Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Long với những khoảnh khắc đẹp

04:08, 23/08/2019

Gần 40 năm gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Long đã sở hữu nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế. Với lòng say mê đi tìm khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống, ông đã sáng tác được những tác phẩm ảnh nghệ thuật giàu cảm xúc, mang đậm chất nhân văn.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thế Long đến nay đã gần 40 năm gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thế Long đến nay đã gần 40 năm gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh.

Sinh năm 1955 tại thành phố Nam Định, học nghề ảnh từ năm 24 tuổi, năm 1994, lần đầu tiên tham gia Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, Trần Thế Long đã đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Thiền của lá”. Bức ảnh được giới chuyên môn đánh giá cao về tư duy hình ảnh, sáng tạo trong góc máy thể hiện. Năm 1995, ông tiếp tục gặt hái được thành công khi đoạt giải Ba Liên hoan ảnh nghệ thuật tỉnh Nam Hà với tác phẩm “Thời bé dại” và giải Ba Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, giải C ảnh xuất sắc quốc gia, giải B giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Khuyến với tác phẩm “Hương Đồng”. Năm 1996, Trần Thế Long được kết nạp hội viên bộ môn Nhiếp ảnh Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định. Từ đây, ông có điều kiện học hỏi các nghệ sĩ nhiếp ảnh đàn anh và thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về ảnh nghệ thuật, từ đó, nâng cao khả năng sáng tạo trong mỗi khuôn hình. Cùng năm đó, ông có 2 tác phẩm đoạt giải: “Thu nồng hương” (giải Ba Liên hoan ảnh nghệ thuật tỉnh), “Nhả tơ” (giải Khuyến khích của Uỷ ban Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam). Năm 1997, ông được kết nạp hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 1998, ông được Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) phong tước hiệu Nghệ sĩ (A.FIAP), năm 2001 được phong tước hiệu Nghệ sĩ xuất sắc (E.FIAP). Năm 2002, ông được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phong tước hiệu Nghệ sĩ (A.VAPA). Từ năm 1997 đến nay, ông đã sáng tác hàng chục tác phẩm gây tiếng vang trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế. Tiêu biểu là các tác phẩm: “Trước mùa mưa” (giải Khuyến khích Liên hoan ảnh Nghệ thuật các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Bằng danh dự cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Bangladesh - 1997); “Cảnh quê” (Huy chương Đồng cuộc thi ảnh nghệ thuật do Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế tổ chức ở Mỹ - 1999); “Hạnh phúc của thầy giáo già” (giải Xuất sắc ACCU do UNESCO bảo trợ - 1999); “Nụ hôn của gió” (Huy chương Vàng cuộc thi ảnh nghệ thuật tổ chức ở Áo - 1999), giải A ảnh xuất sắc quốc gia (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam); bộ ảnh “Vào lớp” (Huy chương Bạc cuộc thi ảnh bộ do Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế tổ chức tại Áo - 1999)... Đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm ảnh nghệ thuật của Trần Thế Long là cuộc sống đời thường với chủ thể trẻ em, phụ nữ, người lao động, người khuyết tật... Nội dung các tác phẩm nhiếp ảnh của ông đều thể hiện cảm xúc và mang đậm chất nhân văn, hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Tác phẩm “Ánh sáng người mù” khiến người xem xúc động, cảm nhận được sự tận tâm của người thầy và ý chí vươn tới ánh sáng tri thức của học sinh khuyết tật. Để thể hiện tác phẩm này, ông đã sử dụng ống kính nikon tiêu cự 35mm, nền đen và 2 đèn flash bố trí chính diện và xiên ngang nhằm làm nổi bật trang sách cùng đôi bàn tay của người thầy đang dạy học sinh dò chữ nổi Braille. Tác phẩm đoạt 2 Huy chương Vàng tại 2 cuộc thi ảnh quốc tế tại Mỹ và Áo, Bằng danh dự FIAP tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tổ chức ở Hongkong, Hungary, Huy chương Bạc cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc, giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật Lương Thế Vinh. Tác phẩm “Hạnh phúc của thầy giáo già” ông chụp ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Thành phố Nam Định) ghi lại cảnh học sinh vây quanh thầy giáo với nụ cười tươi của tất cả nhân vật. Ở tác phẩm này, ông sử dụng kỹ thuật tốc độ chậm để làm nổi bật người thầy giáo đang ngồi, còn học sinh đang di chuyển bị mờ nhẹ, tạo cảm giác chuyển động cho bức ảnh. Tác phẩm đã đoạt giải xuất sắc ACCU - 1999. Tác phẩm “Được điểm 10” sáng tác năm 2002 ghi lại cảnh học sinh tiểu học trong giờ trả bài kiểm tra. Trung tâm bức ảnh là một học sinh giơ cao bài kiểm tra điểm 10 với nụ cười mãn nguyện; xung quanh là cô giáo và các bạn cùng lớp tràn ngập niềm vui.

Trong các tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Long chân dung phụ nữ được đặt trong nhiều bối cảnh nhằm toát lên vẻ đẹp tinh tế, hiền hậu, chất phác. Tác phẩm “Nữ chủ nhân trẻ” chụp ở Vụ Bản ghi lại cảnh một cô gái trẻ ngồi giữa vựa lúa vàng đang ghi chép các chỉ số năng suất. Tác phẩm nằm trong bộ ảnh “Mùa vàng” (Huy chương Đồng cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tổ chức ở Mỹ, Bằng danh dự Argentina và FIAP tại Áo - 2000, giải C ảnh xuất sắc quốc gia - 2000). Trong số các tác phẩm chụp về phụ nữ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Long tâm đắc nhất với bức ảnh “Nụ hôn của gió” (sáng tác năm 1999) chụp ở triền đê xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). Để thể hiện tác phẩm, ông sử dụng ống kính góc rộng, hướng góc máy lên cao để tôn vinh nét đẹp người phụ nữ. Trong ảnh, chiếc khăn voan màu vàng của người phụ nữ tung bay trước gió, nổi bật giữa nền trời xanh bao la. Tác phẩm tiêu biểu cho vẻ đẹp, sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên. Tác phẩm đoạt Huy chương Vàng cuộc thi ảnh nghệ thuật tổ chức tại Áo - 1999, giải A ảnh xuất sắc quốc gia của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Long luôn tâm niệm: “Trên đường thành công không có dấu chân của người lười biếng”. Bởi vậy, trong lao động sáng tạo nghệ thuật, ông luôn trăn trở tư duy và lăn lộn với thực tế. Có những tác phẩm ông phải lên ý tưởng rồi phác thảo chi tiết kế hoạch hàng năm, rồi chọn góc máy, ánh sáng, thời điểm để chụp. Điều dễ nhận thấy trong các tác phẩm ảnh nghệ thuật của ông là sự chau chuốt, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Ông sử dụng thành thục kỹ thuật điều tiết ánh sáng kết hợp với bố cục sáng tạo trong các tác phẩm để tạo điểm nhấn chủ thể. Thử sức với ảnh báo chí, ông đã khéo léo dung hòa được tính chân thực khách quan của sự kiện với tính nghệ thuật. Ông là cộng tác viên tiêu biểu của nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Từ năm 2000 đến năm 2005, nhiều tác phẩm của ông được đăng Báo Nam Định.

 Là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định, ông đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm chụp ảnh, chọn ảnh và chủ đề sáng tác với các tay máy trẻ. Với kho lưu trữ hàng nghìn bức ảnh, ông là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên trong tỉnh xây dựng trang web riêng trên mạng phục vụ mục đích thương mại mang địa chỉ: “http://tranthelongphoto.com”./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com