Vai trò và cống hiến của đồng chí Trường Chinh trong lãnh đạo giữ vững thành quả của cách mạng Tháng Tám (1945-1946) (kỳ 4)

06:12, 09/12/2021

PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc

(Tiếp theo)

Trong bài Hãy gấp rút chuẩn bị mở Quốc hội, đồng chí Trường Chinh nêu rõ: "Việc sửa soạn mở Quốc hội không phải là việc riêng của đại biểu. Nó phải là việc chung của cả dân tộc. Vậy các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân hãy cùng các đại biểu mở những cuộc khai hội thảo luận lấy ý kiến chung trao cho các đại biểu mang lên Quốc hội. Các vị đại biểu thu nhận những bản dân nguyện hãy xếp dọn những ý kiến trong đó vào từng vấn đề để cho công việc thảo luận và giải quyết của Quốc hội được mau chóng và hợp lý".

Quan điểm về xây dựng chính thể dân chủ cộng hòa, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân đã được xác định rõ và quyết tâm chỉ đạo ngay từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên. Đó cũng là quan điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đứng đầu Nhà nước - nhiều lần nhấn mạnh và chỉ đạo thực hiện. Ngày 6-1-1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I gồm 333 đại biểu do cử tri cả nước bầu ra. Thực hiện sách lược hòa với Tưởng, Quốc hội đã mở rộng thêm 70 ghế để đại diện Việt Quốc, Việt Cách tham gia. Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp kỳ đầu tiên, thành lập Chính phủ chính thức do Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngày 9-11-1946, kỳ họp thứ hai của Quốc hội đã thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hệ thống chính quyền địa phương được xây dựng và củng cố. Toàn bộ quá trình lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng, củng cố, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cách mạng có sự đóng góp to lớn có tầm chiến lược của Tổng Bí thư Trường Chinh. Điều đó đã khẳng định vững chắc cơ sở thực tế và pháp lý của chính quyền nhà nước cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt tại Chiến khu Việt Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt tại Chiến khu Việt Bắc.

Sau khi ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, quân Pháp ra miền Bắc, một nguy cơ xuất hiện là quân Pháp có thể vi phạm Hiệp định, xâm phạm độc lập, chủ quyền hoặc sử dụng thế lực tay sai để hoạt động lật đổ. Một thách thức khác là các thế lực phản động lợi dụng tinh thần yêu nước của nhân dân ra sức xuyên tạc, vu khống với luận điệu Chính phủ Việt Nam và Hồ Chí Minh đã theo Pháp, bán nước cho Pháp. Điều đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải tỉnh táo, cảnh giác, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để toàn dân hiểu rõ chủ trương của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, không mắc vào âm mưu chia rẽ của địch. Trong thời gian này, đồng chí Trường Chinh đã viết nhiều bài quan trọng như: Tiếp tục chuẩn bị đối phó với mọi sự bất trắc, báo Sự thật, số 26, ngày 14-3-1946; Hãy bình tĩnh nhận định tình hình và tránh những hành động khiêu khích, báo Sự thật, số 25, ngày 10-3-1946; Luôn luôn chuẩn bị nhưng tránh khiêu khích, báo Sự thật, số 36, ngày 1-6-1946. Đó là những chỉ đạo rất quan trọng và kịp thời của Tổng Bí thư Trường Chinh, bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng và toàn dân hướng vào mục tiêu giữ vững độc lập và chính quyền nhưng phải hết sức mềm dẻo, khôn khéo và tỉnh táo.

Tổng Bí thư Trường Chinh chú trọng lãnh đạo xây dựng, củng cố chính quyền, đồng thời đặc biệt coi trọng nhiệm vụ bảo vệ chính quyền. Để bảo vệ chính quyền cách mạng phải kiên quyết trấn áp lực lượng phản cách mạng. "Trừng trị bọn phản quốc đã nhân những khó khăn về nội trị và ngoại giao và dựa vào thế lực nước ngoài mà ngóc đầu dậy, trừng trị bọn chia rẽ, bọn thất bại (défaitisme), bọn đầu cơ tích trữ và bọn lạm quyền, nhiễu dân". Tổng Bí thư đã cùng với Thường vụ Trung ương tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng quân đội, công an để bảo vệ thành quả cách mạng.

Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp từ ngày 31-5-1946, đến ngày 21-10-1946 Người mới về Hà Nội, Quyền Chủ tịch là cụ Huỳnh Thúc Kháng. Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã phối hợp chặt chẽ với Quyền Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo nhiệm vụ hoạt động của Nhà nước. Sau khi ra miền Bắc theo Hiệp định sơ bộ ngày 6-3, quân Pháp đã vi phạm Hiệp định, cố tình thực hiện mưu đồ tách Nam Bộ khỏi nước Việt Nam vốn thống nhất ba kỳ, đánh chiếm Tây Nguyên, chiếm đóng trái phép Phủ Toàn quyền ở Hà Nội. Thực dân Pháp ngày càng lộ rõ âm mưu và hành động lấn tới về quân sự và thực hiện đảo chính để lật đổ Chính phủ Việt Nam. Lợi dụng khi đàm phán đang diễn ra và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đang ở thăm nước Pháp, lực lượng Pháp ở Hà Nội đã xúc tiến kế hoạch đảo chính dự định tiến hành vào ngày 14-7-1946. Nắm được âm mưu đó, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đã cùng Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng công an nhân dân đập tan kế hoạch đảo chính của Pháp và Quốc dân Đảng tay sai trước khi nổ ra, ngày 12-7-­1946 (vụ án Ôn Như Hầu). Thắng lợi vẻ vang đó đã làm thất bại ý đồ đen tối của thực dân Pháp và tay sai, bảo vệ vững chắc nhà nước cách mạng non trẻ. Ngày 12-7 trở thành ngày truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam.

Ngày 21-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội. Cuộc đàm phán Việt - Pháp đã không đạt được mong muốn hòa bình của dân tộc Việt Nam. Thực dân Pháp ngày càng ngang ngược lấn tới. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tài liệu về những việc cần kíp để chuẩn bị khi chiến tranh xảy ra. Người cùng Tổng Bí thư Trường Chinh, Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp bàn định kế sách bảo vệ nền độc lập. Ngày 20-11-1946, Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn. Tình hình Hà Nội rất căng thẳng. Ngày 12-12-1946, Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị Toàn dân kháng chiến với mục đích giành thông nhất và độc lập thực hiện trường kỳ kháng chiến, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Khi khả năng hòa hoãn không còn nữa, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động phát động kháng chiến. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cả dân tộc đứng lên bảo vệ nền độc lập và 8 năm sau đó đã giành thắng lợi vẻ vang với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo bảo vệ chính quyền và thành quả của cách mạng những năm 1945-1946, Tổng Bí thư Trường Chinh đã có những cống hiến lớn lao kế tiếp thời kỳ lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. "Đồng chí đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng"./.

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com