Điều chỉnh quy hoạch hệ thống chợ dân sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại

09:04, 05/04/2017
Tỉnh ta có 213 chợ nằm trong quy hoạch đang hoạt động, bao gồm 4 chợ hạng I, 27 chợ hạng II, 182 chợ hạng III, phân bố ở khắp cả 10 huyện, thành phố. Trong những năm qua, hệ thống chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh ta đã được đầu tư, nâng cấp, xây mới và hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; phát huy tốt vai trò là kênh phân phối bán buôn và bán lẻ chủ yếu của địa phương, thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Tuy nhiên đến thời điểm này, hệ thống chợ cũng đã bộc lộ những hạn chế bất cập ở cả khâu quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng dẫn đến tình trạng ở một vài nơi, chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp nhưng khai thác không hiệu quả gây lãng phí; trong khi ở nhiều nơi chợ vẫn còn xập xệ, không có kinh phí đầu tư. Nguyên nhân được xác định là do nhiều chợ nông thôn vẫn duy trì họp theo phiên, số phiên mỗi tháng không nhiều, quy mô nhỏ nên khai thác chưa hiệu quả, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp cũng không được thực hiện thường xuyên khiến chợ tạm bợ, không đáp ứng các tiêu chí chợ NTM. Thực tế ở một số địa phương không có nhu cầu xây chợ mới do các xã, thị trấn liền kề có chợ phát triển từ lâu, quy mô lớn, nhân dân trong xã vốn đã quen với việc giao thương ở các chợ đó nên dẫn đến lãng phí quỹ đất, kinh phí đầu tư xây chợ mới... Để hợp lý hóa và khai thác hiệu quả hệ thống chợ trên địa bàn, UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh quy hoạch chợ dân sinh theo hướng sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp những chợ truyền thống và đưa ra khỏi quy hoạch các chợ hoạt động không hiệu quả để phát triển thương mại văn minh, hiện đại và tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ.
Chợ trung tâm Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) được đầu tư nâng cấp đảm bảo các tiêu chí chợ NTM.
Chợ trung tâm Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) được đầu tư nâng cấp đảm bảo các tiêu chí chợ NTM.
Triển khai điều chỉnh quy hoạch hệ thống chợ dân sinh, các ngành chức năng đã rà soát thực trạng hoạt động của các chợ trên địa bàn, đối chiếu với nhu cầu tiêu dùng cũng như định hướng phát triển tổng thể thương mại của toàn tỉnh. Tham mưu với UBND tỉnh quyết định xóa bỏ 8 chợ hạng III hoạt động không hiệu quả gồm: chợ Kim (Nam Trực); Tân Liêu (Nghĩa Hưng); Hải Xuân, Hải Cường (Hải Hậu); chợ Trà, chợ Đê, chợ Xuân Bảng (Xuân Trường); chợ Lam Sơn (Ý Yên). Chuyển đổi mục đích sử dụng 7 chợ hiện đang xây dựng dở dang do hiệu quả đầu tư kém, không thu hút được người dân đến họp chợ: chợ Ngang (Vụ Bản); chợ Quỳ (Nam Trực); chợ Đông Ba (Nghĩa Hưng); chợ Nam, chợ Xuân Thủy, chợ Cựu (Xuân Trường); chợ Lam (Ý Yên). Bỏ ra khỏi quy hoạch 14 chợ hạng III dự kiến mở mới, xây mới do không có nhu cầu sử dụng gồm: chợ Phú thôn, Tam Thanh, Ngăm Hạ (Vụ Bản); chợ Nam Toàn, Nam Hoa (Nam Trực); Trực Khang (Trực Ninh); Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng); Hoành Sơn, Giao Thịnh (Giao Thủy); Hải Lộc, Hải Tây, Hải Tân, Hải Toàn (Hải Hậu); chợ Xuân Thượng (Xuân Trường). Đồng thời UBND tỉnh cũng bổ sung vào quy hoạch 2 chợ cấp III là chợ Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá (TP Nam Định); chợ Gốc Đề, xã Xuân Vinh (Xuân Trường). Như  vậy, tổng số chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 sau khi điều chỉnh bổ sung là 219 chợ. Trong đó có 6 chợ hạng I, 29 chợ hạng II và 184 chợ hạng III. Hiện tại đã có 201 chợ các loại, còn phải mở mới, xây mới thêm 18 chợ nữa. Với quy hoạch chợ đã điều chỉnh mạng lưới chợ trên địa bàn đã đáp ứng được các chức năng cơ bản của chợ truyền thống như: mật độ, không gian, kiến trúc của chợ vừa phải thuận tiện cho hoạt động mua bán, nhu cầu trao đổi hàng hoá đảm bảo vệ sinh môi trường, ATGT và đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng hoá cũng như mở rộng giao thương, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tránh lãng phí do đầu tư không hiệu quả. Bên cạnh đó các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Xuân Trường, Hải Hậu là những đơn vị có từ 4 đến 6 vị trí chợ thuộc diện điều chỉnh quy hoạch nên sẽ có những tác động lớn đến công tác quản lý Nhà nước và hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân. Do đó, để thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống chợ của UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương trong toàn tỉnh đã chuẩn bị mọi điều kiện để hoàn thiện hệ thống chợ dân sinh đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, trao đổi lưu thông hàng hóa của nhân dân trong vùng và các khu vực lân cận. Trong đó, các địa phương có chợ trong diện điều chỉnh đặc biệt chú ý tới việc giải quyết những tồn tại khi di dời, xóa bỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng chợ. Theo đó, đối với những chợ hoạt động không hiệu quả, điều chỉnh ra ngoài quy hoạch phải có kế hoạch xóa bỏ triệt để, tránh tình trạng tái họp chợ tự phát chợ ven đường gây mất ATGT, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và văn minh đô thị. Đối với những chợ đang xây dựng dở, không xây tiếp hoặc đưa ra khỏi quy hoạch cũng như quy hoạch mới, chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm túc quy trình điều chỉnh, bổ sung chợ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng NTM cho phù hợp với quy hoạch hệ thống chợ toàn tỉnh. Đồng thời đảm bảo quy mô xây dựng chợ mới phải phù hợp với các tiêu chí cơ bản của chợ dân sinh và nhu cầu giao lưu hàng hóa của nhân dân trong vùng. 
 
Việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống chợ dân sinh theo quyết định của UBND tỉnh sát với thực tế, tạo điều kiện cho nhiều địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM hiệu quả hơn, tránh được việc xây dựng chợ tràn lan, gây lãng phí tiền của; góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ thống chợ mang đậm bản sắc văn hóa và phong tục tập quán của địa phương. Bên cạnh việc sắp xếp tổ chức lại hệ thống chợ, các ngành chức năng cũng cần đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa đầu tư chợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chợ, các doanh nghiệp, HTX có thể liên doanh, liên kết đầu tư với các đối tác trong và ngoài nước để tạo nguồn vốn lớn bảo đảm đầu tư đồng bộ, quy mô tương xứng. Tăng cường công tác tổ chức và quản lý chợ không chỉ chú trọng đến hiệu quả kinh tế mà còn phải chú trọng đến những ảnh hưởng của chợ đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội./. 
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com