Lân sư đón trăng

06:09, 05/09/2014

Đêm trung tuần tháng 8, khắp các con ngõ đâu đâu cũng nghe thấy tiếng trống rộn vang. Đám trẻ í ới gọi nhau, hòa vào đám đông reo hò. Chúng nhảy nhót liên tục, hét lên những tiếng phấn khích khi những con lân, con sư tới gần, mắt liên tục nhấp nháy. Mỗi mùa Trung thu, cùng với ánh trăng trời vằng vặc, ký ức tuổi thơ có thêm những kỷ niệm về một trò chơi dân gian xa xưa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Lân sư đón trăng

Câu lạc bộ (CLB) lân sư rồng Minh Vương Đường Nam Định (TP Nam Định) được thành lập đã 15 năm, là nơi đào tạo võ thuật cổ truyền cho những người yêu thích võ học trong tỉnh. 7, 8 năm trở lại đây, CLB có thêm “tiết mục” múa lân, sư được rất nhiều thành viên trẻ thích thú hưởng ứng. Đến đây, họ vừa tập võ rèn luyện thể lực, vừa cùng nhau tập múa lân sư rồng. Anh Hoàng Bá Ninh, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: “CLB chúng tôi ngoài việc dạy võ thì có thêm một số hoạt động như đào tạo vệ sĩ và đặc biệt là múa lân sư rồng. Để thành lập đội múa lân sư, chúng tôi chọn những người có tố chất, cơ thể dẻo dai biết nhảy, nhào lộn… và đương nhiên có thể lực tốt. Ngoài ra, yếu tố đam mê thì không thể thiếu. Người biết múa lân sư thì nhất định phải biết võ, không biết võ không thể nào thực hiện được các động tác khi múa”. Để biểu diễn thuần thục được một bài múa lân sư, theo anh Ninh, nhanh cũng mất khoảng 3 đến 6 tháng luyện tập. Người múa lân tập từ những động tác cơ bản như nhảy lên cao, lăng người, đá xoạc nâng dần lên thành những động tác phức tạp như lộn ngược hay trèo cột… “Giới” múa lân cho biết, họ ngại nhất là những động tác như lộn ngược lân. Bởi khi đó ngoài yêu cầu kỹ thuật còn đòi hỏi tinh thần đồng đội, sự phối hợp nhuần nhuyễn. Động tác trèo cột cũng rất vất vả, những cây cột cao từ 5-7m trơn tuột, thẳng đứng, “trong bộ dạng 1 con lân” trèo lên không dễ dàng chút nào. Trong lúc luyện tập và cả khi biểu diễn, đôi khi không tránh khỏi tình trạng cả người cả lân ngã nhào xuống đất. Để có một tiết mục múa lân sư hoàn chỉnh cần ít nhất 10 người. “Hóa thân” thành 1 con lân, sư cần 2 người. Khi biểu diễn, các đội múa lân, sư thường sử dụng 2 lân hoặc 2 sư hoặc cả 2 lân, sư kết hợp, 1 người nữa làm nhiệm vụ đánh trống, 2 người đánh chập chõa, 1 người đánh tán xã. Anh Ninh cho biết thêm về sự khác nhau trong biểu diễn của lân và sư: “Đối với sư thì khi múa, bắt buộc là phải biểu diễn trên bàn, còn múa lân thì không nhất thiết phải biểu diễn trên bàn. Múa rồng thường chỉ xuất hiện ở những sự kiện lớn như biểu diễn tại đền, chùa, miếu mạo hoặc lễ khai trương của các Cty, nhà hàng lớn. Bởi múa rồng đòi hỏi lực lượng người tham gia rất đông, để xếp thành hình 1 con rồng, phải có từ 10 người trở lên”.

Một buổi tập múa lân sư của CLB lân sư rồng Minh Vương Đường Nam Định (TP Nam Định).
Một buổi tập múa lân sư của CLB lân sư rồng Minh Vương Đường Nam Định (TP Nam Định).

Tết Trung thu, ấy là khi dân múa lân “vào mùa”. Khi ấy, hầu như các đội múa lân đều kín lịch. Đối tượng phục vụ của các đội múa lân rất đa dạng. Có thể là một thôn, xóm, khu phố nào đó thuê về biểu diễn.  Họ cũng có thể nhận được những đơn đặt hàng của các Cty, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… Dịp Trung thu, từ ngày 12 trở đi, CLB lân sư rồng Minh Vương Đường luôn kín lịch. Vì vậy, họ chỉ có thể nhận lịch những khách đặt trước. Một chương trình biểu diễn của các đội múa lân sư thường kéo dài từ 15-45 phút, tùy khách hàng yêu cầu. Các tiết mục diễn có tên gọi hết sức giản dị: Chúc mừng khánh thành, Sư biểu diễn trên bàn, Lân leo cột, Lân, sư kết hợp… Mở màn, người đánh trống sử dụng 2 loại trống khác nhau dạo trống. Kèm trống là thanh âm của chập chõe và tiếng tán xã vui nhộn, dồn dập, những chú lân, sư vào cuộc. Sau mỗi cú nhảy trên bàn, nhảy lên người, xoạc chân…, khán giả reo hò, vỗ tay không dứt. Dịp Trung thu, đội múa lân sư còn được “bổ sung” thêm hình ảnh một ông địa bụng to, tay luôn phe phẩy cái quạt phía trước chuyên đi chọc cười, hoạt náo bọn trẻ khiến ai ai cũng chỉ muốn nhanh chân nhập cuộc.

Khổ nhọc múa lân sư

Trần Ngọc Hùng, phụ trách võ thuật, biểu diễn CLB lân sư rồng Minh Vương Đường Nam Định đã sinh hoạt tại CLB nhiều năm nay. Hơi “nhỏ con” nhưng nhìn những động tác mà Hùng biểu diễn, có thể cảm nhận được sự dứt khoát, khỏe mạnh, nhanh nhẹn của người học võ lâu năm. Trước mỗi buổi tập, Hùng đến sớm hơn mọi người một chút, kiểm tra lại đạo cụ. Trong lúc tập, Hùng quan sát các thành viên để bố trí vị trí phù hợp, chỉnh động tác sao cho đúng, chuẩn xác. Hùng cho biết: “Học múa lân sư rất vất vả. Vì toàn các động tác nhảy, nhào, lộn, leo trèo nên chấn thương với bọn em là… chuyện cơm bữa. Nhẹ thì trầy da, xước tay, nặng thì bong gân, đập đầu, chảy máu. Đối với những người mới tập, cả tháng cơ thể đau ê ẩm, chân tay lúc nào cũng trong tình trạng căng cứng. Quan sát một buổi tập của những thành viên CLB mới thấy hết sự vất vả, nghiêm túc và nhiệt huyết của những thành viên. Họ không ngại “công kênh”, đội nhau trên người. Giữa sân, 3 cái bàn được đóng nối tiếp, 1 cái cao hơn đặt ở giữa, 2 cái thấp bằng nhau ở 2 bên, “3 con sư” đang thay nhau nhào, lộn. Để có những giây phút “thăng hoa” khi biểu diễn, từng đôi sư một tập luyện, hụt lên ngã xuống suốt cả tiếng đồng hồ. Chưa kể còn phải mặc thêm mớ quần áo biểu diễn lùng nhùng mới nhìn thôi đã thấy ngốt. “Mùa hè là ngại nhất. Ngồi không đã nóng nực, phải mặc đồ diễn, tập các động tác mạnh nên khi thay đồ ra là đồ đã ướt đẫm”, Hùng cho biết thêm. “Vất vả là vậy nhưng thành quả cả CLB thu lại được, chủ yếu tính bằng… niềm vui. Một màn biểu diễn từ 15-45 phút được trả công dao động từ 4-10 triệu đồng. Để dàn dựng tiết mục, chúng tôi cần huy động khoảng 10-20 người. Tính ra, sau mỗi lần diễn, anh em chia nhau chả đáng bao nhiêu. Chưa kể đến ngày có việc ngày không. Vì vậy, nếu không thực sự đam mê, chẳng ai theo cái nghiệp này. Được thêm một chút kinh phí biểu diễn, chúng tôi dành  phần lớn để mua đồ nghề. Thu nhập chủ yếu của anh em vẫn phải do công việc lao động chính hằng ngày mang lại”, anh Ninh chia sẻ. “Tuy nhiên sinh hoạt trong CLB chúng tôi “được” nhiều thứ. Do có uy tín nhất định, chúng tôi được mời đi biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh… Mỗi lần như vậy cũng biết thêm được nhiều nơi, học hỏi thêm được nhiều màn múa mới lạ và điều quan trọng là mang lại niềm vui đến cho mọi người”. Hiện, Thành phố Nam Định, cũng theo anh Ninh, ngoài CLB lân sư rồng Minh Vương Đường còn có từ 2-3 đội múa lân khác. Vào mỗi mùa Trung thu, tiếng trống, tiếng chập chõa của họ làm nức lòng đám trẻ gần xa./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com