Hà Nội: Thành lập nhiều cụm công nghiệp

08:07, 19/07/2017

UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập các CCN tại huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Đông Anh, Thạch Thất, Chương Mỹ.

Cụ thể, CCN Ngọc Liệp (xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai), do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai làm chủ đầu tư, có quy mô 37,78ha... CCN Đắc Sở (xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư, có quy mô 6,28ha... CCN Liên Hà (xã Liên Hà, huyện Đông Anh), do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh làm chủ đầu tư, có quy mô 2,8ha... CCN đồ mộc dân dụng Phùng Xá (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất), có quy mô 4,2ha.

Tại huyện Chương Mỹ, CCN Đông Sơn (xã Đông Sơn) có quy mô 4,8ha. CCN Đại Yên (xã Đại Yên) có quy mô 1,4ha. CCN Phụng Châu (xã Phụng Châu) quy mô 4,5ha...

Thừa Thiên Huế: Thực hiện hiệu quả công tác khuyến công

Xác định công tác khuyến công có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai, thực hiện hiệu quả nhiều chương trình khuyến công, góp phần kích cầu đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao tay nghề, khôi phục và phát triển một số ngành nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Để hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở trong khu vực làng nghề và nghề truyền thống duy trì và phát triển, hằng năm, Trung tâm Khuyến công tỉnh Thừa Thiên Huế cũng dành nguồn kinh phí hỗ trợ đáng kể cho các làng nghề truyền thống ở những vùng khó khăn, nhất là các sản phẩm nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đầu năm 2017, Trung tâm đã hỗ trợ 45 triệu đồng để tổ chức đào tạo nghề sản xuất dệt thổ cẩm cho 30 lao động của HTX Dệt may thổ cẩm A Đớt (huyện A Lưới) trong thời gian đào tạo kéo dài 3 tháng.

Theo Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2012 đến nay, đã có 92 đề án khuyến công được triển khai, tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ khí, vật liệu không nung, ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống với tổng kinh phí khuyến công trên 14,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương gần 10 tỷ đồng. Thời gian qua, chương trình khuyến công của tỉnh đã mang lại cơ hội đầu tư và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đồng thời đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động và thiết kế nhiều mẫu quà tặng, hàng lưu niệm mới. Sự hỗ trợ này góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

TP Hồ Chí Minh: Tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng dịp 27-7

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu cho biết, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017), Thành phố Hồ Chí Minh tặng 280 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, mỗi mẹ 2 triệu đồng (tăng 500 nghìn đồng so với cùng dịp năm 2016).

2 triệu đồng cũng là mức quà tặng cao nhất (mức 1) trong 3 mức quà của Thành phố Hồ Chí Minh tặng các đối tượng chính sách trong dịp 27-7. Cùng nhận mức quà cao nhất này còn có 313 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh B, bệnh binh nặng đặc biệt; người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Dịp này, thành phố trao tặng 1 triệu đồng (mức 2) cho 989 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh B nặng 1/4, bệnh binh nặng 1/3, bố - mẹ - vợ liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ hưởng trợ cấp định suất nuôi dưỡng; thân nhân 2 liệt sĩ trở lên. Mức 3 trị giá 500 nghìn đồng/người, thành phố tặng hơn 77 nghìn thương binh nhẹ, thân nhân chủ yếu của 1 liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ và thờ cúng Mẹ Việt Nam Anh hùng, người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có tổng số hơn 271 nghìn người có công và thân nhân hưởng chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Như vậy, trong dịp 27-7, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 78.500 người (trong tổng số hơn 271 nghìn người) được nhận quà tặng, thuộc nhóm đối tượng: Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Tổng kinh phí tổ chức kỷ niệm dịp 27-7 của Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 42 tỷ đồng, tăng gần 4 tỷ đồng so với năm 2016./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com