Tạo sức hút cho chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

08:07, 11/07/2016

Nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) có chất lượng và giá trị sử dụng cao để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, từ năm 2014, tỉnh ta bắt đầu triển khai chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp địa phương (các huyện và TP Nam Định) và cấp tỉnh. Đối tượng bình chọn là các sản phẩm CN-TTCN của các cơ sở sản xuất công nghiệp trực tiếp đầu tư tại khu vực nông thôn với 4 nhóm sản phẩm gồm: nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ (từ các nguyên liệu: gỗ, mây, tre, lá, cói, lục bình, đất, đá, kim loại, sợi các loại, nông sản); nhóm sản phẩm bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống (nguyên liệu sản xuất chủ yếu từ sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất trên địa bàn tỉnh); nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí (sản xuất thành phẩm, hoàn chỉnh tại Nam Định từ sản xuất phụ tùng đến lắp ráp sản phẩm); nhóm các sản phẩm khác. Các sản phẩm được đánh giá qua những tiêu chí cơ bản về doanh thu, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường; chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật - xã hội; tính văn hóa, thẩm mỹ; các tiêu chí liên quan đến chất lượng sản phẩm. Trong đợt đầu tổ chức chương trình, toàn tỉnh chỉ có 8 huyện đăng ký sản phẩm bình chọn cấp huyện (huyện Mỹ Lộc và TP Nam Định không có sản phẩm đăng ký tham gia) và có 10 sản phẩm được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Nam Định năm 2014.

Sản xuất két bạc tại Cty CP Đầu tư và Xây dựng Nam Thanh, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Nam Định năm 2014.
Sản xuất két bạc tại Cty CP Đầu tư và Xây dựng Nam Thanh, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Nam Định năm 2014.

Đến năm 2015, Bộ Công thương chính thức nâng tầm chương trình với quy mô lựa chọn và trao giải cho sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Cũng ngay trong đợt bình chọn cấp quốc gia đầu tiên, tỉnh ta đã có 3/10 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014 được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm CNNT tiêu biểu phía Bắc và năm trong “tốp” 100 sản phẩm CNNT tiêu biểu toàn quốc. Cả 3 sản phẩm đều của các doanh nghiệp cơ khí huyện Xuân Trường là: máy phát điện (Cty TNHH Chế tạo động cơ AXUZU), máy phay mộng đa năng (Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc) và máy tuốt lúa (Doanh nghiệp Tư nhân Tân Việt). Đại diện 3 doanh nghiệp của tỉnh có sản phẩm CNNT tiêu biểu được bình chọn ở quy mô quốc gia cho biết: Sau khi được công nhận, sản phẩm CNNT tiêu biểu được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công và các nguồn khác để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực. Ngoài ra, các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực được tỉnh hỗ trợ trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Đây thực sự là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu. Từ thành quả đạt được sau khi tham gia chương trình và được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn đã quan tâm đầu tư đổi mới cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng đồng bộ các khâu cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm… để có cơ hội phát triển sản xuất với khối lượng hàng hóa lớn, tăng năng lực cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, trước đây sản phẩm của doanh nghiệp vùng nông thôn chủ yếu được sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng từ khi bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu thì người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, thậm chí ở nước ngoài biết đến nhiều hơn, tạo thêm nhiều cơ hội để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương. Ngoài sản phẩm tiêu biểu là máy phay mộng đa năng 5 động cơ, Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc còn sản xuất được từ 8-10 nghìn sản phẩm thuộc 30 chủng loại khác nhau, tạo việc làm cho 180 lao động với mức thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp Tư nhân Tân Việt, mỗi năm sản xuất được gần 3.000 sản phẩm máy tuốt lúa. Sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia...

Từ thực tế của các doanh nghiệp cho thấy các lợi ích thiết thực, rõ nét có thể nhận được khi doanh nghiệp tham gia chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2014 của tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: cơ cấu sản phẩm CNNT tham gia chương trình chưa đa dạng, vẫn còn thiếu nhiều sản phẩm của các địa phương, làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm, thậm chí nghìn năm như: mộc mỹ nghệ La Xuyên; đúc đồng Tống Xá (Ý Yên); khảm trai Bình Minh (Hải Hậu); dệt khăn, dệt vải; tơ tằm (Trực Ninh); rèn nông cụ Quang Trung (Vụ Bản)… Bên cạnh đó, công tác phối hợp triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh, kế hoạch của Hội đồng bình chọn còn lúng túng do lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn tỉnh; công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ tham gia bình chọn chưa kịp thời, đầy đủ; nhiều cơ sở sản xuất CN-TTCN nông thôn chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng của chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nên chưa nhiệt tình tham gia.

Theo lộ trình quy định 2 năm sẽ tổ chức 1 lần nên ngày 22-4-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2016. Để chương trình tạo được sức hút các doanh nghiệp đăng ký nhiều sản phẩm CNNT đạt tiêu chí, UBND tỉnh giao Sở Công thương tiếp tục là cơ quan chủ trì thường trực chịu trách nhiệm tổ chức; đồng thời phải chủ động nâng cao vai trò vận động, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký sản phẩm tham gia bình chọn. Tập trung huy động sự chung tay vào cuộc, tích cực phối hợp của địa phương, các ngành liên quan để đưa hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu thành chương trình bài bản và có định hướng lộ trình phát triển nhằm đạt mục tiêu 10/10 huyện, thành phố của tỉnh đều có sản phẩm CNNT tiêu biểu. Ngành Công thương và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiểu rõ tầm quan trọng, các giá trị, lợi ích khi tham gia chương trình. Chú trọng tuyên truyền về các lợi ích doanh nghiệp được hưởng nếu có sản phẩm CNNT tiêu biểu: Được nhận tiền thưởng theo quy định tại Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND ngày 26-10-2015 của UBND tỉnh (Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công tỉnh Nam Định); được cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu có giá trị tính từ ngày được cấp đến hết ngày 31-12 của năm thứ 3 và được đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp cao hơn. Được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương (đối với sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh), kinh phí khuyến công quốc gia (đối với sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia) và các nguồn kinh phí khác để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, quảng bá sản phẩm, đào tạo lao động, đào tạo về khởi sự nghiệp và thành lập doanh nghiệp. Được đăng tải thông tin giới thiệu về sản phẩm trên các phương tiện thông tin: Đài PT-TH tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, website của Sở Công thương.

Để làm phong phú các sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ giúp các cơ sở, doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất CNNT, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, tính mới cho sản phẩm. Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng, chính quyền địa phương, bản thân các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chủ động nắm bắt cơ hội, “mặn mà” hơn trong việc đăng ký tham gia chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu để có cơ hội nâng tầm thương hiệu./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com