Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018

07:04, 24/04/2018

Ngày 23-4-2018, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất các ngành hàng xuất khẩu. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các đơn vị liên quan của tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả khả quan theo đúng lộ trình kế hoạch giai đoạn 2011-2020. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của nước ta vượt mức 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Trong đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 155,1 tỷ USD (bao gồm cả xuất khẩu dầu thô), tăng 22,8% so với năm 2016, chiếm 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khối doanh nghiệp trong nước đạt 59 tỷ USD, tăng 17,1%. Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được nhiều kết quả tích cực theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, cơ cấu thị trường tốt, đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp. Có 28 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 7 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD; các doanh nghiệp xuất khẩu đã tranh thủ tốt cơ hội hội nhập. Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Bên cạnh những ưu điểm, xuất khẩu cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như: Cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu dựa vào nhóm hàng điện tử; xuất khẩu vẫn dựa chủ yếu vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; mức độ đa dạng hóa thị trường và đa dạng sản phẩm của một số mặt hàng nông, thủy sản chưa cao; một số chính sách xuất khẩu chưa hợp lý và chi phí của nền kinh tế còn cao làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Trước những thuận lợi, khó khăn đó, tình hình xuất khẩu năm 2018 diễn ra với rất nhiều cơ hội và thách thức. Để thực hiện tốt mục tiêu xuất khẩu năm 2018 và những năm tiếp theo, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu được đưa ra gồm 3 nhóm chính: nhóm giải pháp tác động vào phía cung nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng; nhóm giải pháp tác động vào phía cầu để mở cửa, phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định và nhóm các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu. Trong đó, nhóm giải pháp hỗ trợ hoạt động xuất khẩu được đề cập với các biện pháp cụ thể như cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu và thanh toán tín dụng, đảm bảo nguồn vốn phục vụ xuất khẩu. Tại hội nghị, các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao đã thảo luận, kiến nghị với Chính phủ một số vấn đề thúc đẩy xuất khẩu năm 2018.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương kết quả hoạt động xuất khẩu đạt được trong năm qua và nhấn mạnh, việc cụ thể hóa các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu theo đặc thù của các địa phương, đơn vị và các ngành hàng trong năm 2018 là đặc biệt quan trọng, thực hiện mục tiêu tổng quát là: Kim ngạch xuất khẩu tăng 20%, đảm bảo cân đối xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu. Do đó, để thực hiện được các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển xuất khẩu năm 2018, các ngành, các địa phương, đơn vị phải xây dựng chiến lược xuất khẩu cho phù hợp với năng lực, thị trường và xu hướng hợp tác quốc tế, tiến tới xây dựng các sản phẩm xuất khẩu chiến lược. Trên cơ sở đó, các ngành, các địa phương, đơn vị ngoài việc tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ cần phải thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp về chính sách thuế; xây dựng hệ thống Logictis; giảm các chi phí bất hợp lý, không chính thức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo vượt qua các hàng rào kỹ thuật thương mại; nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất để tránh dư thừa sản phẩm; phát huy vai trò của ngành hàng trong hỗ trợ xuất khẩu; thâm nhập vào kênh phân phối của các thị trường bán lẻ lớn trên thế giới. Chủ động trong hội nhập quốc tế, phát triển đa dạng thị trường, trước hết là thị trường Bắc Á, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN. Gia tăng chất lượng hàng hóa để nâng cao tính cạnh tranh và đa dạng mặt hàng để tạo thêm cơ hội xuất khẩu. Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với sản xuất nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành để đáp ứng yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm và hướng đến xuất khẩu sản phẩm chế biến sau thu hoạch, gắn sản xuất với phát triển thị trường. Đối với sản xuất công nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chính như dệt may, da giày để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Các ngành hàng phải có giải pháp cho từng thị trường xuất khẩu riêng biệt và mở rộng ra các thị trường tiềm năng. Đồng thời thay đổi căn bản việc xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm sản xuất trong nước ra nước ngoài. Các địa phương quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện về đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng, dịch vụ Logictis... tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu phát triển./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com