Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức của một cựu TNXP

07:05, 07/05/2013

Đã 59 năm trôi qua, nhưng khi được hỏi về ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) - một mốc son chói lọi trong lịch sử oai hùng của dân tộc, ông Lê Khôi, nguyên là đội viên TNXP thuộc Đoàn TNXP Trung ương, hiện đang sống tại số nhà 19 Đỗ Huy Liệu, phường Thống Nhất (TP Nam Định) vẫn không nén nổi niềm xúc động, tự hào được tham gia chiến dịch.

Cựu TNXP Lê Khôi.
Cựu TNXP Lê Khôi.

Ngày ấy ông là TNXP thuộc Đại đội 293, đội 34. Đây là đơn vị TNXP được thành lập để chuẩn bị mở chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ theo Chỉ thị của Bác Hồ. Đoàn TNXP Trung ương được tổ chức thành các đội 34, 36, 38, 40, 46 và 48. Điều đặc biệt của đoàn TNXP là lấy toàn nam giới, với thành phần chủ yếu xuất thân từ bần cố nông và trung nông lớp dưới đã qua giảm tô, cải cách ruộng đất. Nhiệm vụ của đoàn là san, mở đường, tháo gỡ bom mìn, vận chuyển thương binh, lương thực thực phẩm và khi cần bổ sung cho lực lượng bộ đội chủ lực chiến đấu đánh căn cứ Điện Biên Phủ. Năm 1953, ông xung phong xin gia nhập Đoàn TNXP Trung ương khi mới 16 tuổi. Tháng 3-1954, khi quân ta đánh mạnh thì địch cũng tập trung ném bom dữ dội ở các tuyến đường mà xe, pháo, bộ đội, dân công hỏa tuyến thường qua lại. Tháng 9 năm 1953, nhằm cắt đường tiếp tế lương thực, vũ khí của quân ta từ miền xuôi lên chiến trường Điện Biên Phủ, địch ra sức tăng cường máy bay do thám thả bom hòng phá sập đường đèo Pha Đin. Để phá tan âm mưu của địch, Đại đội TNXP của ông được cấp trên điều động chuyển gấp lên đèo Pha Đin khắc phục sự cố bom đạn cày xới đường đèo. Gần hai tháng cắm chốt trên đỉnh đèo Pha Đin, để giữ bí mật và tránh bị địch phục kích tấn công bất ngờ, sinh hoạt của đoàn hết sức khó khăn, ngày ngày đội viên phải xuống tận khe suối nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm. Tuy điều kiện sống, chiến đấu vô cùng gian khổ nhưng ai cũng nêu cao tinh thần chiến đấu. Với vị trí chiến lược quan trọng của đèo Pha Đin, muốn vào Điện Biên Phủ thì bắt buộc phải qua đèo Pha Đin nên địch cho máy bay mỗi ngày tuần tiễu khu vực đèo hàng chục lần, thả hàng trăm quả bom gồm bom phá, bom nổ chậm, bom bi, bom bươm bướm… Máy bay địch hoạt động thường xuyên từ 10 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Ngày cao điểm, chúng oanh tạc cả tối 5-6 lần, ném bom phá đường, kèm theo bom nổ chậm và bom bươm bướm để sát thương bộ đội; phá xe vận tải chở lương thực, vũ khí; phá các xe kéo pháo của ta… Có đợt địch huy động hàng chục máy bay đánh liên tục 18 ngày liền. Trong khi đó, đèo Pha Đin phía giáp Tuần Giáo rất dốc, lại có nhiều đoạn hình chữ chi (Z), nên mỗi lần bom thả xuống không trúng đoạn trên thì cũng trúng đoạn dưới. Vì vậy, hằng ngày cứ từ 5 giờ chiều đến qua đêm, ông Lê Khôi và các đồng đội trong đoàn TNXP ra mặt đường để san lấp hố bom và phá bom nổ chậm để đảm bảo an toàn cho xe và người đi qua. Nhiều đồng đội của ông, người mất chân, người mất tay do bom bi, bom bươm bướm của giặc nổ trước khi được phá; nhiều người khi lăn bom xuống vực cho phát nổ đã trượt chân xuống đó và vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Đáng nhớ nhất là vào một ngày trung tuần tháng 3 năm 1954, lúc ấy vào khoảng 11 giờ trưa đại đội ông nhận được lệnh phải cử ngay một đơn vị ra mặt đường để đón chờ đoàn xe ôtô chở đạn cỡ lớn qua đèo ban ngày để đưa gấp đạn pháo lên mặt trận. Ở Pha Đin lúc này mây đã tan, đoàn xe đã tới đỉnh đèo và đang xuống dốc thì máy bay địch phát hiện. Một tốp bốn chiếc B26 của địch quần thảo đuổi theo đoàn xe bắn phá điên loạn. Chiếc xe đi đầu đã bị trúng đạn và bốc cháy. Trước tình thế này, đồng chí Trịnh Văn Huyền, Trung đội trưởng đã trực tiếp chỉ huy đơn vị lên xe bốc đạn xuống đường để dập lửa. Trong tình thế nguy hiểm vừa bị bom đạn của kẻ thù bắn phá, vừa lo sợ đạn trên xe có thể nổ bất cứ lúc nào nhưng bằng ý chí kiên cường và lòng dũng cảm ông cùng đồng đội vẫn kiên cường bám trụ; mỗi khi máy bay địch chúc xuống bắn, các chiến sỹ đều nằm xuống, khi máy bay địch ngóc lên thì các chiến sỹ lại nhảy lên xe cứu đạn. Cứ như vậy đến khi máy bay địch rút, đơn vị đã cứu được đoàn xe.

Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, những địa danh quen thuộc như: ngã ba Cò Nòi, chợ Suối Rút (Hòa Bình), dốc Cun, đường 6, đường 13 đến đèo Pha Đin, ngã ba Tuần Giáo lên sát Điện Biên... đã có biết bao TNXP ngã xuống để đảm bảo thông xe, thông tuyến phục vụ kịp thời cho việc chuyển quân, chuyển vũ khí, lương thực thực phẩm. Sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Khôi và một số đồng chí khác được điều lên bổ sung vào Ban cung cấp đội 34 đoàn TNXP để thực hiện một nhiệm vụ bí mật. Khi lên đến Lai Châu, ông và các đồng đội được lệnh vượt qua đèo Sìn Hồ đến Pa Tần, nơi Ban chỉ huy công trường 111 đóng. Chỉ khi đến đây ông và các đồng đội mới biết được nhiệm vụ của mình là tham gia mở một con đường chiến lược từ Lai Châu đi Trung Quốc (gọi tắt là CT 111) có chiều dài 82km. Đây là tuyến đường trực tiếp tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa của nước bạn Trung Quốc viện trợ cho cuộc kháng chiến của ta. Sau khi CT 111 hoàn thành, đến cuối năm 1957 ông được chuyển về công tác tại Cty Thực phẩm Nam Định, sau đó làm Giám đốc Xí nghiệp Vận tải Thương nghiệp Nam Hà (1975) và ông nghỉ hưu 1992. Từ năm 1992, sau khi có Quyết định thành lập Ban Liên lạc Cựu TNXP, ông được cử làm Phó Ban Liên lạc Cựu TNXP của tỉnh và hiện nay ông đang là Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh. Với những cống hiến trong kháng chiến chống Pháp, ông Khôi đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì. Ông cũng đã được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác./.

Bài và ảnh: Văn Thứ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com