Cú "ghi điểm" của Trung Quốc

08:03, 31/03/2020

Trong khi hầu hết các ngành kinh doanh điêu đứng vì dịch COVID-19 thì ngành sản xuất khẩu trang lại trở thành thị trường hấp dẫn thu hút hàng nghìn doanh nghiệp mới tham gia tại Trung Quốc. Không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế, gỡ khó cho bài toán thiếu vật dụng y tế quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, sự tăng trưởng nhanh của ngành khẩu trang còn giúp Trung Quốc củng cố hình ảnh quốc gia cũng như chứng minh sức nặng của nền kinh tế thứ 2 thế giới vẫn chưa hề giảm sút.

Công nhân sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Trung Quốc.  Ảnh: Tân Hoa xã
Công nhân sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Trung Quốc.
Ảnh:
Tân Hoa Xã

Khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu, khẩu trang (một vật dụng thiết yếu trong ngành y tế nhằm phòng tránh sự lây lan của virus SARS-CoV-2) bỗng trở thành một mặt hàng hiếm. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, hàng nghìn nhà máy ở Trung Quốc đã chuyển hướng sang loại hình kinh doanh mới và đầy tiềm năng: Sản xuất khẩu trang để xuất khẩu.

Hồi tháng 2, khi Trung Quốc vẫn trong thời kỳ cao điểm của dịch COVID-19, công ty của ông Guan Xunze, một doanh nhân 34 tuổi từng làm trong ngành dược phẩm, đã quyết định thiết lập một nhà máy sản xuất khẩu trang mới chỉ trong 11 ngày. Nhà máy trên có 5 dây chuyền sản xuất đặt tại đông bắc Trung Quốc chuyên sản xuất khẩu trang N95, sản phẩm có nhu cầu vô cùng lớn trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 tăng vọt. Sau khi dịch bệnh tại Trung Quốc có dấu hiệu được kiểm soát, ông Guan Xunze lại kiếm lợi không nhỏ khi xuất khẩu mặt hàng thiết yếu này sang các thị trường nước ngoài như Italy.

Không riêng ông Guan Xunze, vợ chồng doanh nhân Yu Xiaoning ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc cũng đã “hốt bạc” nhờ việc sản xuất vải khẩu trang trong dịch COVID-19. Theo Financial Times, tổng tài sản của vợ chồng doanh nhân này đã tăng gần 2 tỷ USD. Công ty Dawn Polymer của vợ chồng ông Yu kiểm soát tới 40% thị phần vải khẩu trang y tế ở Trung Quốc. Giá cổ phiếu của Dawn Polymer tại Sàn giao dịch Thâm Quyến tăng tới 417% trong 6 tuần kể từ ngày 20-1, khi Trung Quốc đưa ra các cảnh báo về sự lây lan của virus. Nhờ đó, giá trị cổ phần mà ông Yu và vợ ông, bà Han Limei, nắm giữ tại Dawn Polymer đã tăng hơn 1,9 tỷ USD lên 2,3 tỷ USD. Vợ chồng ông Yu chính thức gia nhập hàng ngũ tỷ phú USD ở Trung Quốc.

Việc khan hiếm khẩu trang khiến mặt hàng này đội giá cao, do đó lợi nhuận trên mỗi chiếc khẩu trang cũng tăng vọt. Ông Qi Guangtu, một doanh nhân đã đầu tư 50 triệu nhân dân tệ (7 triệu USD) vào nhà máy sản xuất khẩu trang ở một khu công nghiệp tại Đông Hoản cho biết, ông chỉ mất vỏn vẹn 15 ngày để thu hồi vốn. Với lợi nhuận khổng lồ, ngành sản xuất khẩu trang hiện nay ở Trung Quốc được ví như một ngành “hái ra tiền” và những chiếc máy làm khẩu trang được ví như “những cỗ máy in tiền”. Bởi vậy, chẳng lạ gì khi có tới 8.950 nhà sản xuất khẩu trang mới tại Trung Quốc chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm nay, theo thống kê của nền tảng dữ liệu doanh nghiệp Tianyancha. Trong số những cái tên mới của ngành cũng có không ít những “ông lớn” như nhà sản xuất ô tô BYD và SAIC-GM-Wuling, nhà lắp ráp iPhone-Foxconn hay tập đoàn dầu khí Sinopec.

Với sự vào cuộc của hàng nghìn doanh nghiệp, hiện tại mỗi ngày Trung Quốc sản xuất được hơn 166 triệu chiếc khẩu trang. Có doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 1 triệu khẩu trang tới Italy, quốc gia hiện đang là tâm dịch ở châu Âu, trong khi số khác lại xuất khẩu sang Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế, ngành sản xuất khẩu trang cũng giúp Trung Quốc củng cố hình ảnh quốc gia. Từ chỗ phải nhận viện trợ, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Trung Quốc đã trở thành nước có thể viện trợ giúp các quốc gia khác chống dịch COVID-19. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này không chỉ giúp Trung Quốc gửi đi thông điệp về một quốc gia có thể nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh mà còn cho thấy lòng nhân ái cũng như sức mạnh công nghiệp của nền kinh tế thứ 2 thế giới. Ông Wang Huiyao, nhà sáng lập và là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc và toàn cầu hóa, nhận định Trung Quốc đang cho thế giới thấy tình hữu nghị quốc tế thông qua việc viện trợ các thiết bị y tế. Trong khi đó, nhà nghiên cứu khoa học chính trị độc lập Chen Daoyin cho rằng, qua việc tặng khẩu trang cho các nước, Trung Quốc muốn chứng tỏ công xưởng của thế giới luôn có khả năng sản xuất rất lớn, vẫn là một đầu tàu của thế giới./.

Theo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com