Pháp với tham vọng khuếch trương vai trò lãnh đạo toàn cầu

08:11, 13/11/2018

Tại Diễn đàn Hòa bình Paris, Tổng thống Macron không giấu diếm tham vọng tiếp tục củng cố vị thế lãnh đạo của Pháp với việc đưa ra nhiều đề xuất mới.

Một trong những sự kiện quốc tế đang thu hút sự chú ý của dư luận ở thời điểm này là lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất và việc nước Pháp tổ chức Diễn đàn Hòa bình Paris với sự tham dự của hơn 60 nguyên thủ, các nhà lãnh đạo quốc tế tại Thủ đô Paris (Pháp).

Với thông điệp “nước Pháp nỗ lực cùng các quốc gia khác giải quyết các thách thức toàn cầu”, Tổng thống Macron không dấu diếm tham vọng tiếp tục củng cố vị thế lãnh đạo của nước Pháp với việc đưa ra nhiều đề xuất mới. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những quan điểm phản biện đối với các đề xuất của Pháp ngay tại Paris, khiến cho nhà lãnh đạo Pháp gặp không ít khó khăn.

Tổng thống Pháp Macron phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất.  Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Macron phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ảnh: Reuters

Diễn đàn Hòa bình Paris

Diễn đàn Hoà bình Paris khai mạc trong chiều ngày 11-11, chỉ ít giờ sau khi diễn ra buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới nhất. Tại lễ kỷ niệm, trước hơn 70 nhà lãnh đạo đại diện cho các quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đọc một bài diễn văn quan trọng, trong đó nói rất nhiều đến hoà bình, đến chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế, đến sự cởi mở của châu Âu… Và đây cũng chính là những nội dung quan trọng nhất được thảo luận trong Diễn đàn Paris vì hoà bình lần này, được cả ông Macron, bà Merkel lẫn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhắc lại trong phiên họp khai mạc.

Các nhà lãnh đạo này đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hợp tác, phải duy trì chủ nghĩa đa phương vốn là nền tảng để duy trì hoà bình trong quan hệ quốc tế kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, về việc phải đề cao cảnh giác chống lại chủ nghĩa biệt lập cũng như chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đó cũng là lý do tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham dự Diễn đàn này vì chính sách đối ngoại có xu hướng đơn phương như hiện nay của ông Trump, với ưu tiên “Nước Mỹ trước tiên” rõ ràng là đang đi ngược lại với ý muốn của các nước như Pháp hay Đức về việc duy trì một chủ nghĩa đa phương mạnh trong quan hệ quốc tế.

Về tổng thể, Diễn đàn hoà bình Paris lần này bàn về việc quản trị ở quy mô toàn cầu nên ngoài các chính trị gia thì còn có đại diện của các tổ chức dân sự, của các tổ chức phi chính phủ… Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp hiện nay của quan hệ quốc tế và dựa trên hoàn cảnh mà Diễn đàn này được tổ chức, tức là hoàn toàn theo sáng kiến của nước Pháp, thì Diễn đàn hoà bình Paris là sự kiện để nước Pháp và cá nhân ông Macron tự giới thiệu mình như là lá cờ đầu bảo vệ hoà bình và chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế.

Vai trò của Pháp trong các vấn đề toàn cầu

Cần phải nói rõ rằng, việc nước Pháp muốn giành các vai trò lớn trong sân khấu chính trị quốc tế hoàn toàn không phải mới, mà là chính sách xuyên suốt của nước Pháp kể từ sau Thế chiến 2. Nước Pháp luôn coi mình là một cường quốc về ngoại giao và chính trị của thế giới và các nhà lãnh đạo Pháp qua nhiều thế hệ, từ thời De Gaulle đến thời Francois Mitterand, Jacques Chirac… đến những năm gần đây của các ông Sarkozy, Hollande và Macron, Pháp luôn chủ động đưa ra các ý tưởng, tham gia vào nhiều vấn đề nóng của thế giới với vai trò trung gian và đặc biệt là luôn có xu hướng triển khai một chính sách đối ngoại tương đối độc lập so với Mỹ, mà điển hình là trong cuộc chiến Iraq. Đây là đặc trưng nổi bật của chiến lược ngoại giao của Pháp nhiều thập kỷ qua.    

Tất nhiên, giữa tham vọng và năng lực thực thi, luôn luôn có những cản trở lớn. Tháng 9-2017, ông Macron từng đưa ra một loạt các tham vọng cải cách cực kỳ lớn với châu Âu nhưng hơn 1 năm qua, sự ủng hộ dè dặt từ Đức khiến các kế hoạch này gần như đóng băng. Vì thế, ngay trong nội bộ Liên minh châu Âu, vai trò lãnh đạo của Pháp cũng không phải là vững chắc. Về phát triển kinh tế, Pháp không phải là hình mẫu đáng tin cậy tại châu Âu như Đức khi tăng trưởng kinh tế hàng thập kỷ qua chỉ xoay quanh mức 1-2%, tỷ lệ thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách lớn, đồng thời lại phải đối phó với nguy cơ an ninh nghiêm trọng nhất trong các nước châu Âu.

Nếu xét trên phạm vi thế giới, từ nhiều thập kỷ qua Pháp đã không còn là một cường quốc toàn cầu. Pháp hiện tại không đủ sức mạnh cứng về kinh tế và quân sự để đảm đương vai trò đó.

Thách thức trên con đường trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu

Tham vọng giành vị trí lãnh đạo toàn cầu là một tham vọng quá sức đối với nước Pháp. Thậm chí lãnh đạo Liên minh châu Âu một cách toàn diện cũng đã ngoài tầm với của Pháp. Trong bộ ba vũ khí kinh tế - quân sự - chính trị, Pháp chỉ còn duy trì được một vai trò nhất định về mặt ngoại giao, đặc biệt ở uy tín, kinh nghiệm cũng như văn hoá ngoại giao trung gian.

Trong cuộc chơi quyền lực toàn cầu của bộ ba Mỹ - Nga - Trung, Pháp có thể đóng vai trò là người trung gian, tạo cầu nối cho các đối thoại và hợp tác, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ngoại giao văn hoá. Đây chính là con đường mà nước Pháp đã và đang thực thi nhiều năm qua, tức tập trung phát huy sức mạnh mềm của nước Pháp thông qua ngoại giao, văn hoá, ngôn ngữ. Nếu nước Pháp muốn vươn lên đối đầu và tranh giành vai trò lãnh đạo với Mỹ thì đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cũng nhờ chính mối quan hệ với Mỹ mà Pháp có thể xây dựng cho mình một chỗ đứng trong hàng ngũ những cường quốc thế giới. Đó là bù đắp cho sự cứng rắn của Mỹ bằng chính sách đối ngoại mềm dẻo, cởi mở và mang tính xây dựng của mình. Việc Pháp muốn thành lập quân đội châu Âu nên được hiểu rằng đó là cách nước Pháp muốn tạo lập một sự “độc lập tương đối” so với Mỹ như vẫn làm bao năm qua, chứ không thể là sự đối đầu trực diện với Mỹ./.

Theo VOV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com