Hà Nội: Khuyến khích tư nhân phát triển wifi công cộng

08:08, 23/08/2017

Sở TT và TT Hà Nội vừa có công văn hướng dẫn hồ sơ kỹ thuật triển khai lắp đặt wifi công cộng theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn Thủ đô.

Đây là một trong những biện pháp đẩy nhanh tiến độ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia triển khai phát triển hệ thống wifi công cộng tại các khu vực hành chính công, các cụm, điểm du lịch - văn hóa, nhà ga, công viên, khu công nghiệp… nhằm nâng cao chất lượng đời sống, phục vụ hành chính điện tử.

Bên cạnh đó, việc này còn giúp người dân tiếp cận những thông tin về văn hóa, du lịch, kinh tế của Thành phố Hà Nội.

Cụ thể, các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, công nghệ đều có thể tham gia vào việc phát triển hệ thống wifi công cộng trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, Hà Nội sẽ ưu tiên các đơn vị phát triển hệ thống wifi công cộng cho phép người dùng sử dụng mạng internet miễn phí không hạn chế dung lượng, số lần đăng nhập hệ thống và thuận lợi trong khai thác và sử dụng.

Hà Giang: Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo hướng phát triển bền vững, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 1534/QĐ-UBND về “Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, việc quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước của Hà Giang nhằm bảo vệ nguồn sinh thủy, trong đó có bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ các hồ, đập; bảo vệ miền cấp nước dưới mặt đất; đến năm 2025 bảo vệ 9 khu vực miền cấp cho nước dưới mặt đất với diện tích 857,5 km2. Đến năm 2030 đảm bảo duy trì 9 khu vực miền cấp nước dưới mặt đất và bảo vệ các khu vực còn lại.

Phòng ngừa suy thoái cạn kiệt nguồn nước dưới mặt đất, đến năm 2025 đảm bảo mực nước dưới đất không vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép đến chiều sâu mực nước so với mặt đất tại Thành phố Hà Giang 34,6m, tại Thị trấn Đồng Văn 38,26m; đến năm 2030 kiểm soát tình trạng khai thác nước dưới đất tại các khu vực bổ sung công trình khai thác nước lớn.

Đối với công tác bảo vệ chất lượng nước mặt, đến năm 2025 đảm bảo xử lý 80% tổng lượng nước thải (74,56 triệu m3/năm) trước khi đổ ra sông, suối. Kiểm soát chặt chẽ các sông, suối có chất lượng nước đang bị ô nhiễm; đến năm 2030 đảm bảo xử lý 90% lượng nước thải (75,78 triệu m3/năm) trước khi đổ ra sông, suối; tiếp tục duy trì chất lượng nước các sông, suối có chất lượng nước tương đối tốt.

Bảo vệ chất lượng các tầng chứa nước, đến năm 2025 xây dựng các công trình xử lý nước dưới đất trước khi đưa vào sử dụng tại những khu vực ô nhiễm chất lượng nước dưới đất. Hạn chế và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất tại những khu vực tập trung khai thác nước dưới đất. Xây dựng mạng lưới giám sát chất lượng nước trong quá trình khai thác; đến năm 2030 duy trì chất lượng nước dưới đất tại các khu vực nêu trên và bảo vệ các tầng chứa nước có chất lượng nước tốt./.

Theo dangcongsan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com