Quảng Bình: Xây dựng đề án bảo vệ và phát triển dân tộc Chứt

07:10, 17/10/2019

UBND tỉnh Quảng Bình vừa xây dựng đề án “Bảo vệ và phát triển dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc giai đoạn 2020-2030”.

Một góc bản Dộ của tộc người Mã Liềng (dân tộc Chứt).
Một góc bản Dộ của tộc người Mã Liềng (dân tộc Chứt).

Theo đó, đề án sẽ được thực hiện ở 29 thôn, bản của ba huyện có đồng bào dân tộc Chứt sinh sống tập trung để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng dân số, trình độ dân trí, rút ngắn khoảng cách giữa đồng bào dân tộc Chứt với các dân tộc khác trên địa bàn. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Quảng Bình sẽ tăng cường truyền thông thay đổi hành vi nhằm bảo vệ và phát triển dân tộc Chứt; nâng cao năng lực hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào; hỗ trợ dinh dưỡng để nâng cao chất lượng dân số… Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 84 tỷ đồng.

Được biết, dân tộc Chứt ở Quảng Bình gồm năm tộc người là Sách, Mày, Rục, A Rem và Mã Liềng, với 1.743 hộ và 6.935 nhân khẩu.

TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị nguồn hàng và giữ bình ổn giá dịp cuối năm

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai bốn chương trình bình ổn thị trường với hàng trăm mặt hàng từ nay cho tới Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Những mặt hàng được giữ giá là những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020. “Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường bán lẻ lớn nhất trên cả nước nên là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cung ứng đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã có 239 chợ, 205 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.360 cửa hàng tiện lợi để phục vụ mọi nhu cầu mua sắm của người dân. Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn duy trì sức mua tăng trưởng ổn định nhờ phát triển được hệ thống phân phối hiện đại; các giải pháp kết nối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường được triển khai thường xuyên và hiệu quả; giá cả cung - cầu hàng hóa thiết yếu được ổn định, không tăng giá đột biến do khan hàng, thiếu hàng”, ông Nguyễn Phương Đông cho biết thêm.

Để bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán 2020, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đưa 10 nhóm hàng thiết yếu vào danh sách bình ổn giá, như: Các mặt hàng lương thực, đường, dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị… Lượng hàng bình ổn được tung ra luôn chiếm từ 30-40% nhu cầu thị trường và sẽ tăng dần vào thời điểm cận tết./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com