Chuẩn bị tốt các điều kiện cho Lễ hội Khai ấn Đền Trần 2016

07:02, 18/02/2016
Lễ Khai ấn đầu xuân tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) là lễ hội giàu ý nghĩa nhân văn và trở thành một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh độc đáo của Nam Định. Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Bính Thân 2016 là năm thứ 5 thực hiện theo Đề án đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Trần (gồm Lễ Khai ấn đầu xuân và Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo). Theo đánh giá của Ban tổ chức lễ hội, qua 4 năm (2012-2015) triển khai Đề án, công tác quản lý và tổ chức Lễ Khai ấn đầu xuân vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục: Các hình thức kinh doanh dịch vụ, hàng quán bày bán tràn lan trước khuôn viên di tích gây mất trật tự, ảnh hưởng đến cảnh quan lễ hội; việc thắp hương, đốt vàng mã còn nhiều, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường; nạn hành khất, đổi tiền lẻ, cướp lộc ấn vẫn còn diễn ra; ý thức của một bộ phận người tham gia lễ hội chưa tốt dẫn đến tình trạng chen lấn xô đẩy…
Lễ rước Nước, tế Cá trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2015. Ảnh: Việt Thắng
Lễ rước Nước, tế Cá trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2015. Ảnh: Việt Thắng
Để tổ chức tốt nội dung, chương trình Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Bính Thân 2016, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND Thành phố Nam Định đã thành lập Ban tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu ban triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ATGT; huy động các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ tại các điểm chốt; tiếp tục đổi mới trong việc phân luồng giao thông, trông coi phương tiện, tổ chức dịch vụ, y tế, phòng cháy chữa cháy trong thời gian trước, trong và sau Lễ Khai ấn. UBND phường Lộc Vượng giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân trông giữ phương tiện tại 2 điểm là Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp) và Đền Trần phải thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn, đúng giá Nhà nước quy định. UBND thành phố chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với Công an phường Lộc Vượng tổ chức thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội; phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi mê tín, dị đoan, thương mại hoá di tích, nạn cờ bạc, hành khất... Để đảm bảo trật tự ATGT, Thành phố Nam Định đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành phân luồng giao thông tại các tuyến chính; huy động trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ trên địa bàn tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự và ATGT tại lễ hội. Các lực lượng chức năng ở các chốt chính có nhiệm vụ cấm xe đi vào khu vực dành cho người đi bộ vào đêm 14 tháng Giêng. Lực lượng công an thành phố chia thành 3 tổ (tổ giải quyết hình sự, tổ trật tự đô thị và an ninh trật tự) nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra và những vấn đề phát sinh. Các hộ kinh doanh dịch vụ trong khu vực lễ hội đều ký cam kết với Ban quản lý lễ hội nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, không bán hàng lấn chiếm vỉa hè cũng như ép giá các mặt hàng. Hệ thống loa truyền thanh tại khu vực lễ hội thường xuyên tuyên truyền tới các du khách thập phương về các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác tổ chức và quản lý lễ hội, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân để người dân có ý thức trách nhiệm cùng chính quyền tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Ngoài ra, Ban quản lý và Ban tổ chức lễ hội đã thiết lập đường dây nóng để du khách phản ánh những hiện tượng thiếu văn hóa trong mùa lễ hội hoặc đóng góp những ý kiến để các khâu tổ chức lễ hội ngày càng tốt hơn. Theo đó, lực lượng chức năng khi nhận được thông tin phản ánh sẽ có mặt kịp thời để giải quyết những thắc mắc cũng như những tiêu cực xảy ra trong lễ hội. Theo kế hoạch, thời gian quản lý lễ hội từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Giêng (tức từ ngày 8-2 đến ngày 8-3-2016); thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng (tức từ ngày 18-2 đến ngày 23-2-2016). Trong đó, ngày 11 tháng Giêng (tức ngày 18-2-2016) diễn ra lễ rước kiệu Ngọc Lộ từ Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp) sang Đền Trần và thực hiện nghi lễ tại Đền Thiên Trường. Ngày 12 tháng Giêng (tức ngày 19-2-2016) tổ chức nghi lễ rước Nước, tế Cá. Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Bính Thân 2016 được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống, diễn ra vào giờ Tý đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng (tức đêm 21 rạng sáng 22-2-2016), có nghi thức rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo sang Đền Thiên Trường và long trọng làm Lễ Khai ấn. Năm nay, do Lễ hội Khai ấn Đền Trần diễn ra vào các ngày nghỉ cuối tuần nên dự kiến số lượng du khách về dự lễ đông hơn so với năm trước. Để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau khi đi xin lộc ấn, Ban tổ chức lễ hội sẽ bắt đầu phát tờ ấn cho người dân từ 5 giờ 30 sáng ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 22-2-2016), sớm hơn nửa tiếng so với năm 2015, địa điểm phát ấn diễn ra tại nhà giải vũ, nhà trưng bày và Đền Trùng Hoa. Ngày 16 tháng Giêng tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và lễ hồi kiệu Ngọc Lộ từ Đền Trần về Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp). Trong các ngày từ 11 đến 16 tháng Giêng (tức từ ngày 18-2 đến ngày 23-2-2016) bên ngoài cổng ngũ môn Đền Trần sẽ diễn ra các hoạt động hội truyền thống gồm: múa lân - sư - rồng, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, võ thuật.
 
Công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần với những biện pháp thiết thực sẽ tạo điều kiện tốt để người dân và du khách an tâm trảy hội. Về dự lễ hội người dân không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu may, cầu phúc, mà còn được chiêm bái vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của quần thể Khu di tích lịch sử - văn hoá Trần; suy ngẫm, tri ân công lao to lớn của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đối với đất nước, khẳng định giá trị nhân văn của một thời đại huy hoàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc./.
 
Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com