Thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

06:10, 23/10/2019

Ngày 23-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy, cũng như tham vấn, khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi, dự thảo Bộ luật Lao động tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung như về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, về giải quyết tranh chấp lao động và đình công; một số quy định chung; việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động; hợp đồng lao động; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; mức lương tối thiểu; Hội đồng tiền lương quốc gia; nâng lương, nâng bậc, chế độ phụ cấp, trợ cấp... Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau như mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường; nghỉ lễ, tết; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Ðiều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng, có nhiều nội dung được sửa đổi, có nhiều nội dung mới chưa có tiền lệ, có tác động nhiều mặt đến người lao động. Ðặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Quốc hội vừa có trách nhiệm cụ thể hóa các chủ trương của Ðảng, vừa bảo đảm xây dựng luật pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong nước, đồng thời bảo đảm sự thận trọng, cân nhắc nhiều mặt để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trước mắt và lâu dài.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho biết, đến nay dự án Luật vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã nêu và đề nghị Quốc hội xem xét thảo luận vừa thể hiện sự thận trọng, tích cực trong xây dựng lập pháp vừa bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cơ bán tán thành với nội dung tiếp thu giải trình

Phát biểu tại hội trường, đa số ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhất trí với bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung sửa đổi của Bộ luật. Các đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp này nhưng phải trên cơ sở thảo luận, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nhiều chiều, phải có thêm đánh giá tác động toàn diện về các nội dung của dự án Bộ luật, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Ðại biểu Trần Văn Tiến, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, bày tỏ nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động/khu vực phi chính thức. Ðiều này nhằm bảo đảm tốt các quyền an sinh xã hội, đảm bảo tính đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật, thích ứng với tính linh hoạt của thị trường lao động.

Tán thành với việc thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như trong dự thảo Bộ luật, đại biểu Võ Ðình Tín, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ðắk Nông, cho rằng chỉ nên quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc và chung nhất vào dự thảo luật, nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động theo đúng quy định tại khoản 2 Ðiều 14 Hiến pháp 2013; còn các quy định cụ thể như điều kiện, hồ sơ đăng ký thành lập tổ chức đại diện của người lao động giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, bảo đảm không tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm phức tạp tình hình quan hệ lao động.

Về mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ðắk Lắk, cho biết, theo quy định hiện hành, thời giờ lao động bình thường của người lao động Việt Nam đang ở mức cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Số giờ làm việc hiện nay của người lao động nước ta là 48 giờ/tuần, cộng thêm với thời giờ làm thêm được phép tối đa theo quy định hiện hành là 300 giờ/năm, thì tổng quỹ thời gian làm việc của người lao động lên đến 2.620 giờ/năm, trong khi ở Trung Quốc là 2.288 giờ/năm và ở Hàn Quốc là 2.246 giờ/năm. Trong khi xu hướng giảm giờ làm đang là xu hướng chung của các nước trên thế giới, trên cơ sở đầu tư phát triển phương thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, bảo đảm tăng năng suất lao động nhưng cũng duy trì sức khỏe bảo đảm khả năng lao động của người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có thời gian chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động văn hóa.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, đề nghị giữ nguyên quy định về thời giờ làm việc bình thường. Ðại biểu cho rằng nếu rút ngắn hơn nữa thời gian lao động bình thường sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Ðại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, việc giảm giờ làm trong điều kiện hiện nay không mang lại lợi ích cho người lao động, chi phí của doanh nghiệp tăng lên, giảm cạnh tranh của doanh nghiệp, doanh nghiệp buộc thu hẹp sản xuất thì ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Phát biểu tranh luận với ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Ðoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết qua lấy ý kiến của công nhân thì người công nhân không muốn làm thêm giờ mặc dù thực tế họ cần làm thêm giờ vì tiền lương, thu nhập của người công nhân không đủ để trang trải cuộc sống, nhu cầu tối thiểu.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm không tránh khỏi xúc động khi nói về thực tế cuộc sống của người công nhân, nhìn vào tâm thế của người công nhân khi đi làm và những đứa con của những người công nhân phải xa cha mẹ, phải gửi ông bà trông giữ. Ðại biểu cho rằng vai trò của Quốc hội là làm chính sách để người lao động có thu nhập đủ sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, có thời giờ giải trí, chăm sóc bản thân, gia đình và quan hệ xã hội - những quyền con người được Hiến pháp quy định.

Ðại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên dựa vào chủ yếu là sức lao động của người lao động mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Quốc hội vẫn chưa hài lòng về 2 phương án

Về quy định tuổi nghỉ hưu, trình bày Báo cáo tiếp thu giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho biếtcùng với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, vẫn có hai quan điểm: Quy định rõ lộ trình thực hiện hay chỉ quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định. Do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án quy định về tuổi nghỉ hưu.

Phương án 1 theo Chính phủ trình quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. 

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng phương án này đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tuân thủ quy định của Hiến pháp về quyền của “người làm công ăn lương”, đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể về lộ trình cho từng năm và xác định được thời điểm hoàn thành.

Tuy nhiên, việc áp dụng chung cùng một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động rất khác nhau trong thị trường lao động rất đa dạng là chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh, trình độ phát triển của ngành và nghề lao động Việt Nam, sẽ có tác động khác nhau và có thể gây ra sự phức tạp, hệ lụy cần phải được cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng, nhất là trong bối cảnh chưa tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận người lao động.   

Ủng hộ phương án này, đại biểu Nguyễn Sơn, Phó trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cần có quy định người lao động trong một số ngành nghề có thể nghỉ hưu trước và sau độ tuổi, thậm chí là 10 năm thay vì 5 năm. “Lộ trình công khai, minh bạch để người lao động biết được độ tuổi phù hợp với ngành nghề của mình. Người làm công việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại có thể nghỉ trước tuổi, đồng thời người có trình độ, làm trong lĩnh vực khác có thêm thời gian làm việc, cống hiến” - ông Nguyễn Sơn nêu ý kiến và đề nghị xây dựng danh mục chi tiết trình Quốc hội.

Phương án 2 mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.

Kể từ ngày 1-1-2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá quy định theo hướng này đảm bảo tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để Chính phủ có thời gian khảo sát, đánh giá kỹ, có bước đi điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp. Tuy nhiên, phương án này chưa xác định thời gian hoàn thành mà giao Chính phủ quy định, như vậy có thể sẽ dẫn đến phức tạp, khó khăn hơn khi thực hiện các quy định nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài đối với các trường hợp quy định trong luật và người lao động không xác định được việc mình sẽ nghỉ hưu vào thời điểm nào.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Ma Thị Thuý, Phó trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, vẫn còn nhiều băn khoăn về cả hai phương án trên. “Ðề nghị cân nhắc thận trọng các yếu tố về lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền để thiết kế linh hoạt hơn và cũng cần có đánh giá tác động rõ hơn khi quy định” - nữ đại biểu góp ý./.

PV




BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com