Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận các dự án Luật Giáo dục và Luật Trồng trọt

07:08, 10/08/2018

Tiếp tục phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chiều 8-8, tại nhà Quốc hội UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Mở đầu phiên họp, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo một số vấn đề xin ý kiến UBTVQH về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đó là các vấn đề về phổ cập giáo dục, về giáo dục phổ thông (GDPT) trong đó có vấn đề thi tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp, thời gian học tập của học sinh phổ thông; vấn đề về phát triển đội ngũ nhà giáo, đầu tư, tài chính trong giáo dục…

Về phổ cập giáo dục, dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm phổ cập giáo dục; tiếp tục quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập bắt buộc giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS; bổ sung chính sách miễn học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục công lập, hỗ trợ học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục ngoài công lập, thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Về vấn đề thi tốt nghiệp THPT, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết hiện có 2 loại ý kiến: Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế.

Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.

Thảo luận về vấn đề này, Tổng Thư ký của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, đây là vấn đề rộng và liên quan đến rất nhiều đối tượng khác nhau cho nên việc quyết định theo phương án nào phải hết sức thận trọng, nhất là kỳ thi THPT vừa qua để lại rất nhiều vấn đề. Trước mắt cần lấy ý kiến rộng rãi của cử tri trong cả nước thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, ý kiến của các đại biểu, chuyên gia…

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu nên cân nhắc khi chọn thi theo phương án nào, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng bày tỏ băn khoăn, đặt vấn đề “nếu không tổ chức thi THPT thì Bộ Giáo dục liệu có đảm bảo việc dạy và học có đảm bảo chất lượng hay không”? Trưởng Ban Dân nguyện bày tỏ nghiêng về phương án một, tuy nhiên khâu tổ chức thi, cơ sở vật chất và ngân hàng đề thi cần phải đảm bảo. Trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh, theo ý kiến của cử tri đề xuất phương án thứ 3, đó là vẫn tiến hành tổ chức 2 kỳ thi riêng biệt và các trường đại học tự chủ thi và lấy điểm như trước đây.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đổi mới là cần thiết nhưng cần có sự ổn định và bền vững. Về vấn đề thi THPT cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi, lùi thời gian thông qua Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp thứ 7 “Kỳ họp thứ 6 tới vẫn tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến”.  Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là Dự án Luật sửa đổi toàn diện nên giao Chính phủ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân dưới mọi hình thức.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã kịp thời bổ sung sửa đổi toàn diện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); đề nghị ban soạn thảo tiếp tục tổng hợp ý kiến, tiếp thu hoàn thiện báo cáo với tinh thần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật và có tính khả thi cao. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định thực tiễn diễn ra có nhiều vấn đề cần quan tâm để sửa đổi Luật này, qua đó vừa tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, kế thừa phát huy những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, vừa phải đổi mới toàn diện căn bản, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, đồng thời cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ và lâu dài để phát triển giáo dục Việt Nam trong tương lai.

Sáng 9-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Trồng trọt. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trồng trọt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường (KH, CN và MT) Phan Xuân Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Trồng trọt. Sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KH, CN và MT, Bộ NN và PTNT - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Trồng trọt, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật.

Tiếp thu, chỉnh lý một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Trồng trọt, cụ thể vấn đề quản lý giống cây trồng, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT Phan Xuân Dũng cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH trong kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự thảo Luật đã quy định rõ yêu cầu quản lý đối với giống cây trồng chính; điều kiện cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính; bỏ quy định về thành lập Hội đồng tư vấn giống cây trồng. Đồng thời, dự thảo Luật cũng giao cho Chính phủ quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban KH, CN và MT thấy rằng, quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đối với cây trồng chính là để giống cây trồng đó được lưu hành trên thị trường, còn cấp Bằng bảo hộ là để bảo hộ quyền tác giả và quyền của chủ bằng bảo hộ đối với giống cây trồng đó. Tuy nhiên, điều kiện cấp 2 văn bản trên đều do Bộ NN và PTNT thực hiện và có nhiều nội dung trùng nhau. Vì vậy, trong dự thảo Luật quy định việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đồng thời với cấp bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng chính nếu tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị để giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính và thể hiện như tại khoản 4 Điều 13 của dự thảo Luật. Đồng thời dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thời hạn của quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng chính là 7 năm đối với cây hằng năm, là 15 năm đối với cây lâu năm để bảo đảm duy trì chất lượng giống.

Về vùng địa lý công nhận lưu hành giống cây trồng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, do tính đặc thù của giống khác với hàng hóa thông thường nên nhiều chỉ tiêu giống cây trồng khó có thể quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật được và rất khó hậu kiểm. Để tránh gây lãng phí cho tổ chức, cá nhân khi chỉ muốn đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng ở một vùng sản xuất hẹp mà phải thực hiện khảo nghiệm ở nhiều địa điểm trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, dự thảo Luật không quy định về phân chia cụ thể số vùng khảo nghiệm mà chỉ quy định về phân vùng khảo nghiệm là một nội dung trong tiêu chuẩn quốc gia để phù hợp với đặc tính từng loại giống.

Về phí cấp và duy trì Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng và phí bình tuyển và công nhận vườn cây đầu dòng, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT nêu rõ, một trong những đổi mới quan trọng của dự thảo Luật Trồng trọt đối với công tác giống là chuyển đổi việc từ quản lý Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh sang quản lý giống cây trồng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Theo đó, dự thảo Luật quy định theo hướng: quản lý chặt chẽ đối với giống cây trồng thuộc Danh mục loài cây trồng chính thông qua việc cấp Quyết định công nhận lưu hành, cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách; đối với cây trồng khác thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đối với giống cây trồng chính phải được khảo nghiệm trước khi được cấp Quyết định công nhận lưu hành. Do vậy, cần có nguồn kinh phí cho việc thẩm định cấp quyết định công nhận lưu hành và lưu mẫu giống cây trồng. Dự kiến nguồn kinh phí này được lấy từ nguồn phí thẩm định và duy trì cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng công nhận giống nộp. Nguồn kinh phí này cũng tương tự như phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ giống cây trồng đang thực hiện, được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Phí và lệ phí. Đây là vấn đề mới nên chưa được quy định trong Luật Phí và lệ phí. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH, CN và MT đề nghị UBTVQH được bổ sung nguồn phí này vào Danh mục thu phí thuộc Luật Phí và lệ phí; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký công nhận giống phải nộp phí.

Đối với phí bình tuyển vườn cây đầu dòng, theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, dự thảo Luật quy định việc công nhận vườn cây đầu để quản lý chất lượng vật liệu nhân giống vô tính đối với cây trồng lâu năm, tạo thuận lợi cho sản xuất, mua bán giống quy mô lớn. Tuy nhiên, trong Luật Phí và lệ phí chỉ quy định về phí bình tuyển công nhận cây đầu dòng, chưa có quy định về thu phí này. Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH, CN và MT đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung quy định về phí bình tuyển vườn cây đầu dòng trong Danh mục thu phí theo Luật Phí và lệ phí, đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng phải nộp phí.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đánh giá cao Ủy ban KH, CN và MT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN và PTNT để làm tốt việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật; đề nghị ngoài những vấn đề lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban KH, CN và MT, Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý nhiều vấn đề về bố cục, kỹ thuật văn bản, nội dung cụ thể các điều, khoản, giải thích từ ngữ rõ nghĩa, tránh mơ hồ khi áp dụng vào thực tiễn.

Cho ý kiến vào nội dung cụ thể, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Cơ quan soạn thảo khẳng định rõ, việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính có cần thiết hay không? Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, việc thêm quy định này sẽ đẻ thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho các đối tượng tác động của Luật, nhất là người nông dân. Hơn nữa, đối với những sản phẩm tốt, lâu đời đã được thị trường khẳng định trong nhiều năm qua như cây vải, cây nhãn, cây chè tuyết… thì không cần thiết phải có Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ ra rằng, dự thảo Luật quy định việc công nhận vườn cây đầu dòng để quản lý chất lượng vật liệu nhân giống vô tính đối với cây trồng lâu năm, tuy nhiên, trong Luật Phí và lệ phí chỉ quy định về phí bình tuyển công nhận cây đầu dòng, chưa có quy định về thu phí này. Do đó đề nghị cần rà soát kỹ các quy định giữa dự thảo Luật này với Luật Phí và lệ phí để tránh mâu thuẫn trong hệ thống các quy định pháp luật.

Chiều 9-8, UBTVQH nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com