Ứng phó với bệnh nhiệt mùa thu

08:10, 08/10/2021

Những biến đổi về thời tiết và khí hậu có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và hình thành bệnh tật. Huyết mạch trong cơ thể cũng theo sự thay đổi của bốn mùa. Bệnh nhiệt hình thành trong mùa thu, Đông y gọi là chứng "thu táo" hay "nhiệt bệnh ngoại cảm".

Bệnh nhiệt mùa thu (thu táo) có đặc điểm họng khô, mũi khô, ho, nhức đầu.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh bệnh nhiệt mùa thu

Nguyên nhân do cảm nhiễm phải táo khí khô ráo của mùa thu. Khác với các bệnh nhiệt tính khác, bệnh tà hình thành làm hao tổn tân dịch tức thì. Đồng thời, tà khí (yếu tố gây bệnh) xâm nhập vào phế vệ làm khô da, phế nhiệt, thanh khiếu khô khan, tiến tới làm tổn thương dinh huyết.

Một số bài thuốc trị

1.Tà ở phần vệ: 

Chia làm 2 thể ôn táo và lương táo.

Ôn táo

Triệu chứng thường gặp: Sốt, sợ lạnh phong hàn, nhức đầu, có mồ hôi, ho ít đờm, khô họng và mũi miệng, khát nước, lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng, mạch sác.

Cơ chế bệnh sinh: Táo nhiệt ở biểu gây sốt, sợ phong hàn, ít ra mồ hôi, tà nhiệt phạm phế làm họng và mũi khô, ho ít đờm.

Phương pháp điều trị: Tân lương cam nhuận.

Bài thuốc ứng dụng: Tang hạnh thang

Thành phần: Tang diệp 16 gam, hạnh nhân 12 gam, sa sâm 16 gam, tương bối mẫu 12 gam, hương sị 24 gam, chi bì 20gam, lệ bì 20gam

Cách bào chế: Hạnh nhân cám sao, bỏ vỏ. Tương bối mẫu tán nhỏ. Bảy vị trên + 1700ml nước sắc lọc bỏ bã lấy 200ml.

Cách dùng: Uống ấm chia đều 4 phần, ngày uống 3 lần, tối uống 1 lần.

Cây, vị thuốc sa sâm trong bài thuốc " tang hạnh thang"
Cây, vị thuốc sa sâm trong bài thuốc " tang hạnh thang"

Lương táo

Triệu chứng thường gặp: Sốt, sợ lạnh, nhức đầu, không mồ hôi, ngạt mũi, họng và môi khô, ho đờm trắng loãng.

Cơ chế sinh bệnh: Hàn và táo bí lại ở biểu nên gây ra sốt nhẹ, sợ lạnh, không ra mồ hôi. Táo làm tổn thương tân dịch nên khô họng và môi, hàn táo xâm nhập nên gây đờm trắng loãng.

Phương pháp điều trị: Tuyên phế đạt biểu, hoá đàm nhuận táo.

Bài thuốc ứng dụng: Hạnh tô tán.

Thành phần: Tô diệp 12gam, phục linh 12gam, cát cánh 10gam, chỉ xác 12gam, quất bì 8gam, bán hạ chế 16gam, tiền hồ 12gam, hạnh nhân 10gam, cam thảo 6gam sinh khương 8gam, đại táo 7 quả.

Cách bào chế: Bán hạ chế, tô tử giã dập, hạnh nhân bỏ vỏ, đại táo xẻ ra. Tất cả các vị trên + 1700ml nước sắc lọc bỏ bã lấy 250ml.

Cách dùng: Uống ấm chia đều 5 phần, ngày uống 3 lần, tối uống 2 lần.

2. Tà ở phần khí: 

Chia làm hai thể: Táo làm khô thanh khiếu và táo nhiệt thương tổn phế.

Táo làm khô thanh khiếu

Triệu chứng thường gặp: Ù tai, mắt đỏ, sưng lợi, đau họng.

Cơ chế sinh bệnh: Yết hầu là cửa ngõ của phế vị, lợi là lạc của kinh dương minh. Táo nhiệt theo đường kinh đi lên làm đau họng, ù tai.

Phương pháp điều trị: Khinh thanh tuyên thấu thượng tiêu táo nhiệt.

Bài thuốc ứng dụng: Kiều hà thang.

Thành phần: Bạc hà (tươi)16 gam, liên kiều 10 gam, cam thảo 8 gam, sơn chi 20g, cát cánh 12g, lục đậu bì 24g

Cách bào chế: Sơn chi sao đen, lục đậu vi sao. Tất cả các vị trên + 1600ml nước sắc lọc bỏ bã lấy 200ml.

Cách dùng: Uống ấm chia đều 6 phần, ngày uống 4 lần, tối uống 2 lần.

Táo nhiệt thương tổn phế

Triệu chứng thường gặp: Sốt, ho không đờm, suyễn, khô họng và mũi, bực dọc, khát, rêu lưỡi trắng, mỏng, khô, cạnh lưỡi và đầu lưỡi đỏ thẫm.

Cơ chế bệnh sinh: Táo khí xâm phạm vào phế gây ho, suyễn. Tà khí còn ở phần khí nên rêu lưỡi trắng mỏng, khô, lưỡi đỏ thẫm.

Phương pháp điều trị: Thanh phế, nhuận táo.

Bài thuốc ứng dụng: Thanh táo cứu phế thang.

Thành phần: Thạch cao 24 gam, tang diệp 12 gam, cam thảo 4gam, đẳng sâm 12 gam, hồ ma nhân 12 gam, hạnh nhân 12 gam, tỳ bà diệp 8 gam, a giao 16 gam, mạch môn đông 16 gam.

Cách bào chế: Hồ ma nhân sao, tán vụn, hạnh nhân sao cám, bỏ vỏ, tỳ bà diệp bỏ lông, chích mật. Thạch cao giã nát, cho vào túi vải túm lại. Tám vị trên ( trừ a giao ) + 1700ml nước sắc lọc bỏ bã lấy 250ml, đun sôi cho a giao vào quấy đều vừa tan.

Cách dùng: Uống ấm chia đều 5 phần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.

3. Tà ở dinh huyết

Triệu chứng thường gặp: Ngứa họng, ho khan, ho tăng dần, sau ho có đờm dính máu, nóng bụng, tiêu chảy.

Cơ chế sinh bệnh: Tà vào phế, phế bị khô ráo gây ra ho, nóng ruột.

Phương pháp điều trị: Thanh nhiệt chỉ huyết tư âm nhuận phế.

Bài thuốc ứng dụng: A giao hoàng cầm thang.

Thành phần: Tang bì 24 gam, thanh tử cầm 12 gam, hạnh nhân 12 gam 16 gam, a giao 16 gam, bạch thược 16g, cam thảo 8 gam, xa tiền 12 gam, cam giá 20 gam

Cách bào chế: Hạnh nhân bỏ vỏ, tang bì sống. Bảy vị trên (trừ a giao) + 1600ml nước sắc lọc bỏ bã lấy 250ml, đun sôi cho a giao vào quấy đều vừa tan.

Cách dùng: Uống ấm chia đều 5 phần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.

Dưỡng sinh phòng bệnh trong mùa thu

1. Mùa thu phải giữ được nội tâm ổn định, thần chí thanh tịnh, tâm trạng thoải mái, không được lo nghĩ phiền muộn, để thu thần thu khí. Nếp sinh hoạt vào mùa thu nên ngủ sớm dậy sớm, chú ý uống nước và ăn nhiều hoa quả để bổ sung lượng nước trong cơ thể.

2. Ăn uống vào mùa thu nên chú ý dưỡng can khí. Vì vậy, tốt nhất nên ít ăn những đồ cay như ớt, tỏi, hành. Nên ăn nhiều đồ ăn mềm, nhuận tràng vị như vừng, gạo nếp, mật ong, mía, rau cải bó xôi, mộc nhĩ trắng, lê, thịt vịt, sữa. Người cao tuổi có thể ăn nhiều cháo có lợi cho dạ dày và để sinh tân dịch.

3. Bù đắp tân dịch chính là đặc điểm của các loại thuốc thích hợp trong mùa thu. Hàng ngày có thể uống trà dược từ nhân sâm, sa sâm, mạch môn đông, bách hợp, đông trùng hạ thảo, nhân hạch đào, hạnh nhân, xuyên bối, bàng đại hải. Từ Thu phân đến Lập đông dễ, có thể dùng bách hợp, đảng sâm, mạch môn đông, cam thảo để phòng ngừa bệnh tật./.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com