Xây dựng nhãn hiệu tập thể "nước mắm Giao Châu"

09:12, 03/12/2013

Nước mắm Sa Châu là sản phẩm truyền thống của xã Giao Châu (Giao Thủy) từ lâu đã nức tiếng xa gần với mùi vị đặc trưng, độ đạm cao và càng để lâu càng thơm ngon bởi được làm từ nguyên liệu cá cơm, cá nục, tép trắng tươi ngon; được ướp bằng muối đã để ngấu, ủ chượp suốt một năm ròng và chắt lọc nước cốt phơi trong ang sành dưới ánh nắng 35 độ C để bay hết hơi nước và đăng lọc lần cuối trước khi xuất xưởng. Ngày nay mặc dù có nhiều công nghệ chế biến nước mắm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng người dân làng nghề vẫn kiên trì với lối sản xuất xưa. Hiện tại, ngoài công đoạn đánh nhuyễn cá sau khi ướp được thay thế bằng máy, các công đoạn còn lại đều được làm theo cách sản xuất truyền thống nên phải dùng đến đôi bàn tay và sự ước lượng tài tình của người làm nghề để tra thêm muối, thêm nắng, thêm sương và thêm cả thời gian ngâm ủ… mới tạo được thứ sản phẩm chất lượng cao. Với 3 dòng sản phẩm chính là nước mắm cá, nước mắm tôm và mắm tôm nguyên chất, hơn 100 hộ dân sản xuất nước mắm của làng nghề Sa Châu cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước từ 800-900 nghìn lít nước mắm mỗi năm. Để làng nghề phát triển bền vững, năm 2012, UBND tỉnh, Sở KH và CN đã quyết định hỗ trợ HTX sản xuất nấm và chế biến nông hải sản Giao Thủy (xã Giao Châu) thực hiện dự án “Hỗ trợ tạo lập và xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý nhãn hiệu tập thể (NHTT) “nước mắm Giao Châu” cho sản phẩm nước mắm của xã Giao Châu”. Đây là cơ sở giúp sản phẩm nước mắm của làng nghề xác lập quyền NHTT “nước mắm Giao Châu”; xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý NHTT “nước mắm Giao Châu”, góp phần bảo vệ uy tín của sản phẩm làng nghề và nâng cao giá trị canh tranh, giúp sản phẩm tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại.

Sang chiết sản phẩm nước mắm truyền thống Giao Châu.
Sang chiết sản phẩm nước mắm truyền thống Giao Châu.

Được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, bắt tay vào thực hiện xây dựng quản lý NHTT "nước mắm Giao Châu", HTX sản xuất nấm và chế biến nông hải sản Giao Thủy đã tiến hành khảo sát các tiêu chí về làng nghề nước mắm như chất lượng sản phẩm hàng hoá, hoạt động cung ứng dịch vụ và nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; xây dựng quy trình sản xuất chuẩn và tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng sản phẩm; lập danh sách các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng NHTT; xây dựng quy chế sử dụng NHTT để tiến hành đăng ký xác lập quyền sở hữu. Trên cơ sở đó, các hộ dân làng nghề tập hợp nhau lại cùng thống nhất quy trình sản xuất; phân tích chất lượng sản phẩm để công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và làm căn cứ xây dựng quy chế quản lý, phát triển NHTT. Đồng thời đưa ra ý tưởng thiết kế biểu tượng NHTT thể hiện tính đặc trưng của sản phẩm làng nghề và biện pháp hỗ trợ bảo vệ cũng như phát triển NHTT. Bên cạnh đó, HTX sản xuất nấm và chế biến nông hải sản Giao Thủy phối hợp với các ngành chức năng tổ chức giới thiệu cho các cán bộ của HTX, các cơ quan quản lý liên quan và các hộ dân trong làng nghề về NHTT về những văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý sản phẩm mang NHTT; cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm và lợi ích của các thành viên tham gia mô hình quản lý; phương thức khai thác thương mại cho sản phẩm; kỹ năng quản lý điều hành tổ chức, khả năng nắm bắt thị trường và mở rộng thị trường và quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc xây dựng NHTT cho sản phẩm nước mắm Giao Châu đã tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các hộ sản xuất trong làng nghề. Sau hơn 1 năm thực hiện các quy trình xây dựng NHTT, tháng 10-2013, sản phẩm nước mắm của làng nghề Sa Châu, xã Giao Châu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp chứng nhận NHTT “nước mắm Giao Châu” với đầy đủ quy trình sản xuất, chỉ tiêu chất lượng. 35 hộ sản xuất tiêu biểu trong làng nghề có đủ điều kiện về quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm tự nguyện đăng ký tham gia sử dụng NHTT “nước mắm Giao Châu” và cam kết đồng lòng chung tay cùng giữ gìn, phát triển và bảo vệ thông qua việc thực hiện chặt chẽ các nội dung trong quy chế sử dụng NHTT. Ông Phạm Văn Phú, Chủ nhiệm HTX sản xuất nấm và chế biến nông hải sản Giao Thủy cho biết: “Xây dựng thành công NHTT nước mắm Giao Châu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường và hội tụ đủ các điều kiện để tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại mà còn là động thái quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển và giữ nghề cho lớp con cháu mai sau”. Với mong muốn tất cả các hộ dân làm nghề được sử dụng bình đẳng NHTT "nước mắm Giao Châu”, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, uy tín, sức mạnh tập thể trong cả việc bảo vệ và phát triển NHTT, HTX sản xuất nấm và chế biến nông hải sản Giao Thủy cũng đang nỗ lực giúp đỡ các hộ sản xuất khác trong làng nghề hoàn thiện các tiêu chí cơ bản về cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện đăng ký sử dụng NHTT "nước mắm Giao Châu”. Đồng thời xúc tiến các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu NHTT "nước mắm Giao Châu” như: tham gia các hội chợ thương mại trong tỉnh và khu vực; hội chợ triển lãm công nghệ Techmart để quảng bá, giới thiệu mở rộng thị trường cho sản phẩm. Tiến hành các điều kiện mở rộng đại lý cung ứng hàng hóa tới hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Tổ chức phát tờ rơi quảng bá sản phẩm trực tiếp tại các chợ, trung tâm mua sắm của các tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh… Hiện tại, sản phẩm nước mắm Giao Châu đã xây dựng được 10 đại lý phân phối sản phẩm trên toàn quốc và đang xúc tiến đặt đại lý tại các nước lân cận để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Với bề dày truyền thống trên 200 năm, đến nay, sản phẩm nước mắm Giao Châu tự tin mang tên đất, tên làng cạnh tranh với các sản phẩm khác khi tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại, góp phần làm tăng giá trị của sản phẩm trên thị trường, củng cố lòng tin của người tiêu dùng và chấm dứt tình trạng lợi dụng uy tín làng nghề để làm giả, làm nhái sản phẩm như trước đây. Đây cũng là sản phẩm nông sản truyền thống đi tiên phong trong việc xây dựng, quản lý và phát triển NHTT cần được khuyến khích nhân rộng để các sản phẩm nông sản truyền thống ở các địa phương khác đến tham quan, học tập, hướng tới sự phát triển bền vững làng nghề truyền thống./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com