Để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

07:05, 12/05/2014

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng quyết định sự thành, bại trong thực hiện chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhận thức được điều đó, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến để thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lao động.

Trong công tác quản trị nhân sự, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp để thu hút lao động có năng lực và tạo điều kiện để họ gắn bó lâu dài. Từ nhiều năm qua, Cty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (TP Nam Định) ngoài các biện pháp quản lý nhằm tạo sự thoải mái cho người lao động trong khi làm việc đã thực hiện tốt các chế độ phúc lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Dịp ngày lễ 30-4, 1-5 hằng năm, lao động được Cty cho nghỉ và vẫn được hưởng nguyên lương. Dịp tổng kết năm, Cty tổ chức “Ngày hội của người lao động” để công nhân bày tỏ, đề xuất, kiến nghị về các vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc. Những ý kiến, thắc mắc của người lao động đều được Cty tiếp nhận và giải đáp thỏa đáng. Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ theo luật pháp quy định như BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp…, người lao động được Cty tổ chức đi tham quan, du lịch và được nghỉ phép theo quy định của Bộ luật Lao động. Với sự quan tâm, chăm lo của Cty, người lao động đã phát huy những kinh nghiệm, sáng kiến trong lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cty CP May Sông Hồng đã thực hiện chính sách hỗ trợ đối với công nhân mới để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài. Công nhân mới trong 10 tháng đầu được Cty hỗ trợ thêm ngoài lương chính với mức hỗ trợ cao nhất 600 nghìn đồng/2 tháng đầu tiên. Sau 10 tháng, hầu hết công nhân mới đã thích nghi được với nhịp độ sản xuất của Cty, tay nghề và kinh nghiệm lao động được nâng lên, năng suất lao động cũng tăng theo nên thường có thu nhập bằng hoặc cao hơn trước. Đến nay, Cty CP May Sông Hồng với 4 khu vực sản xuất đã thu hút được trên 8.500 lao động. Ở Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định), việc chăm lo xây dựng đội ngũ lao động là một nội dung quan trọng của xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ theo pháp luật quy định, nhờ áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, người lao động của Cty không chỉ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp mà còn có nhiều cơ hội phát huy tối đa tiềm năng, kinh nghiệm từ thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, Cty còn chú trọng công tác đào tạo cán bộ, phát triển cán bộ quản lý bộ phận từ đội ngũ công nhân, thường xuyên cử cán bộ trẻ đi tham dự các lớp đào tạo. Nhờ đó, ngoài 1.200 lao động tập trung tại 3 nhà máy Sợi, Cty đã phát triển được 25 doanh nghiệp vệ tinh và gần 2.000 lao động tại các làng nghề trong và ngoài tỉnh.

Sản xuất các sản phẩm máy nông nghiệp ở Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt, CCN Xuân Tiến (Xuân Trường).
Sản xuất các sản phẩm máy nông nghiệp ở Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt, CCN Xuân Tiến (Xuân Trường).

Để các doanh nghiệp vệ tinh và hộ gia công tại các làng nghề yên tâm gắn bó lâu dài, hằng năm Cty đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích như: cam kết đảm bảo đủ đơn hàng sản xuất cho các doanh nghiệp vệ tinh, thanh toán đầy đủ và có thể ứng trước kinh phí hợp đồng, nguyên liệu sản xuất, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người lao động… Không chỉ các doanh nghiệp dệt may, nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành cơ khí, mộc mỹ nghệ tại các huyện Ý Yên, Xuân Trường, Nam Trực cũng đã thực hiện đa dạng các biện pháp để thu hút, tận dụng tối đa kinh nghiệm của người lao động lành nghề trong các làng nghề. Với vai trò là đầu mối, các doanh nghiệp nhận đơn hàng sau đó giao cho các hộ trong làng nghề gia công từng nhóm, chi tiết sản phẩm. Doanh nghiệp Tư nhân Tân Việt, CCN Xuân Tiến (Xuân Trường) chuyên sản xuất các loại máy nông nghiệp. Ngoài đội ngũ trên 100 lao động tập trung, Cty còn phát triển được hệ thống “vệ tinh” trên 100 hộ nhận gia công sản phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mộc mỹ nghệ ở làng nghề La Xuyên (Ý Yên) đã phát triển được hàng trăm hộ gia công vệ tinh với trên 1.000 lao động tại các xã trong huyện như: Yên Dương, Yên Hồng, Yên Mỹ. Được doanh nghiệp quan tâm, đội ngũ lao động không chỉ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mà với tâm huyết và lòng yêu nghề đã chịu khó nghiên cứu, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên liệu và làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như sáng kiến lắp thêm mạch điều khiển vào hệ thống thiết bị để chuyển đổi điện áp khi máy chạy từ 3 pha 380V sang điện áp 3 pha 220V của máy dệt Picanol (Bỉ) ở Tổng Cty CP Dệt may Nam Định. Sau khi lắp mạch điều khiển, sản lượng điện tiêu thụ của máy giảm được 20%/tháng, đã được triển khai ứng dụng ở cả 30 máy dệt Picanol và hầu hết các dây chuyền sản xuất khác trong Cty...

Với việc quan tâm xây dựng lực lượng lao động cùng đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng cao, áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến, các doanh nghiệp trong tỉnh đã từng bước xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong hội nhập kinh tế quốc tế./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com