Đà Nẵng: 1.600 tỷ đồng dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán

08:01, 04/01/2019

Ngày 2-1, Sở Công thương Thành phố Đà Nẵng cho biết, đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa và tổ chức bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán năm 2019, dự kiến tổng kinh phí hơn 1.600 tỷ đồng.

Sở Công thương Thành phố Đà Nẵng đã làm việc, vận động 12 đơn vị sản xuất, kinh doanh phân phối, thương nhân kinh doanh tại 8 chợ lớn và hệ thống thương nhân tại các tuyến phố chuyên kinh doanh trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ phục vụ trước, trong và sau Tết. Theo đó, tổng số hàng hóa thiết yếu dự trữ của 12 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia dự trữ gồm: 255 tấn gạo, nếp các loại; 2.151 tấn thịt các loại; gần 264 tấn rau củ quả các loại; gần 2.000 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, thực phẩm khô...

TP. Đà Nẵng đã chuẩn bị một lượng hàng hóa với trị giá 1.600 tỷ đồng phục vụ Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa: KT)
TP. Đà Nẵng đã chuẩn bị một lượng hàng hóa với trị giá 1.600 tỷ đồng phục vụ Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa)

Tại 4 chợ lớn của thành phố, gồm: Chợ Cồn, Chợ Hàn, Chợ Đống Đa, Chợ Đầu mối nông sản Hòa Cường có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết ước gần 500 tỷ đồng. Riêng Chợ Đầu mối Hòa Cường vào những ngày giáp Tết, lượng rau, củ, quả dự trữ từ 700 đến 900 tấn/ngày.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã đăng ký 14 điểm bán thịt heo bình ổn giá và 4 điểm bán thịt chế biến tập trung tại các chợ. Các gian hàng sẽ tập trung bán vào 3 ngày cuối năm với giá bán được niêm yết hằng ngày và cam kết bán bằng giá xuất tại lò mổ; bảo đảm nguồn gốc, chất lượng hàng, các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm và được cân đong đúng theo quy định.

Thành phố cũng sẽ tổ chức các điểm bán hàng ưu đãi cho công nhân tại các khu công nghiệp và đồng bào hai xã miền núi Hòa Bắc và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang). Các mặt hàng bao gồm: nhóm nước uống, bánh kẹo các loại, gia vị, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, hàng may mặc, hàng điện lạnh, gia dụng...

Sở Công thương bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Thái Nguyên: Đẩy mạnh phát triển kinh tế

Năm 2019, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11% so năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, thu nhập bình quân đạt 83 triệu đồng/người. Tỉnh phấn đấu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 15 nghìn tỷ đồng (năm 2018 đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng), tạo việc làm mới cho 15 nghìn lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,8%...

Để đạt các chỉ tiêu này, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, các công trình cấp thiết đang được triển khai, khẩn trương hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.

Đồng thời tích cực thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; thu hút mạnh đầu tư ngoài Nhà nước vào phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch, thương mại, đô thị, trọng tâm là phát triển Khu du lịch hồ Núi Cốc, khu đô thị hai bờ Sông Cầu, khu công nghiệp Sông Công II; đường Bắc Sơn kéo dài, đường vành đai V Thủ đô Hà Nội...

Tỉnh sẽ nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai, không triển khai hoặc triển khai thực hiện không đúng mục đích đã đăng ký. Cùng với việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng các sản phẩm chủ lực để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Tiền Giang: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Từ năm 2004 đến năm 2018, tỉnh Tiền Giang đã đưa 2.086 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhằm khuyến khích người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng đến năm 2020, tổng kinh phí hỗ trợ là 71,2 tỷ đồng từ các nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn địa phương và các nguồn khác…

Trong đó, tỉnh dự kiến hỗ trợ, giúp đỡ 900 lao động đi làm việc nước ngoài, bình quân mỗi năm là 300 lao động. Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả những giải pháp để người lao động tiếp cận được đề án, phát huy tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, có hiệu quả bền vững trong việc giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Qua việc triển khai Đề án, chất lượng nguồn lao động trên địa bàn sẽ được nâng lên cả về kỹ năng nghề, ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới./.

Theo vov.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com