Nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ, tích cực thúc đẩy quan hệ sản xuất mới - (Kỳ 5)

06:09, 29/09/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Ngay từ tháng 1-1961, Tỉnh uỷ đã phát động đợt thi đua lấy tên "Nam Định - Mỹ Tho anh dũng tiến quân vào mặt trận sản xuất đông - xuân". Mục tiêu của đợt thi đua nhằm bảo đảm sản xuất kịp thời vụ, đúng kỹ thuật và căn bản cấy xong trước tết âm lịch.

    Hưởng ứng đợt thi đua, các huyện đã mở hội nghị phổ biến chủ trương của Tỉnh uỷ và phát động thi đua sâu rộng trong toàn huyện, tổ chức ngày hội xuống đồng, hội thi cấy, thi làm phân bón và thi làm thuỷ lợi, v.v. với khẩu hiệu "một ngày làm bằng một năm". Huyện Giao Thuỷ cũng mở chiến dịch "Giao Thuỷ vùng lên tiến quân vào mặt trận sản xuất; Ba ngày đầu của chiến dịch, cũng là những ngày hội lớn của nhân dân Giao Thuỷ, 13.500 người tham gia mặt trận thuỷ lợi, làm được 38 công trình. Thành uỷ Nam Định phát động ngày 21 và 22-1 là ngày đại náo và là ngày đạt năng suất cao nhất. Các cơ sở sản xuất nội thành đều đưa năng suất lên cao từ 5% đến 200%. Khu phố 7 có phong trào "Phất cao cờ chiến thắng Tế Bần". Khu phố 5 thi đua "Bỏ lưng mà lên mình ngựa, ghìm chặt dây cương, tích cực khẩn trương phi nước đại vượt khu phố 6 toàn diện". Năm xã ngoại thành thành phố, không khí thi đua cũng diễn ra sôi nổi với tinh thần phân ra đồng chưa đủ, ngủ cũng không yên, chưa cấy xong trước tết, ăn tết cũng không ngon. Huyện Xuân Trường đã gắn phong trào thi đua sản xuất với phong trào thi đua cải tiến công cụ sản xuất như cày, bừa, guồng nước cải tiến. Các huyện Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản đã phát động thi đua làm phân bón với khẩu hiệu "Không một thửa ruộng  cấy chay, đảm bảo bón lót từ 40 gánh đến 60 gánh phân cho một mẫu ruộng". Chỉ trong tháng 1-1961, toàn tỉnh làm được 1.400.000 m3 đất thuỷ lợi, bằng khối lượng cả ba tháng cuối năm 1960. Những công trình thuỷ lợi mới, cùng với những công trình cũ có thể đảm bảo tưới tiêu cho phần lớn diện tích lúa chiêm đã cấy.

Đường cày đảm đang của phụ nữ huyện Ý Yên trong những năm chống Mỹ.
Đường cày đảm đang của phụ nữ huyện Ý Yên trong những năm chống Mỹ.

    Thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Đảng bộ tỉnh, ngay từ những ngày đầu của chiến dịch, tất cả các huyện trong tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất đông - xuân, tiến quân đầu tiên vào mặt trận thuỷ lợi. Phong trào thuỷ lợi trở thành cao trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Các cấp uỷ Đảng cơ sở đã chỉ đạo chặt chẽ đến từng vùng, từng khoảnh ruộng không để mất nước. Tỉnh uỷ, uỷ ban hành chính tỉnh đã chú ý tăng cường cán bộ giúp các địa phương còn yếu. Các huyện phía nam tỉnh đã tận dụng nước thuỷ triều lên để thau chua, rửa mặn, đảm bảo tưới tiêu kịp thời cho lúa và rau màu. Các huyện phía bắc và huyện Nam Trực đã chủ động đào vét thêm sông ngòi, khoanh vùng chống úng và giữ nước chống hạn. Tất cả đều hướng vào mục tiêu mà Đại hội tỉnh Đảng bộ đã đề ra, phải làm được 13 triệu mét khối đất thuỷ lợi trong năm 1961, bình quân mỗi người đạt 25 m3 trở lên, trong đó thanh niên và dân quân đảm nhận vai trò nòng cốt. Trong cao trào làm thuỷ lợi, nhiều xã của huyện Hải Hậu đã đạt thành tích xuất sắc. Xã Hải Giang đã nâng định mức làm thuỷ lợi từ 25 m3 lên 35 m3 bình quân một người.

    Để phục vụ sản xuất nông nghiệp, Nam Định đã kết hợp công tác thuỷ lợi với công tác phát triển giao thông nông thôn. Các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên huyện được củng cố và mở rộng. Đến tháng 6-1961, toàn tỉnh đã đào đắp được 4.400.000 m3 đất để tu bổ, mở rộng và đắp mới các tuyến đường với chiều dài 1.719 km, so với kế hoạch vượt 76%, góp phần phát triển sản xuất và giải phóng đôi vai cho nông dân, bồi trúc, mở rộng thêm mương máng, cầu cống. Đến tháng 6-1962 Nam Định có 909 thuyền gỗ, trọng tải từ 5 tạ đến 30 tạ, 6.300 thuyền tre, trọng tải từ 1 tạ đến 3 tạ, 5.900 xe vận chuyển thô sơ và xe cải tiến.

    Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 29-3-1961 đã sơ bộ đánh giá phong trào thi đua đông xuân tiến quân vào mặt trận (tăng năng suất, tăng vụ, khai hoang, chăn nuôi thả cá) là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Trên mặt trận thuỷ lợi nhiều đơn vị, cá nhân lập công xuất sắc. Huyện Ý Yên có phong trào khá nhất, 23 cơ quan huyện kết nghĩa với 23 xã trong công tác thuỷ lợi. Hằng ngày có trên 6.000 người làm việc trên công trường đắp đê, làm thuỷ lợi. Vụ chiêm năm 1961, toàn tỉnh cấy lúa đạt 102% kế hoạch; trồng màu, cây công nghiệp đạt 124%, cấy tăng vụ được 8.784 mẫu, bón 54 gánh phân một mẫu. Phong trào cải tiến nông cụ và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất bước đầu được quần chúng tham gia tích cực. Ty Giáo dục đã tổ chức cho 200 giáo viên dạy bổ túc văn hoá, học tập kỹ thuật để hướng dẫn cho bà con nông dân.

    Phát huy kết quả bước đầu của chiến dịch, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã quyết định mở đợt tổng công kích mạnh mẽ hơn nữa trên năm mặt trận nhằm giành thắng lợi cho chiến dịch sản xuất đông - xuân 1960-1961. Tháng 6-1961, tổng kết sản xuất vụ đông - xuân, toàn tỉnh đã bình xét được những đơn vị giỏi trong phong trào thi đua sản xuất xã Hải Hưng (Hải Hậu) giỏi về phong trào khai hoang, làm phân bón; xã Lộc Vượng (Mỹ Lộc) giỏi về phong trào nuôi cá; xã Thành Côi (Vụ Bản) giỏi về phong trào cải tiến nông cụ sản xuất; xã Yên Chính (Ý Yên) giỏi về phong trào làm thuỷ lợi; thôn Đồng Quỹ (Nam Tiến, Nam Trực), thôn Uý Nam (Yên Bằng, Ý Yên) giỏi về phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp; xã Hải Hùng (Hải Hậu) giỏi về thực hiện năm giảm; xã Giao Lâm (Giao Thuỷ), xã Xuân Bắc (Xuân Trường) khá về phong trào dân quân; xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) khá về phong trào thể dục vệ sinh.

    Kết quả phong trào thi đua tiến quân vào năm mặt trận, đặc biệt là mặt trận thuỷ lợi những tháng đầu năm 1961 đã tạo cơ sở bước đầu để hoàn thành kế hoạch năm 1961, tạo đà cho lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới phát triển. Khí thế thi đua đó cho thấy tính ưu việt của lối làm ăn tập thể, mà trong sản xuất cá thể trước đây không có.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com