70 năm, những mốc son lịch sử

09:12, 22/12/2014

Chỉ thị thành lập
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

1. Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.

Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.

2. Đối với các đội vũ trang địa phương: Đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

3. Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.

Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam./.

Tháng 12 năm 1944
HỒ CHÍ MINH

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân, trải qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, QĐND Việt Nam đã lập những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, viết nên truyền thống: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Báo Nam Định xin giới thiệu những mốc son chói lọi của Quân đội ta trong 70 năm qua.

1. Ngày 22-12-1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn ra Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 đồng chí, biên chế thành ba tiểu đội do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo và chỉ huy chung, đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên.

2. Đánh thắng hai trận đầu: Diệt đồn Phai Khắt (ngày 25-12-1944), đồn Nà Ngần (ngày 26-12-1944), mở đầu cho truyền thống "đánh chắc, thắng chắc" của QĐND Việt Nam.

3. Cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bảo vệ chính quyền nhân dân và đánh bại chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp (1946-1947).

Khối danh dự 3 quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Lễ diễu binh, diễu hành chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Đức Tám - TTXVN
Khối danh dự 3 quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Lễ diễu binh, diễu hành chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

4. Đánh bại âm mưu bình định và phản công của địch (1948-1952) với hơn 30 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Tiêu biểu là: Chiến dịch Sông Lô (tháng 4-1949); Chiến dịch Sông Thao (tháng 5-1949); Chiến dịch Bắc Quảng Nam (tháng 7-1949); Chiến dịch Lê Lợi (tháng 11-1949); Chiến dịch Cầu Kè (tháng 12-1949); Chiến dịch Lê Hồng Phong I (tháng 2-1950); Chiến dịch Trần Hưng Đạo (tháng 12-1950); Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (tháng 3-1951); Chiến dịch Quang Trung (tháng 5-1951); Chiến dịch Hoà Bình… Đặc biệt, sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới (1950) - một chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội ta sau 4 năm kháng chiến, căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, nối liền đất nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa.

5. Cùng toàn dân giành thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

6. Xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; giữ gìn, phát triển LLVT cách mạng ở miền Nam (1954-1960).

7. Xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961-1965). Trong đó, tiêu biểu là Chiến thắng Ấp Bắc (tháng 1-1963) - mở đầu cho sự thất bại của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, đồng thời mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” sôi nổi khắp miền Nam. Cùng Chiến thắng Bình Giã (từ ngày 2-12-1964 đến 3-1-1965), Ba Gia (tháng 5-1965), Đồng Xoài (từ ngày 10-5 đến 22-7-1965), chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ hoàn toàn bị phá sản.

8. Đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ (1965-1968). Với phương châm vừa xây dựng, vừa chiến đấu và phát triển lực lượng, bộ đội ta trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các trận tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - quân đội Sài Gòn, mở ra phong trào “tìm Mỹ mà diệt”, “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”. Điển hình là các trận đánh phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành (tháng 5-1965). Vạn Tường (tháng 8-1965) và các chiến dịch: Plây Me (tháng 10-1965), Bàu Bàng - Dầu Tiếng (tháng 11-1965)… Đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn chiến trường miền Nam, cùng với việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, đã đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ về nước. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri.

9. Đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ (1969-1972) bằng thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (từ ngày 30-1 đến 23-3-1971), Chiến dịch Đông Bắc Căm-pu-chia (tháng 2-1971), Chiến dịch tiến công Trị - Thiên (từ ngày 30-3 đến 27-6-1972), Chiến dịch Nguyễn Huệ (từ ngày 1-4-1972 đến 19-1-1973)… Đặc biệt là Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (từ ngày 18-12 đến 29-12-1972), quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam ngày 27-1-1973: Cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt dính líu về quân sự, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam.

10. Tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

11. Cùng toàn dân giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (1975-1978) và biên giới phía Bắc (1979), làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Căm-pu-chia (1979-1989).

12. Đẩy mạnh huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Quân đội ta đã 4 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng vào các năm: 1974, 1979, 1984, 1999; toàn quân có 47 tập thể và 14 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; 146 tập thể và 37 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 2.108 tập thể và 1.912 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND; 61 tập thể và 39 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động; 1.158 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập; 823.385 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng các loại huân, huy chương khác./.

PV (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com