Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán

04:01, 14/01/2017
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, không để các vụ ngộ độc thực phẩm lớn và dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. 
 
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh cúm A, Zika, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do vi-rút Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa có nguy cơ bùng phát. Đặc biệt, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo, tham gia giám sát phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, hướng dẫn y tế cơ sở tăng cường giám sát chủ động, sẵn sàng đáp ứng chống dịch. Xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, tập trung vào các vùng có nguy cơ cao, địa phương có ổ dịch cũ, các khu vực trọng điểm, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong; củng cố các đội cơ động chống dịch. Đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường tại các khu phố, làng, xóm, thôn. Thành lập các đội cơ động phòng chống dịch tại Trung tâm y tế các huyện, thành phố để sẵn sàng đi điều tra, xử lý ổ dịch khi có yêu cầu. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời. Phối hợp với bệnh viện tuyến huyện và các đơn vị liên quan trên địa bàn xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, vật tư, hóa chất và cơ số thuốc cấp cứu để kịp thời điều trị và xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Chi cục ATVSTP tỉnh tăng cường công tác đảm bảo về an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán; thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; thường trực sẵn sàng điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh tăng cường tuyên truyền nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch để vận động nhân dân ăn uống hợp vệ sinh, không giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, không ăn thức ăn sống, hải sản chưa được chế biến kỹ; tuyên truyền các mô hình thực hiện tốt công tác ATVSTP cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh; chủ trì, phối hợp với các đơn vị và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân ăn uống hợp vệ sinh; không uống rượu bia khi trực tiếp tham gia giao thông; các biện pháp phòng chống các bệnh; sử dụng hiệu quả an toàn các phương tiện sưởi ấm. Các trạm y tế xã, phường đều thành lập 1 đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng điều tra, xử lý ổ dịch khi có yêu cầu, phân công cán bộ, tổ chức trực dịch 24/24 giờ để theo dõi, nắm tình hình bệnh dịch xảy ra trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị trực và báo cáo tình hình bệnh dịch theo đúng quy định.  
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã sẵn sàng các phương án đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã sẵn sàng các phương án đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Tại các đơn vị khám chữa bệnh đều lên danh sách cán bộ trực tại các khoa, phòng; bố trí nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu. Các bệnh viện phân công cán bộ trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông trong những ngày Tết. Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa đều phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến để điều trị. Đối với các bệnh nhân điều trị nội trú trong dịp Tết các bệnh viện đều tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh còn nằm lại điều trị cả về vật chất và tinh thần. Các bệnh viện cũng chủ động ứng phó tình hình dịch bệnh có thể xảy ra trong dịp Tết, đặc biệt là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, ngộ độc thức ăn hàng loạt, các dịch bệnh khác nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong; bố trí cơ số giường bệnh và các phương tiện cấp cứu hiện có để sẵn sàng đáp ứng tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch. Mỗi bệnh viện thành lập 1-2 đội cấp cứu ngoại viện và phương tiện cấp cứu để sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết.
 
Vào thời điểm trước, trong và sau Tết, các đơn vị trong ngành Y tế theo dõi sát diễn biến thời tiết, nếu xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị có các giải pháp để chỉ đạo và có biện pháp giảm thiểu tác hại do thời tiết gây ra đối với sức khoẻ nhân dân. Làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân về phòng chống rét, đặc biệt là người già và trẻ em, cảnh báo về các tai nạn như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín, bỏng lửa hoặc tử vong trẻ em do chở bằng xe máy đi ngoài trời rét, trẻ em ngạt thở do ủ ấm không đúng cách. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com