Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp (Kỳ 8)

08:02, 14/02/2017

[links()]

HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

(Tiếp theo)

    Năm 1945, Đảng và Nhà nước đứng trước một tình huống hiểm nghèo, như người ta thường nói, nghìn cân treo sợi tóc. Cùng một lúc, cùng với hai kẻ thù là quân Pháp, quân Tưởng, còn có quân Anh, các lực lượng thân Pháp phần lớn là những quan lại, cường hào của chế độ thực dân mới bị đánh đổ và đủ loại phản động, các lực lượng tay sai của quân Tưởng gồm bọn lưu manh chính trị như Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Đỗ Đình Đạo, Vũ Kim Thành. Một số người cầm đầu các tôn giáo, tù trưởng một số bộ tộc vũ trang chiếm cứ một số vùng rừng núi. Tất cả các lực lượng phản động trong, ngoài ấy đều phối hợp với nhau chống phá cách mạng. Bọn Quốc dân Đảng chiếm cứ một vùng ở Vĩnh Yên, Yên Bái và dựa vào quân đội Tưởng lập cơ quan công khai, xuất bản báo, mở rộng hệ thống gián điệp, tổ chức ám sát, bắt cóc người của ta. Một phái bộ của Mỹ có mặt ở Hà Nội.

    Ngày 23-9-1945, quân Pháp được sự phối hợp của quân Anh tiến công chiếm Sài Gòn rồi đánh chớp nhoáng các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ, lập ra cái quái thai gọi là nước Nam Kỳ tự trị. Ở miền Bắc, với gần 20 vạn quân, Lư Hán, Tiêu Văn theo mệnh lệnh của Tưởng Giới Thạch quyết thực hiện âm mưu tiêu diệt cho được Đảng Cộng sản, bắt cho được Hồ Chí Minh, thiết lập cho được một chính quyền tay sai của họ.

Trường Chinh xem mặt hàng do Nhà máy Dệt sản xuất (1980)
Tổng Bí thư Trường Chinh xem mặt hàng do Nhà máy Dệt sản xuất (1980).

    Về phía ta, nạn đói ở miền Bắc chưa chấm dứt, vụ mùa năm 1945 thất bát vì trận lụt lớn, kho bạc nhà nước chỉ có một triệu đồng tiền Đông Dương. Tuần lễ vàng nhận được sự ủng hộ lớn của đồng bào, song vẫn như muối bỏ biển vì ta phải xây dựng một bộ máy nhà nước, một quân đội, một lực lượng công an, cảnh sát, phải có tiền chi cho việc củng cố đê điều, duy trì sản xuất, hoạt động kinh tế. Công việc thật là bề bộn, cuộc đấu tranh căng thẳng hàng ngày.

    Quân Pháp ở miền Nam không mở rộng và củng cố  được những vùng đánh chiếm được mà lại sa lầy vì số quân của chúng có hạn và vấp phải cuộc kháng cự khắp nơi của đồng bào ta đã nổi dậy, thiết lập chính quyền và các lực lượng chiến đấu của mình. Ở miền Bắc cũng vậy, quân Tưởng là một lực lượng to lớn nhưng ô hợp, đói khát, nhếch nhác. Bọn chỉ huy cũng nhếch nhác không kém, chỉ lo vơ vét, sông phè phỡn để bù lại cuộc sống thiếu thôn khi bị quân Nhật đánh cho tan tác. Tổng chỉ huy Lư Hán chán nản vì là quân bài của Tưởng nhằm thực hiện kế hoạch điệu hổ ly sơn, cắt vây cánh của Long Vân, trùm quân phiệt cát cứ ở Vân Nam; khi sang nước ta lại bị Tiêu Văn, người thân cận của Tưởng lấn át.

    Chỉ đạo cuộc đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân là nhiệm vụ quan trọng quyết định của cách mạng. Lúc này, Đảng mới có năm nghìn đảng viên, song là một đội ngũ chiến sĩ cách mạng đã được rèn luyện và trưởng thành trong cao trào Tiền khởi nghĩa và Tổng khởi nghĩa.

    Bác Hồ và Trường Chinh nhanh chóng tập hợp thêm lực lượng, phân hóa các thế lực có thể bị địch tranh thủ như mời các nhân sĩ, các nhà trí thức tham gia các cấp chính quyền, mặt trận, giúp các nhà trí thức tiêu biểu thành lập Đảng Xã hội, tập hợp những nhân vật có uy tín lập ra Hội liên hiệp quốc dân. Mời Bảo Đại làm cố vấn khi ông vua này vừa bị lật đổ là một việc chỉ Hồ Chí Minh mới làm được. Ông ta chẳng giúp được gì cho cách mạng, song tránh được sự rơi vào tay Pháp trong lúc ấy và là một cử chỉ nhằm nói với mọi ngươi: chúng tôi sẵn sàng chìa tay ra với bất cứ ai không chống lại sự nghiệp giải phóng của dân tộc.

    Những nhà cách mạng có tầm cỡ phải là những người tùy cơ ứng biến, vận dụng sách lược linh hoạt, biến hóa kịp thời. Nguyên tắc chỉ đạo việc vận dụng nó là lợi ích cơ bản của cách mạng, biết tránh những cuộc đụng đầu nguy hiểm. Ta không thể cùng một lúc đọ sức với hai kẻ thù lớn ở hai miền đất nước khi sức mình còn có hạn. Muốn có sức mạnh phải tranh thủ những bạn đường tạm thời, thậm chí chốc lát. Thi hành chính sách phân tuyến xã hội ngay từ buổi đầu dẫn đến sự hình thành hai tuyến đối lập trong nội bộ dân tộc, xã hội từ làng xã đến cả nước là rất nguy hiểm. Phía đối lập tìm chỗ dựa ở bên ngoài, còn ta đang ở giữa vòng vây thù địch của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.

    Những nhà cách mạng có tầm cỡ biết tiến, lùi đúng lúc cần thiết. Trường Chinh thuộc lớp người đó.

    Trước áp lực của quân Tưởng, ta tuyên bố tự giải tán Đảng Cộng sản. Chấp nhận sự hòa hoãn tạm thời với Pháp, đẩy quân Tưởng về nước là bớt đi được một kẻ thù nguy hiểm, để có thời giờ chuẩn bị lực lượng đương đầu với quân Pháp. Trước đó, ta chấp nhận việc thành lập một chính phủ liên hợp với bọn Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam cũng vì mục đích ấy.

    Tranh thủ khả năng giải quyết bằng con đường thương lượng hòa bình vấn đề quan hệ Việt - Pháp là có lý vì lúc đó giới cầm quyền Pháp đang chia làm hai phe gần như ngang sức.

    Mọi sự hòa hoãn đều là sách lược song có nguyên tắc, không đặt cách mạng vào tình thế hiểm nghèo, hoặc làm suy yếu lực lượng của cuộc đấu tranh lâu dài. Chuyến đi Pháp của Hồ Chí Minh nhằm mục đích: trực diện đối thoại với giới cầm quyền, tiếp xúc rộng rãi với các giới chính trị, xã hội Pháp và cả những người của các nước khác ở Pari. Việc làm đó về sau trở thành sự chuẩn bị cho phong trào rộng lớn của nhân dân Pháp chống cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu của bọn thực dân Pháp chống nước ta.

    Trong ba tháng Hồ Chí Minh thăm nước Pháp, Trường Chinh chủ trì mọi việc của đất nước và của Đảng, quét sạch bọn phản động thân Tưởng, phá vỡ âm mưu của quân Pháp chuẩn bị cuộc duyệt binh ngày 14-7 để thực hiện một cuộc chính biến bằng bạo lực quân sự. Chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc kháng chiến lâu dài.

(Còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com