Lạng Sơn: Cần chú trọng phát triển kinh tế biên mậu

08:10, 17/10/2018

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn.

Thông báo kết luận nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm 2018, kinh tế tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát triển, đặc biệt về thương mại, dịch vụ. Khách du lịch tăng 10,5%, doanh thu du lịch tăng 9,1%.

Tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn là tỉnh nghèo, quy mô kinh tế thuộc nhóm cuối vùng; kết cấu hạ tầng thiếu và yếu, cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ còn nhỏ; nông nghiệp vẫn theo tập quán sản xuất nhỏ. Cơ cấu thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu. Môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp; chưa phát huy được nhiều tiềm năng lợi thế, nhất là kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Lạng Sơn cần chú trọng phát triển kinh tế biên mậu gắn với phát triển thương mại, logistics...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Lạng Sơn cần chú trọng phát triển kinh tế biên mậu gắn với phát triển thương mại, logistics...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Lạng Sơn cần chú trọng phát triển kinh tế biên mậu gắn với phát triển thương mại, du lịch, logistics và nông, lâm nghiệp của miền núi, vùng cao, vùng nông thôn. Phát triển dịch vụ thương mại biên giới, dịch vụ logistics, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua các cửa khẩu chính ngạch. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển một số sản phẩm nổi tiếng của địa phương (na, hồng, quýt, dược liệu quý...) trở thành các vùng chuyên canh mang lại giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng thương hiệu chất lượng, uy tín cho nông sản Lạng Sơn.

Bên cạnh đó xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư để huy động vốn triển khai các công trình trọng điểm; đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, liên vùng kết nối với cửa khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Hà Nội: Hà Nội - Phần Lan thúc đẩy hợp tác xây dựng Thành phố thông minh

Vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tiếp ông Mi-ca Lin-ti-la, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Cộng hòa Phần Lan nhằm tìm hiểu, trao đổi trong các lĩnh vực hợp tác xây dựng thành phố thông minh.

Ông Mi-ca Lin-ti-la cho biết, Phần Lan có nhiều Cty có năng lực và công nghệ trong các lĩnh vực hạ tầng cơ sở viễn thông, năng lượng cũng như xử lý chất thải… Các công nghệ này sẽ phù hợp với định hướng phát triển của Hà Nội trong thời gian tới. Đồng thời khẳng định, Phần Lan và Hà Nội cũng như Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển thành phố thông minh cũng như nền kinh tế tuần hoàn.

Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội đã lập ra Ban Chỉ đạo để thực hiện số hóa các dữ liệu cũng như xây dựng thành phố thông minh do Chủ tịch Thành phố Hà Nội làm Trưởng ban, trong đó có nhóm công việc ứng dụng CNTT phục vụ cho việc đưa ra các giải pháp chống biến đổi khí hậu của Thủ đô Hà Nội cũng như của thành phố gắn với cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh số hóa tất cả các dữ liệu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực đời sống của thành phố. Trong đó ưu tiên xây dựng dữ liệu dân cư, đất đai, thủ tục hành chính, xây dựng hồ sơ điện tử khám sức khỏe cho người dân, quản lý sổ học bạ cho học sinh… Đồng thời đẩy mạnh việc phát triển và ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo trong quản lý và xây dựng hệ thống dịch vụ công của thành phố để phục vụ cho người dân ở các quận, huyện đến xã, phường trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống quản lý giao thông theo hướng giao thông thông minh; hệ thống tích hợp tất cả dữ liệu y tế trên địa bàn cũng như của Trung ương trên địa bàn; xây dựng hệ thống quan trắc đánh giá chất lượng ô nhiễm không khí, ao hồ; xây dựng chiến lược phát triển các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố…

Hà Nội xác định các đối tác đến từ châu Âu cũng như Phần Lan có nhiều thế mạnh về CNTT, viễn thông, đặc biệt các lĩnh vực trong xây dựng thành phố thông minh; lĩnh vực phục vụ cho xử lý ô nhiễm môi trường; giải pháp tiết kiệm năng lượng điện,… và sẵn sàng hợp tác trong các lĩnh vực xây dựng Thành phố thông minh.

TP Hồ Chí Minh: Đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng xây 3 bệnh viện cửa ngõ

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mới 3 bệnh viện cửa ngõ của thành phố là Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Tổng mức đầu tư 3 bệnh viện này là hơn 5.600 tỷ đồng từ ngân sách của thành phố.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, đây là những dự án thuộc nhóm A, loại công trình dân dụng lĩnh vực y tế cấp 1 quy mô 1.000 giường với mục tiêu xây dựng mới cơ sở y tế hiện đại, đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á. Ba bệnh viện cửa ngõ này nằm trong 6 dự án trọng điểm thuộc đề án quy hoạch ngành Y tế từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Xây dựng, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan sẽ trình duyệt Thường trực HĐND trước ngày 31-10 tới để dự án được bố trí vốn vào năm 2019./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com