Phú Thọ: Chấm dứt dự án tỷ USD

08:12, 07/12/2018

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ vừa ký Quyết định số 3206/QĐ-UBND về việc dừng Dự án Khu đô thị sinh thái Du lịch nghỉ dưỡng Thể thao (Dream City) tại huyện Tam Nông. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, do Công ty cổ phần thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân làm chủ đầu tư.

Dự án Dream City với tổng vốn đầu tư vào khoảng 1,5 tỷ USD, diện tích 2.050ha, thuộc địa bàn chín xã của huyện Tam Nông. Dự án được UBND tỉnh Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 28-1-2010.

Phối cảnh dự án Dream City đã bị yêu cầu thu hồi
Phối cảnh dự án Dream City đã bị yêu cầu thu hồi.

Theo quy hoạch, dự án gồm khu phức hợp đô thị, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí theo tiêu chuẩn cao cấp quốc tế với tiêu chí “không gian xanh mơ ước”. Trong đó, có một sân gofl 336ha, hai khu biệt thự cao cấp rộng 560ha, khu Resort 350ha, trung tâm đô thị chiếm 152ha, khu công viên vui chơi chiếm 105ha, khu phức hợp thể thao chiếm 146ha, Casino chiếm 10ha, trường đua ngựa chiếm 144ha...

Ngay khi có chủ trương, quy hoạch chi tiết dự án được công bố một cách rộng rãi, hoành tráng để nói về sự quy mô của dự án. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng ban đầu, dự án dần lộ rõ việc năng lực của chủ đầu tư quá yếu.

Đến nay, dự án chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng được diện tích rất nhỏ với số tiền chỉ vài chục tỷ đồng. Những diện tích đất đã giải phóng mặt bằng chỉ để cỏ dại mọc hoang hóa, hay để người dân tận dụng để trồng thêm cây lúa, hoa màu, chăn thả gia súc, gia cầm.

Hà Nam: Thành phố Phủ Lý được công nhận là đô thị loại II

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1678/QĐ-TTg ngày 4-12-2018 công nhận Thành phố Phủ Lý là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam.

Trong những năm gần đây, Phủ Lý đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 16,61%/năm; thu nhập bình quân/người của thành phố đạt 59,10 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố năm 2017 đạt 1.041,285 tỷ đồng.

Bước đột phá trong cải cách hành chính của Thành phố Phủ Lý là việc thành lập Trung tâm hành chính công thành phố (đi vào hoạt động từ tháng 7-2017). Với việc thành lập Trung tâm hành chính công, thành phố đã tạo lập được một môi trường làm việc thống nhất, hiện đại để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.

Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng tổ chức chính quyền các cấp bảo đảm đúng pháp luật, công khai, dân chủ…

Việc công nhận Thành phố Phủ Lý là đô thị loại II có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, nông lâm nghiệp, thủy sản đầy tiềm năng của Thành phố Phủ Lý, cũng như thúc đẩy việc đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị.

Lào Cai: Diễn tập phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Sáng 5-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Lào Cai tổ chức diễn tập tình huống giả định dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Lào Cai, thao dượt các biện pháp ứng phó khẩn cấp nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả dịch này khi xảy ra ở nước ta.

Tình huống giả định được đặt ra là phát hiện ổ dịch xảy ra trong nội địa, từ đó các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp, như: báo cáo tình hình dịch, lấy mẫu, khoanh vùng, tiêu hủy lợn mắc bệnh; tiếp đó, tổng vệ sinh bằng tiêu độc khử trùng, thiết lập vùng dịch, vùng đệm; kiểm soát giết mổ, cấm vận chuyển lợn từ vùng dịch đến các nơi khác… Việc diễn tập nhằm nâng cao ý thức và kỹ năng, quy trình thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp để phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi trong thực tế. Qua đó, tuyên truyền tới người dân về mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi và cách phòng, chống đạt kết quả cao nhất.

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại Trung Quốc, với 83 ổ dịch thuộc 22 tỉnh, thành phố, làm 570 nghìn con lợn bị chết. Ổ dịch gần nhất cách nước ta khoảng 150km, nguy cơ xâm nhập vào nội địa rất cao.

Với tổng đàn lợn lên đến 37 triệu con của Việt Nam hiện nay, nếu để dịch bệnh xâm nhập, thiệt hại sẽ rất khó lường đối với người chăn nuôi và nền kinh tế đất nước. Vì vậy, người chăn nuôi và cơ quan chức năng cần tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật; nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Giám sát chặt chẽ, không để lây nhiễm qua đường biên giới. Triển khai vệ sinh, khử trùng tiêu độc các khu vực chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi giám sát đàn lợn tại gia đình và trang trại./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com