Góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

07:05, 21/05/2019

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, từ nay đến năm 2030 trọng điểm tập trung thực hiện là chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Việc thực hiện chương trình nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh thành các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao, có tem nhãn hàng hóa, được kiểm soát chất lượng, truy suất được nguồn gốc. Thông qua việc phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường.

Việc hỗ trợ xúc tiến thương mại của ngành chức năng giúp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải sản Hải Thịnh (Hải Hậu) thuận lợi trong tiêu thụ, quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Việc hỗ trợ xúc tiến thương mại của ngành chức năng giúp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải sản Hải Thịnh (Hải Hậu) thuận lợi trong tiêu thụ, quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Theo đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để đạt hiệu quả cao trong thực hiện chương trình OCOP, các ngành, địa phương phải xác định đây là chương trình thu hút cả cộng đồng cùng tham gia, khai thác, từng bước nâng chất lượng sản phẩm bản địa lên các tầm cao mới, vượt qua mọi rào cản tiêu chuẩn, thiết lập thương hiệu, uy tín, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, chủ thể của chương trình là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cộng đồng địa phương theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý, chính sách và hỗ trợ các khâu xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, quản lý Nhà nước, định hướng quy hoạch vùng sản xuất để khuyến khích các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Theo đó, từ tháng 9-2018, sau khi triển khai chương trình OCOP, các ngành, địa phương đã khẩn trương hoàn thiện hệ thống chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã và mọi văn bản, cơ chế chính sách liên quan. Trong tháng 4, 5-2019, các ngành, địa phương đã tập trung tập huấn giúp đội ngũ cán bộ quản lý chương trình nắm vững nội hàm Bộ tiêu chí OCOP, cách cho điểm và xử lý các tình huống phát sinh; đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức giúp nhóm đối tượng là người dân, doanh nghiệp hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mình được hưởng, từ đó chủ động đồng hành với tỉnh tham gia thực hiện chương trình. Các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn theo hướng mỗi xã chỉ lựa chọn một sản phẩm tiêu biểu và tập trung phát triển chuyên sâu, nâng tầm chất lượng, thương hiệu sản phẩm; ưu tiên thúc đẩy sự tự hào, khao khát đồng thuận thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng và sáng tạo, đa dạng loại hình sản phẩm của cộng đồng người dân, doanh nghiệp. Các ngành, địa phương tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP nắm rõ và từng bước thực hiện theo lộ trình để đưa sản phẩm đến kết quả được gắn sao theo các tiêu chí: sản phẩm OCOP 5 sao phải đạt 90-100 điểm là sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, do Hội đồng tư vấn chương trình OCOP Trung ương ban hành quyết định; sản phẩm OCOP 4 sao phải đạt 70-89 điểm, là sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đạt tiêu chuẩn quốc tế, do Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh ban hành quyết định; sản phẩm OCOP 3 sao phải đạt 50-69 điểm, là sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhưng có thể phát triển lên 4 sao, do Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện trình Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh ban hành quyết định; sản phẩm OCOP cấp 2 sao phải đạt 30-49 điểm, là sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn nhưng có thể phát triển lên hạng 3 sao; sản phẩm OCOP 2 sao dưới 30 điểm, là sản phẩm yếu nhưng có thể phát triển lên hạng 3 sao. Những năm gần đây, các ngành chức năng của tỉnh đã chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tại nông thôn nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đó, đến nay trên toàn tỉnh đã có 90 sản phẩm của 62 cơ sở sản xuất, kinh doanh công bố tiêu chuẩn chất lượng; 130 mặt hàng nông sản, thực phẩm đã dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa QRcode; các sản phẩm như nước mắm Giao Châu và cá bống bớp Nghĩa Hưng đã xây dựng nhãn hiệu tập thể... có thể tham gia vào đợt bình chọn, xếp hạng tiêu chuẩn OCOP ngay trong năm 2019. Từ đầu quý II-2019, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện tổ chức họp đánh giá các sản phẩm địa phương đã đăng ký, có nhãn hiệu hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để chọn ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên trình Hội đồng đánh giá và xếp hạng cấp tỉnh thẩm định bình xét, quyết định xếp hạng (3 hoặc 4 sao). Theo Sở Công thương, đến nay, các xã, thị trấn đã lựa chọn, đăng ký khoảng 80 sản phẩm có tem nhãn hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc... để tham gia đánh giá xếp hạng tiêu chuẩn OCOP trong năm 2019 và tập trung hoàn thiện, nâng cấp chất lượng khoảng 80 sản phẩm để tiếp tục tham gia đánh giá, xếp hạng tiêu chuẩn OCOP năm 2020. Dự kiến, trong tháng 6-2019, Hội đồng đánh giá và xếp hạng cấp tỉnh sẽ phối hợp với Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh rà soát, đánh giá mức độ hoàn thiện các sản phẩm hiện có. Sau khi đánh giá, lựa chọn những sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, các ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường địa phương, tỉnh và quốc tế, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng. Các hoạt động hỗ trợ sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên bao gồm: Hỗ trợ xây dựng hoặc lồng ghép 8 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch, khu vực có nhiều hoạt động thương mại tại Thành phố Nam Ðịnh và các huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản; quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức hội chợ sản phẩm OCOP; kết nối thị trường. Hỗ trợ thông tin thương mại và tuyên truyền về sản phẩm thông qua các biện pháp xây dựng trang web OCOP tỉnh Nam Ðịnh; duy trì, cập nhật thường xuyên thông tin thị trường trên trang điện tử, bản tin Công thương, phát hành các ấn phẩm thương mại quảng bá sản phẩm. Bản thân các doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ mở rộng mạng lưới hợp tác, liên kết, trao đổi thông tin đa chiều với Trung tâm Thông tin Xúc tiến thương mại tỉnh, hệ thống các cơ quan quản lý, đơn vị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ mở văn phòng đại diện, trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Trung tâm thương mại của các tỉnh, thành phố trong nước; hỗ trợ kết nối với các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng để bán sản phẩm OCOP.

Ðể phát triển chương trình OCOP, từ quý II-2019, các huyện, xã, thị trấn tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng các sản phẩm hiện có trên địa bàn chưa được đăng ký chất lượng, chưa có tem nhãn và hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bổ sung, khắc phục nội dung còn thiếu, hoàn thiện sản phẩm và tham gia đánh giá đợt sau. Dự kiến, đến năm 2030, mỗi xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP; toàn tỉnh có khoảng 300 sản phẩm OCOP, trong đó có khoảng 5% số sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao, khoảng 40% số sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com