Thuỷ canh, một kỹ thuật tự trồng rau tại nhà

03:07, 02/07/2016

Trước thông tin về việc người trồng rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng tràn lan để rút ngắn thời gian canh tác, chăm sóc các loại cây trồng gây mất ATVSTP, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, hiện nay nhiều gia đình đã tự trồng rau sạch. Tuy nhiên nhiều gia đình “lực bất tòng tâm” vì diện tích sinh hoạt chật chội, không đủ mặt bằng. Các kỹ sư nông nghiệp đã nghiên cứu giới thiệu phương pháp thuỷ canh được áp dụng hiệu quả, cung cấp nguồn rau sạch an toàn, chất lượng dinh dưỡng đảm bảo. Đây là giải pháp hiệu quả với các gia đình không có vườn đất, chỉ có những khoảng trống eo hẹp như ban công hay sân thượng nhỏ. Mô hình đang được nhiều gia đình ở Thành phố Nam Định áp dụng rộng rãi.

Mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh của anh Trần Tuấn Anh, phường Lộc Hạ (TP Nam Định).
Mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh của anh Trần Tuấn Anh, phường Lộc Hạ (TP Nam Định).

Sau nhiều cuộc hẹn, tôi cũng được đến tham quan mô hình sản xuất rau an toàn bằng phương pháp thủy canh của anh Trần Tuấn Anh, phường Lộc Hạ (TP Nam Định). Mặc dù đã được nghe kể nhiều về mô hình trồng rau độc đáo của anh, nhưng khi tận mắt chứng kiến một khoảng xanh tươi mát tràn đầy sức sống với hệ thống tưới nước tự động tôi vẫn rất ngạc nhiên. Chỉ với diện tích 12m2 trên sân thượng, anh đã xây dựng 2 giàn trồng rau thủy canh với nhiều loại rau như: muống, cải, mùng tơi, dưa leo, xà lách, rau thơm các loại… đang phát triển xanh tốt. Để có được mô hình này, anh đã phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu qua sách báo, qua internet, tài liệu nước ngoài. Sau khi tham quan thực tế mô hình trồng rau thủy canh tại Viện Nghiên cứu Rau quả Hà Nội (Bộ NN và PTNT) anh mới bắt tay vào lắp giàn, trồng thử nghiệm. Phải mất nhiều chi phí thời gian anh mới thành thục mọi công đoạn, thao tác kỹ thuật, từ việc lắp giàn, ươm cây con đến công thức pha chất dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng. Anh cho biết: Thủy canh là kỹ thuật trồng cây không cần đất mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng đã được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế, không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Các loại rau ăn lá, rau ăn quả như: xà lách, cải, húng, hành, muống, cà chua, dưa chuột, ớt... đều thích hợp trồng trong môi trường này. Hiện có hai hình thức thủy canh cơ bản, đó là thủy canh hồi lưu và thủy canh tĩnh. Mô hình trồng của anh Tuấn Anh là thủy canh hồi lưu. Tức là giàn trồng cây được thiết kế có một thùng chứa dung dịch thuỷ canh lắp máy bơm có hệ thống cảm ứng đặt hẹn giờ bơm để bơm dung dịch lên những ống trồng rau, dung dịch sẽ được luân chuyển khi đầy mỗi ống. Người trồng rau tự cài đặt tần suất tưới theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Tùy theo khuôn viên, kiến trúc nhà mà lắp theo 3 dạng giàn. Dạng giàn thủy canh hình chữ A phổ biến hơn cả vì vững chắc và dễ di chuyển. Trong khi đó, mô hình kiểu giàn treo dành cho hộ gia đình có diện tích “khiêm tốn” nhưng vẫn muốn có một mảng cây xanh. Hệ thống giàn thủy canh ngang dành cho những gia đình có diện tích sân thượng tương đối rộng và nhu cầu dùng rau nhiều. Theo anh Tuấn Anh, trồng rau thủy canh bằng giàn chỉ cần 2m2 lắp giàn chi phí khoảng 3-4 triệu đồng có thể trồng được 100 rọ rau, sản lượng rau có thể cung cấp đủ cho 6 người ăn thường xuyên. Trồng rau thủy canh bằng giàn có hệ thống bơm tưới tự động rất tiện ích cho các nhà phố muốn trồng rau sạch tại nhà mà không có đất, cũng không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc, đồng thời đem lại một không gian xanh mát, góp phần cải thiện môi trường sống xanh, sạch và đẹp. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người đã tìm đến học hỏi, tham khảo kinh nghiệm. Anh Tuấn Anh luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ chuyển giao công nghệ thiết kế giàn phù hợp với mặt bằng cụ thể, chia sẻ địa chỉ cung cấp dung dịch trồng bảo đảm chất lượng cho một số hộ dân trong thành phố. Hiện anh đã lắp trên 20 giàn và hướng dẫn quy trình cho các hộ có nhu cầu trồng rau thủy canh.

Chị Phạm Thanh Huyền, phường Vị Xuyên (TP Nam Định) lại chọn phương pháp thủy canh tĩnh. Chị Huyền cho biết: So với thủy canh hồi lưu, người trồng có thể tốn công chăm sóc hơn, tuy nhiên thủy canh tĩnh chi phí ban đầu đỡ tốn kém hơn nhiều. Những vật liệu để trồng rau thuỷ canh tĩnh rất dễ kiếm và có thể tận dụng như: hộp xốp đựng hoa quả, khay nhựa, chai lọ, xơ dừa… nên chi phí đầu tư ban đầu thấp, chỉ khoảng 20-30 nghìn đồng/1 hộp trồng rau. Trong đó, với hộp xốp cần phải sơn đen ở mặt trong hoặc được phủ một lớp ni lông đen, nhằm hạn chế tổn thương bộ rễ dưới tác dụng của ánh sáng, nhiệt độ cao và hạn chế tảo phát triển trong dung dịch. Bề mặt của hộp xốp được đục các lỗ để làm giá đỡ cho các rọ nhựa. Hiện chị Huyền đang trồng hai loại rau muống và rau cải. Chị Huyền cho biết thêm: Nhìn chung trồng rau bằng phương pháp thủy canh rất đơn giản; bên cạnh đó thời gian sinh trưởng nhanh hơn rất nhiều so với cách trồng truyền thống do luôn đảm bảo đủ dinh dưỡng và nước. Ví dụ nếu trồng theo phương pháp truyền thống, rau muống cứ sau 20 ngày mới được thu hái 1 lứa, trong khi đó trồng thủy canh thì chỉ 7-10 ngày đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, trồng rau thủy canh tĩnh trong quá trình chăm sóc rau cần tốn công khuấy đảo dung dịch để rễ cây có thể hút đủ chất, thao tác phải cẩn thận, nhẹ nhàng, tránh làm đứt rễ; thường xuyên kiểm tra hộp trồng rau để tránh rò rỉ dung dịch dinh dưỡng. Đối với loại rau thu hoạch một lần như rau cải ngọt, rau cải canh chỉ cần bổ sung nước sạch cho đến khi thu hoạch; đối với các loại rau thu hoạch nhiều lần trên cây như rau muống, ớt… cần bổ sung lượng dinh dưỡng sau mỗi lần thu hoạch.

Hiện nay, trồng rau bằng phương pháp thủy canh đang ngày càng được nhiều hộ gia đình chọn lựa nhờ có những ưu điểm vượt trội so với kỹ thuật trồng rau cổ truyền như: không phải làm đất, không có cỏ dại; không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, diệt cỏ dại; sản phẩm sạch đồng nhất; không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó phương pháp trồng rau này có thời gian thu hoạch ngắn hơn so với trồng rau trên đất, cho hiệu quả năng suất cây trồng cao hơn và có khả năng trồng ổn định quanh năm, cả trong điều kiện trái vụ, nâng điều kiện canh tác lên 10-12 vụ/năm. Để trồng rau thủy canh, người trồng rau cần chuẩn bị hệ thống giàn hoặc các hộp xốp để chứa dung dịch dinh dưỡng; những chiếc rọ nhựa dùng để ươm các loại cây con và nâng đỡ cây trong quá trình sinh trưởng. Dung dịch dinh dưỡng để trồng có thể tìm mua dễ dàng trên thị trường, tuy nhiên cần chọn cơ sở sản xuất uy tín và tuân thủ đúng chỉ dẫn cụ thể khi pha dung dịch; giá thể xơ dừa, cây con hoặc hạt giống rau cần trồng; dụng cụ đo nồng độ pH và đo hàm lượng chất rắn hòa tan trong nước... Trước khi đưa cây vào bầu thuỷ canh cần ươm cây con trên giá thể, hạt giống ngâm trong nước ấm 1-2 giờ trước khi gieo vào giá thể đã chuẩn bị để đảm bảo hiệu quả tối ưu; mỗi ngày tưới 1-2 lần, giữ ẩm vừa đủ cho đến khi cây nảy mầm; khi cây con ra 2-3 lá thì có thể đưa lên hệ thống thủy canh…

Có thể nói trồng rau bằng phương pháp thủy canh là phương pháp canh tác đơn giản giúp người dân ở thành phố có thể tự chủ nguồn rau sạch, an toàn phục vụ tiêu dùng của gia đình. Ngoài ra, việc chăm sóc đơn giản còn được xem là một cách thư giãn giải trí hiệu quả giống như chăm sóc cây hoa cảnh sau thời gian làm việc công sở căng thẳng. Tuy nhiên, xu hướng tự trồng rau, nuôi gà, nuôi cá… của các gia đình hiện nay cũng đặt ra bài toán cho các nhà quản lý và người sản xuất làm thế nào để người dân không phải tìm đến các giải pháp tình thế, bất dắc dĩ này để đảm bảo có nguồn thực phẩm sạch, an toàn. Sự phát triển của kinh tế nông nghiệp không phải để người dân trở lại mô hình tự cung tự cấp vì mục tiêu bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và con cháu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com