Hải Dương: Bảo tồn, phát huy giá trị di tích

08:11, 06/11/2019

Với hơn 2.000 di tích, tỉnh Hải Dương đã và đang có nhiều giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa, song song các biện pháp trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Riêng thành phố Hải Dương có 270 di tích, trong đó có 33 cụm di tích đã được xếp hạng (11 cụm di tích xếp hạng cấp quốc gia và 22 cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh).

Giai đoạn 2015-2018, đã có hàng trăm di tích trên địa bàn tỉnh được tu bổ, tôn tạo với nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng, trong đó phần lớn từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Nổi bật là trùng tu các hạng mục của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ngoài ra, các di tích tiêu biểu của tỉnh như: An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (huyện Kinh Môn), Văn miếu Mao Điền, Đền Xưa (huyện Cẩm Giàng) cũng được tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí mỗi di tích từ 3,5 đến 4 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo.

Đồng Nai: Điện mặt trời áp mái được người dân, doanh nghiệp quan tâm

Tính đến hết tháng 9-2019, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 968 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 18MWp. Không chỉ là nguồn năng lượng sạch thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, điện năng lượng mặt trời còn giúp người dân, các nhà máy, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí về điện, kiếm được tiền từ… “mái nhà”.

Đồng Nai là khu vực được đánh giá có tiềm năng điện mặt trời lớn, với bức xạ mặt trời trung bình khoảng 1.849 kWh/m2/năm; tổng số giờ nắng trung bình là 2.445 giờ/năm. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng là một trong những địa phương có nhiều nhà máy, doanh nghiệp có sẵn hạ tầng, kết cấu mái đáp ứng tốt việc lắp đặt điện mặt trời áp mái. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh: Chọn 7 dự án giao thông làm động lực phát triển

Tỉnh Quảng Ninh đã quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án giao thông động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2020-2022.

Đó là, dự án nối đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại km6+700) đến đường tỉnh 338; dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại km20+50, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng); dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; Dự án cầu Cửa Lục 1 và dự án cầu Cửa Lục 3 kết nối thành phố Hạ Long với huyện Hoành Bồ; Dự án đường nối khu công nghiệp Cái Lân qua khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Dự án hỗ trợ giải phóng mặt bằng tuyến ven biển đoạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tổng mức vốn đầu tư cho 7 dự án trên dự kiến hơn 10.500 tỷ đồng. Việc bố trí vốn thực hiện các dự án theo kế hoạch bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách tỉnh và kế hoạch bố trí vốn hàng năm được phê duyệt. Dự kiến, thời gian và tiến độ thực hiện dự án trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com