa thu xếp được nguồn kinh phí. Kinh phí đang tập trung cho mua hóa chất khử trùng cũng như hỗ trợ lực lượng trực tiếp tham gia công tác chống dịch. Vì ngân sách tỉnh có hạn nên Chính phủ và Bộ Tài chính sớm xem xét cân đối nguồn ngân sách để hỗ trợ Thái Bình.

Cũng gặp khó khăn về nguồn kinh phí hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai chia sẻ: “Ðồng Nai có đàn lợn lớn nhất cả nước, khoảng 2,5 triệu con (chiếm khoảng 9% tổng đàn lợn cả nước) nằm trong vùng kinh tế trọng điểm. Nếu bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng mà hỗ trợ cả doanh nghiệp khi có lợn mắc bệnh thì kinh phí tỉnh không thể kham nổi. Do đó, tỉnh Ðồng Nai cũng đang rất mong nhận được nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương”.

Xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp

Liên quan đến vấn đề mức hỗ trợ đối với người chăn nuôi khi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Hiện nay, mức hỗ trợ cho lợn chết do dịch tả lợn châu Phi phân theo đối tượng lợn con, lợn thịt các loại, lợn nái, tối thiểu bằng 80% giá thị trường và hỗ trợ theo trọng lượng, được thực hiện theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ. Ngoài đối tượng là hộ nông dân, cơ sở chăn nuôi thì doanh nghiệp cũng là đối tượng được hưởng chính sách này. Trong quá trình triển khai, giá lợn xuống thấp thì phương án hỗ trợ này được nhiều địa phương vận dụng, có tỉnh làm theo hướng đặc thù hỗ trợ theo con. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã phát sinh một số vấn đề, như: Cân lợn, nếu số lượng lợn chết ít, quy mô nhỏ thì hình thức hỗ trợ nói trên phù hợp, nhưng nếu quy mô lợn chết lớn như tại các doanh nghiệp thì lại chưa phù hợp. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị thêm phương thức thứ hai là hỗ trợ theo nhóm lợn (lợn con cai sữa, lợn thịt, lợn nái…) nếu phù hợp sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp, tối thiểu bằng 30% mức độ hỗ trợ đối với hộ sản xuất tại thời điểm hỗ trợ. 

Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đề xuất phương án hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ðồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương, huy động các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tham gia thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, cũng như chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm thay thế, có phương án tái đàn lợn khi có đủ điều kiện để bảo đảm nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân và xuất khẩu trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị bàn giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến cho hay, nguồn kinh phí để hỗ trợ các địa phương phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hy vọng sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, sẽ sớm giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay./.

Theo NGUYỄN KIỂM (Báo QĐND)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com