Quảng Nam: Thiếu 1.240 giáo viên trong năm học 2018-2019

07:07, 17/07/2018

Theo rà soát của UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh còn thiếu 1.240 giáo viên ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong năm học mới 2018-2019.

Cụ thể, cấp học mầm non tỉnh Quảng Nam thiếu 391 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 573 giáo viên và cấp THCS thiếu 276 giáo viên. Những địa phương thiếu nhiều giáo viên như: Huyện Thăng Bình thiếu 164 giáo viên, huyện Ðại Lộc thiếu 153 giáo viên, huyện Duy Xuyên thiếu 122 giáo viên... Nguyên nhân của tình trạng này do số lượng giáo viên nghỉ hưu đúng tuổi và xin nghỉ hưu trước tuổi tăng; một số giáo viên chuyển đơn vị công tác; số lượng giáo viên dạy hợp đồng sau khi tham gia thi tuyển viên chức giáo dục không đậu đã xin nghỉ việc... Trong năm 2017, Quảng Nam tổ chức hai đợt thi tuyển viên chức giáo dục ở bậc học mầm non, tiểu học và THCS nhưng chưa đáp ứng đủ số lượng nhu cầu. Ðợt 1 vào tháng 2-2017, chỉ có 304 thí sinh đậu và đợt 2 diễn ra vào tháng 12-2017, có 1.011 thí sinh đậu.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, tổng số biên chế ngành GD và ÐT của tỉnh là 24.817 biên chế, trong đó các huyện, thị xã, thành phố đang sử dụng 22.141 biên chế, nhưng hầu hết các địa phương vẫn chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế giáo viên được tỉnh phân bổ. Hiện nay, các địa phương của Quảng Nam đang “lúng túng” trong việc sắp xếp lại hệ thống các trường học theo tinh thần của Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và đang đợi Bộ GD và ÐT triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều sự thay đổi về cơ cấu môn học. Vì vậy, Quảng Nam chưa thể khảo sát được tổng quan số lượng giáo viên sẽ thiếu trong thực tế để có phương án thi tuyển giáo viên.

TP Hồ Chí Minh: Gần 386 nghìn cuốn sách được bán ra tại Ðường sách

Ông Lê Hoàng, Giám đốc Cty Ðường sách Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị tại đường sách thành phố đã bán được gần 386 nghìn cuốn sách với trên 26 nghìn tựa, thu về gần 20 tỷ đồng.

Theo nhận xét của ông Lê Hoàng, tới thời điểm này, đường sách thành phố vẫn là đường sách thành công nhất cả nước ở nhiều phương diện, đặc biệt, đã được 3 dấu ấn quan trọng. Ðầu tiên là việc xây dựng nên một không gian văn hóa. Từ một con đường khá vắng, nay đã trở thành một không gian tràn ngập các hoạt động văn hóa, nhất là với sách.

Thứ hai là tạo thành một điểm đến yêu thích không chỉ của người dân thành phố mà với cả du khách. Hiện Ðường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã nằm trong danh mục những địa điểm phải đến khi ghé thăm Thành phố Hồ Chí Minh và được xem là một trong các địa chỉ văn hóa quan trọng của thành phố. Và cuối cùng là việc xây dựng nên một thương hiệu văn hóa, nơi được nghĩ đến đầu tiên với những ai muốn tham dự hay tổ chức một sự kiện văn hóa, nhất là nếu có liên quan đến sách. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 11 cuộc trưng bày triển lãm, 8 đợt hoạt động chủ đề và 386 nghìn cuốn sách được bán ra tại đường sách Thành phố Hồ Chí Minh với doanh thu gần 20 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với 6 tháng đầu năm 2017. 

Sắp tới, Ðường sách Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chú trọng đến phát triển không gian đọc sách và đọc sách miễn phí; hình thành và tăng cường thêm những không gian, nơi dừng chân đọc sách, các bục, ghế, tạo thuận lợi cho mọi người có chỗ đọc sách tự nhiên, khuyến khích mọi người đến đường sách tìm và đọc nhiều sách hơn. Ðường sách sẽ tiếp tục tập trung vào chủ đề về chính trị, văn hóa liên quan đến các ngày kỷ niệm của đất nước, của thành phố, trong đó, nhấn mạnh các hoạt động văn hóa đọc dành cho trẻ em, các em nhỏ có hoàn cảnh cơ nhỡ, kém may mắn, cũng như tạo điểm đến thân thiện, hấp dẫn trong mắt du khách nước ngoài./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com