Đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

07:02, 18/02/2016
Tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng về chất lượng và định lượng của các sản phẩm hàng hoá trên thị trường ngày càng phổ biến và phức tạp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, rau, thịt, gia súc, gia cầm ôi thiu, nhiễm chất cấm, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tồn dư kim loại nặng vượt ngưỡng tối đa cho phép… Trong lĩnh vực hàng công nghiệp, công nghệ phẩm, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan. Kể cả các dịch vụ công cộng được điều chỉnh theo các hợp đồng mẫu cũng không có ngoại lệ. Trong việc cung cấp điện, nước, điện thoại, truyền hình, internet, chất lượng sản phẩm, dịch vụ không ổn định, đúng theo cam kết… Gần đây các cơ quan chức năng liên tiếp pháp hiện nhiều vụ có số lượng hàng hoá vi phạm lớn, cho thấy nguy cơ quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại là rất lớn, nếu số lượng hàng hoá vi phạm đó được tiêu thụ trót lọt. Bên cạnh đó, vi phạm về quảng cáo sai sự thật, quá với tính năng của sản phẩm còn phổ biến; đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm… Những vi phạm này đã gây bức xúc cho người tiêu dùng. Chị Hoàng Thu Phương, phường Văn Miếu (TP Nam Định) cho biết: Thời gian gần đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi được biết có nhiều vụ việc vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng bị phát giác như: Việc sử dụng chất Vàng-ô để tạo màu vàng giống gà ta; dùng đạm u-rê để ướp hải sản chống ôi thiu; sử dụng hóa chất tẩy trắng nguyên liệu thực phẩm thay cho biện pháp sinh học như trước kia... Với những thủ đoạn tinh vi như vậy, nếu không được các cơ quan chức năng phát giác, cảnh báo thì người tiêu dùng chúng tôi hoàn toàn không biết để tránh xa những sản phẩm đó. Tuy nhiên chúng tôi cũng rất băn khoăn bởi trước khi bị phát hiện thì người tiêu dùng đã sử dụng bao nhiêu chất độc hại như vậy? Và còn bao nhiêu loại hành vi gian lận thương mại, đầu độc người tiêu dùng chưa bị phát hiện? Do đó, tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra ATVSTP, phát hiện, xử lý nghiêm những người sản xuất, kinh doanh chỉ vì lợi nhuận cá nhân, bất chấp mạng sống của người dân.
Lực lượng QLTT phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng kiểm soát hàng đóng gói sẵn lưu thông trên địa bàn huyện Hải Hậu.
Lực lượng QLTT phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng kiểm soát hàng đóng gói sẵn lưu thông trên địa bàn huyện Hải Hậu.
Trước thực trạng trên, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trong năm 2015, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức hội thảo về “Quyền được thông tin của người tiêu dùng - Thực trạng và giải pháp” cho trên 100 đại biểu của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 2 buổi phổ biến kiến thức về ATTP cho 124 người thuộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhóm mặt hàng do Bộ Công thương quản lý. Chi cục Quản lý thị trường yêu cầu cho 350 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, ATTP. Tổ chức treo băng rôn, cờ phướn tuyên truyền tại các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm lớn trên địa bàn tỉnh nhằm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 15-3-2015. Thường xuyên nắm bắt, tiếp nhận thông tin về giá cả, biến động thị trường, từ đó tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng trong việc ban hành chính sách quản lý, xử lý phù hợp cũng như những  thông tin phản ánh từ người tiêu dùng về tình hình thị trường, giá cả, các hành vi gian lận thương mại, chất lượng hàng hóa để báo cho các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý. Đặc biệt trước tình hình diễn biến thị trường, Hội đã có văn bản gửi các ngành chức năng và UBND các địa phương đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng cấm, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… nhằm góp phần bảo vệ sản xuất và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là trong các dịp Tết, lễ… Trong đợt nắng nóng cao điểm mùa hè năm 2015, tình trạng hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình trên địa bàn thành phố tăng cao khiến người tiêu dùng thắc mắc, nghi vấn về tính chính xác việc ghi chỉ số công tơ điện của ngành điện lực, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) đã thực hiện việc giám định phương tiện đo chỉ số tiêu thụ điện năng của hàng chục hộ gia đình có thắc mắc, giúp ngành điện có câu trả lời thoả đáng với khách hàng, ổn định tâm lý người tiêu dùng. Ngay trong dịp Tết Bính Thân, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN); Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã tổ chức lấy mẫu những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của nhân dân để kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người tiêu dùng.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của tỉnh trong thời gian qua còn có những hạn chế nhất định, chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp của các vi phạm pháp luật liên quan đến người tiêu dùng. Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa quy định Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện hành vi thay mặt người tiêu dùng khởi kiện ra tòa án khi thấy quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại. Bên cạnh đó, ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng chưa cao, chưa tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ… Nhiều người tiêu dùng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm không lên tiếng; hoặc chỉ biết phản ánh với cơ sở bán hàng và nếu không được đền bù thì cũng đành cho qua, trong khi pháp luật cho phép họ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo về số lượng và chất lượng như cam kết. Chỉ khi quyền lợi bị xâm phạm nghiêm trọng, thiệt hại với giá trị lớn thì người tiêu dùng mới gửi đơn khiếu nại và trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không biết gửi đơn khiếu nại đến cơ quan nào, trình tự giải quyết ra sao. Ý thức chấp hành pháp luật vì quyền lợi người tiêu dùng của doanh nghiệp còn hạn chế. Hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các cơ quan Nhà nước chưa thực sự có hiệu quả do hạn chế về nguồn lực, phương tiện cũng như cơ chế hoạt động của các cơ quan Nhà nước còn nhiều bất cập. 
 
Để thực thi tốt hơn việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về kinh doanh, thương mại; các chủ thể tham gia thị trường như đơn vị sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng sản phẩm; quan tâm đầu tư kinh phí để nâng cao năng lực và kỹ thuật xét nghiệm, phân tích mẫu sản phẩm để kịp thời cung cấp chứng cứ giúp cho việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện ra tòa khi có các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com