Mỹ Lộc giải “bài toán” huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

07:09, 30/09/2011

Đến hết tháng 9-2011, 4 xã của huyện Mỹ Lộc tham gia xây dựng NTM giai đoạn I gồm: Mỹ Tân, Mỹ Phúc, Mỹ Thắng, Mỹ Hưng đã hoàn thành từ 8 đến 13 tiêu chí. Trong đó, xã Mỹ Tân đang dẫn đầu với kết quả đã hoàn thành 13 tiêu chí. Cả 4 xã xây dựng NTM đã cơ bản hoàn thành đề án xây dựng NTM, chậm nhất là Mỹ Hưng đã hoàn thành tại xã, đã triển khai họp dân để lấy ý kiến đóng góp lần cuối trước khi trình UBND huyện phê duyệt. Tuy nhiên, công tác xây dựng NTM của huyện Mỹ Lộc đang đứng trước bài toán khó về tìm nguồn kinh phí để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo đề án xây dựng NTM tổng nguồn kinh phí cần huy động để xây dựng NTM trong 5 năm của mỗi xã khoảng 100 tỷ đồng, cao nhất là xã Mỹ Tân cần 127,5 tỷ đồng, thấp nhất là Mỹ Hưng cũng cần 85,9 tỷ đồng. Đồng chí Đặng Kim Chiến, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc cho biết: “Đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với công tác xây dựng NTM của huyện. Mỹ Lộc là địa phương khó khăn, ngân sách thấp, khó có thể cấp được vốn đầu tư lớn cho các xã. Mặt khác, cơ sở hạ tầng của địa phương lại yếu, đòi hỏi phải xây dựng, sửa sang nhiều mới đạt tiêu chí đề ra”. Khảo sát một số xã cho thấy vấn đề vốn đầu tư đang thật sự nan giải. Đồng chí Đặng Công Dũng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng cho biết, ngay từ khi xây dựng quy hoạch, UBND xã nhận thức rõ sự khó khăn và đã xác định là phải tiết kiệm. Nhưng sau khi tính toán kỹ, tập trung vào công trình thiết yếu nhất cũng cần nguồn vốn lên tới gần 86 tỷ đồng. Mỹ Tân được đánh giá là xã có điều kiện kinh tế phát triển nhất huyện cũng không tránh khỏi lo lắng trước nguồn kinh phí “khổng lồ” phục vụ cho 5 năm xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Tiến cho biết: “Mấy năm nay, được mùa hoa nên nguồn thu của xã và kinh tế của nhân dân sung túc, phải tranh thủ làm ngay việc xây dựng hạ tầng. Nhưng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng như vậy đang làm cả bộ máy chính quyền phải căng óc ra suy tính tìm nguồn”. Lãnh đạo các xã Mỹ Phúc, Mỹ Thắng cũng cho biết, công trình nào thấp nhất cũng một vài trăm triệu đồng, công trình lớn lên đến vài tỷ đồng. Trong khi ngân sách xã thấp, vốn tỉnh cấp cho xây dựng NTM chỉ trên dưới 10 tỷ đồng…

Khó nhưng không thể không làm! Thực tế trong tỉnh có không ít địa phương đã tìm ra phương cách để huy động vốn, đảm bảo tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế. Huyện Mỹ Lộc xác định, cách duy nhất là huy động tối đa nguồn lực của địa phương và huy động nhân dân cùng tham gia đóng góp. Huyện đã chỉ đạo 4 xã ngay từ khi xây dựng các quy hoạch phải tính toán xây dựng quy mô hợp lý, đảm bảo yêu cầu của tiêu chí nhưng có tính toán tổng thể, lâu dài, phù hợp với điều kiện của địa phương. Ngay sau khi mỗi xã hoàn thành quy hoạch, UBND huyện chỉ đạo, nắm bắt cụ thể tiến độ triển khai quy hoạch, giao cho các ngành chức năng hỗ trợ các địa phương lập và triển khai quy hoạch, thiết kế, thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, tập trung huy động sức dân đóng góp vốn trong xây dựng NTM. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, huyện Mỹ Lộc nói chung, 4 xã điểm tham gia xây dựng NTM nói riêng đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM. Trong gần một năm qua, huyện đã tổ chức trên 100 hội nghị phổ biến, quán triệt thực hiện chủ trương lớn này từ các ngành, đoàn thể đến cấp thôn, xóm. Đài Truyền thanh huyện đã biên soạn, phát thanh định kỳ hàng tuần các tiêu chí, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, đặc biệt ở 4 xã giai đoạn I và tập trung nhấn mạnh về việc Nhà nước và nhân dân cùng làm, vai trò tham gia của nhân dân trong việc thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM. Các công trình đầu tiên của 4 xã đều có sự đóng góp đáng kể của nhân dân. Tại xã Mỹ Tân, nhiều hộ tự nguyện hiến đất để mở rộng và làm đường giao thông nông thôn. Tại xã Mỹ Hưng, cuối tháng 9 tiến hành họp dân về việc đóng góp làm đường giao thông và nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng đã được nhân dân ở trong xã đồng tình, sẵn sàng đóng góp ngày công, đất và tiền để xã hoàn thành phần quy hoạch này. Bà Lê Thị Vui, xóm Văn Hưng, xã Mỹ Phúc cho biết: “Chúng tôi nhận thức được rằng, xây dựng NTM là để nông dân có cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, dù khó khăn chúng tôi sẵn sàng đóng góp”.

Từ kinh nghiệm của các địa phương cũng như ý kiến của nhân dân đang tham gia đóng góp xây dựng NTM, bên cạnh 2 nguồn lực hiện nay là vốn ngân sách và vốn huy động trong nhân dân, huyện Mỹ Lộc đang tập trung mở rộng kêu gọi các nguồn vốn xã hội khác. Trước mắt là huy động nguồn lực đóng góp của con em quê hương Mỹ Lộc ở trong, ngoài nước hướng về xây dựng quê hương. Vấn đề cốt yếu trong việc huy động đóng góp xây dựng NTM là phải công khai, minh bạch, sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả đề ra đối với các nguồn vốn. Huyện chỉ đạo các xã khi triển khai xây dựng cần thống nhất với dân từ chủ trương, mức đóng, tổng nguồn vốn, đến thi công và đặc biệt phải có sự tham gia của nhân dân trong giám sát thi công, nghiệm thu công trình. Có như vậy, người dân mới sẵn sàng góp vốn, góp công trong xây dựng NTM./.

 Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com