Đưa công nghệ xanh vào sản xuất công nghiệp

09:01, 06/01/2015

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, công tác BVMT góp phần giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do vậy, đưa công nghệ xanh vào sản xuất công nghiệp là một trong những chiến lược quan trọng để phát triển, nâng cao vị thế cho doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp trong tỉnh tích cực đưa công nghệ xanh vào sản xuất, tỉnh đã chủ động áp dụng các công cụ pháp lý, công cụ kinh tế, đưa ra các chính sách hỗ trợ; hướng dẫn xây dựng dự án sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp. Các sở, ngành cũng đã thực hiện nhiều chương trình hành động nhằm nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong áp dụng công nghệ xanh vào sản xuất công nghiệp...

Tiền thân là một doanh nghiệp chuyên sản xuất áo len xuất khẩu cho các nước Đông Âu như: Nga, CH Séc, Ba Lan…; trước nhu cầu ngày càng tăng do thị trường tiêu thụ rộng lớn, năm 2008, Cty CP Thủy Bình (KCN Hòa Xá) đã đầu tư nhà máy sản xuất sợi len để không phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Đầu năm 2014, Cty đã đầu tư để nâng cấp máy nhuộm theo công nghệ mới, giúp gia tăng tối đa độ bền màu, thân thiện với môi trường và không gây độc hại. Nhận thấy đây là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận sản xuất sợi len xuất khẩu, đặc biệt quy trình sản xuất và sản phẩm lại đạt tiêu chí thân thiện với môi trường (thiết bị hiện đại tiêu hao ít năng lượng; không sử dụng hóa chất độc hại để nhuộm len…) nên Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp I (Bộ Công thương) đã lập đề án để trình Cục Công nghiệp địa phương hỗ trợ Cty kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sợi len xuất khẩu từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2014. Mặc dù nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công chỉ có 250 triệu đồng, rất nhỏ so với tổng kinh phí đầu tư 45 tỷ đồng của đơn vị, nhưng trong suốt quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp I luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, từ khâu xây dựng đề án, tư vấn về đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng. Nhà máy đi vào hoạt động tạo việc làm ổn định cho 120 lao động trên địa bàn với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/người/tháng; sản lượng sợi len của Cty chiếm đến 45% thị phần cả nước. Khi tổ chức trình diễn, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất len sợi, may mặc trên địa bàn tỉnh và toàn quốc tham gia tiếp cận, nghiên cứu để đưa về áp dụng tại đơn vị mình. Trước đây, Doanh nghiệp Trịnh Nghiên ở xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng) chuyên tái chế các sản phẩm nhựa, bao ni lông, mỗi ngày sản xuất, tái chế khoảng 2 tấn sản phẩm... và xả ra một lượng lớn khí thải có màu nâu, có mùi rất khó chịu, thậm chí gây khó thở. Được tuyên truyền, vận động và qua tìm hiểu thông tin về các công nghệ xanh có thể ứng dụng trong sản xuất, năm 2014, doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống xử lý khí thải bằng phương pháp ô-xy hoá và hấp thụ các độc tố gây ô nhiễm môi trường. Để vận hành hệ thống, doanh nghiệp được Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở KH và CN) chuyển giao công nghệ thu gom, hấp thụ khí thải qua thùng điều áp, bình ô-xy hoá, qua tháp hấp thụ để xử lý những chất độc hại trước khi thải ra môi trường. Kết quả phân tích khí thải sau khi xử lý bằng công nghệ này của Trung tâm quan trắc và phân tích TN và MT Hà Nội cho thấy đạt tiêu chuẩn quy định (TCVN-2005). Cụ thể là: lượng khí CO thấp hơn tiêu chuẩn cho phép 3,5 lần, SO2 thấp hơn tiêu chuẩn cho phép 158 lần và gần như không còn chất độc hại Vi-nyl-clo-rua, khí thải đã hết màu, không có mùi. Nhận thấy hiệu quả thiết thực của mô hình, các ngành Công nghiệp, KH và CN đang tập trung tuyên truyền để các doanh nghiệp áp dụng xử lý khí thải ở nhiều lĩnh vực, quy mô sản xuất khác nhau.

Nhà máy xử lý nước thải KCN Bảo Minh.
Nhà máy xử lý nước thải KCN Bảo Minh.

Việc khuyến khích đưa công nghệ xanh vào sản xuất còn được chú trọng ngay từ khâu duyệt dự án và đầu tư hạ tầng sản xuất công nghiệp. Trong những năm gần đây, mặc dù rất tích cực kêu gọi thu hút đầu tư song Ban quản lý các KCN tỉnh cũng liên tiếp từ chối, không tiếp nhận các dự án đăng ký đầu tư phát triển công nghiệp vào địa bàn có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong chủ trương chỉ đạo, tỉnh yêu cầu 100% các dự án đầu tư vào KCN trên địa bàn phải thực hiện nghiêm công tác BVMT theo đúng quy định. Với định hướng xây dựng KCN Bảo Minh (Vụ Bản) trở thành KCN sinh thái, phát triển bền vững nên Cty CP Đầu tư Vinatex đã tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là công trình BVMT theo tiêu chí bảo đảm công nghệ xanh trong quy trình vận hành sản xuất, bao gồm khu xử lý nước thải giai đoạn I công suất 5.000 m3/ngày đêm, Nhà máy nước sạch giai đoạn I công suất 10 nghìn m3/ngày đêm, hệ thống thoát nước mưa, thu gom nước thải, cây xanh, hồ điều hoà, kè mương, máng tiếp giáp với KCN. Trong đó, riêng hệ thống thu gom và xử lý nước thải theo tiêu chuẩn hiện đại có tổng giá trị đầu tư lên đến 97 tỷ đồng, bảo đảm nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn A trước khi xả ra môi trường tự nhiên. Nhà máy nước sạch của KCN có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng không chỉ cung cấp nguồn nước chất lượng cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây mà còn có thể cung ứng nước sạch cho các xã lân cận và Thị trấn Gôi trong quá trình phát triển, mở rộng đô thị. Cty CP Đầu tư Vinatex đang tiếp tục triển khai xây dựng Nhà máy nước sạch giai đoạn II công suất 10 nghìn m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải giai đoạn II công suất 25 nghìn m3/ngày đêm. Với việc tập trung đầu tư đúng định hướng, trong đó có hạ tầng kỹ thuật hệ thống xử lý môi trường, bước đầu KCN Bảo Minh đã nhanh chóng thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước, tập trung xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm thuộc ngành dệt, may, sợi, phụ kiện và một số lĩnh vực công nghiệp nhẹ khác. Các nhà đầu tư thứ cấp tại KCN cũng chủ động tích cực trong công tác BVMT, ký hợp đồng với các đơn vị chuyên môn vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải nguy hại đúng quy định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Công thương, vẫn còn không ít doanh nghiệp lúng túng trong việc lựa chọn và ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất. Vì vậy, định hướng đưa công nghệ xanh vào sản xuất hay phát triển công nghiệp xanh sẽ đạt hiệu quả tích cực trên cơ sở tăng cường quản lý Nhà nước về BVMT và nâng cao nhận thức của nhà sản xuất về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ xanh. Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất công nghiệp. Xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia ứng dụng công nghệ xanh và cán bộ kỹ thuật tại các cơ sở sản xuất công nghiệp. Đồng thời tăng cường huy động các chương trình hỗ trợ, khuyến khích, vận động các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và quy trình ứng dụng công nghệ xanh theo hướng có lợi cho môi trường./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com