Tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử

07:09, 12/09/2019

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ và Kế hoạch hành động số 46/KH-UBND ngày 29-3-2019 của UBND tỉnh về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kho cơ sở dữ liệu ưu tiên thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tài nguyên và nhân sự... Đây được coi là giải pháp mang tính chiến lược, giúp vận hành hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin, cải cách hành chính Nhà nước, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Cán bộ Sở Nội vụ kiểm tra hồ sơ lưu trữ.
Cán bộ Sở Nội vụ kiểm tra hồ sơ lưu trữ.

Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, hơn 80% dân số sống ở địa bàn nông thôn nên trong giai đoạn 2019-2020 UBND tỉnh quyết định tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu ưu tiên trong các lĩnh vực: quản lý cán bộ công chức; cơ sở dữ liệu sản xuất nông nghiệp; dữ liệu kinh tế - xã hội tích hợp trong hệ thống báo cáo của tỉnh; cơ sở dữ liệu giáo dục cấp xã; cơ sở dữ liệu công dân cấp xã… Đây là những lĩnh vực thiết yếu phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Triển khai thực hiện lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu ưu tiên, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện và chuyển giao cho các đơn vị thụ hưởng gồm các sở: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi nhân rộng ra các cơ quan quản lý Nhà nước khác và 10 huyện, thành phố. Ngay trong năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị để xây dựng và bàn giao quản lý cơ sở dữ liệu cán bộ công chức; cơ sở dữ liệu sản xuất nông nghiệp cho các đơn vị là các sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn áp dụng. Trong đó, cơ sở dữ liệu sản xuất nông nghiệp đã tạo đột phá hoàn thiện và đưa cơ sở dữ liệu ngành vào phục vụ công tác quản lý Nhà nước cũng như đáp ứng nhu cầu thông tin về ngành nông nghiệp cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bộ cơ sở dữ liệu sản xuất nông nghiệp được hệ thống hóa với nội dung về cơ sở, vùng sản xuất nông nghiệp, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người sử dụng có thể khai thác dữ liệu các vùng: nuôi trồng thủy sản, trồng trọt và những làng nghề truyền thống trên bản đồ miễn phí (Google map); hỗ trợ quảng bá, giới thiệu hình ảnh về cơ sở sản xuất, vùng sản xuất nông nghiệp, trồng trọt của tỉnh trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Bộ cơ sở dữ liệu này đã tạo môi trường tác nghiệp điện tử cho việc cập nhật, cung cấp thông tin giữa ngành Nông nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Là kênh cung cấp thông tin chuyên ngành đáp ứng các nhu cầu: thu thập, quản lý, cập nhật, khai thác, chia sẻ, cung cấp… dữ liệu ngành Nông nghiệp tới các tổ chức, cá nhân; hỗ trợ cho công tác quản lý trong việc hoạch định các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển về nông nghiệp, nông thôn và các làng nghề truyền thống. Bộ cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ được xây dựng mới với mục tiêu phát triển hệ thống quản lý nguồn nhân lực cho các đơn vị theo hướng tin học hóa công tác quản lý; giải quyết các vấn đề về quản lý thông tin của cán bộ công chức, tích hợp các lĩnh vực nhân sự, tiền lương, bảo hiểm… Với những ưu điểm đó, bộ cơ sở dữ liệu này không chỉ đáp ứng được yêu cầu quản lý nhân sự hiện đại, là cơ sở cho việc lưu giữ, trích lục hồ sơ cán bộ sau này mà còn đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, từng bước hiện đại hoá công sở... Các bộ cơ sở dữ liệu ưu tiên khác về: thông tin kinh tế - xã hội tích hợp trong hệ thống báo cáo của tỉnh; giáo dục cấp xã; công dân cấp xã đang được Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị tư vấn hoàn thiện để áp dụng thí điểm tại các sở, ngành chức năng và địa phương để tiến tới đồng loạt nhân rộng ra toàn tỉnh cũng như tích hợp với hệ thống dữ liệu chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh (LGSP). 

Có thể nói, bộ cơ sở dữ liệu ưu tiên sẽ là nguồn nguyên liệu mới để xây dựng và phát triển nền kinh tế số, chính quyền số, tạo nền tảng cho số hóa quản lý hành chính, hỗ trợ người dân giám sát hiệu quả công tác của cơ quan Nhà nước và ý kiến đóng góp của người dân sẽ được cập nhật nhanh chóng đến các cấp chính quyền. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu ưu tiên cũng gặp nhiều khó khăn do việc thu thập dữ liệu chưa đồng nhất. Bên cạnh đó hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành hoạt động độc lập, được triển khai theo ngành dọc từ cấp bộ đến tỉnh nên đang gặp vấn đề về an toàn, bảo mật hệ thống khi kết nối, chia sẻ. Để việc xây dựng và triển khai bộ cơ sở dữ liệu ưu tiên được thuận lợi theo đúng yêu cầu đề ra, các sở, ngành cần tăng cường xây dựng các cơ sở dữ liệu; quản lý, duy trì, cập nhật dữ liệu, quản lý sự thay đổi dữ liệu số; sử dụng hiệu quả tài nguyên dữ liệu số; đảm bảo khả năng sẵn sàng chia sẻ dữ liệu số; tiếp nhận, đánh giá yêu cầu chia sẻ dữ liệu, thực hiện chia sẻ an toàn dữ liệu số cho các cơ quan Nhà nước có nhu cầu. Các đơn vị chức năng từng bước hoàn thiện các cơ sở dữ liệu hiện có của đơn vị mình và xây dựng các cơ sở dữ liệu mới theo hướng tham chiếu tới các nguồn dữ liệu tin cậy duy nhất này để đảm bảo sự đồng bộ dữ liệu, giảm chi phí thu thập dữ liệu số, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định sử dụng nguồn dữ liệu chia sẻ./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com