Chiến tranh Mỹ - Triều Tiên sẽ gây bi kịch quy mô "không thể tin nổi"

08:06, 26/06/2017
Các nhà phân tích nhận định cả Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Dâng-un đều không sẵn sàng bước đến miệng hố chiến tranh vì không gánh nổi bi kịch “không thể tin nổi”.
 
Đã nhiều tháng căng thẳng trôi qua trên bán đảo Triều Tiên. Nhiều nhà quan sát cho rằng tình hình rất nguy hiểm nhưng vẫn chưa đến mức trên miệng hố chiến tranh. Nguyên nhân có thể là do cả Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và lãnh đạo Triều Tiên Kim Dâng-un đều biết được cái giá đắt của cuộc Chiến tranh Triều Tiên cách đây 67 năm.
 
Ông A-đam Mun, thành viên cấp cao Trung tâm Tiến bộ Mỹ, phát biểu với kênh CNN: “Mối đe dọa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, dù là một cuộc chiến lớn hay hạn chế, lúc ẩn lúc hiện kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên tạm dừng. Cả Mỹ và Triều Tiên đều chứng tỏ họ có thể kiềm chế, giảm leo thang khủng hoảng và lùi một bước trước miệng hố chiến tranh. Cả hai đều muốn tránh một cuộc chiến không có lợi cho ai cả”.
 
Cái giá đắt
 
Hồi tháng 5, trong một họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Mát-tít nói: “Nếu phải dùng tới giải pháp quân sự, mọi chuyện sẽ rất bi kịch với một mức độ không thể tin nổi”.
 
Chiến tranh Triều Tiên, xét về mặt kỹ thuật vẫn chưa kết thúc, đã khiến 600 nghìn người Triều Tiên và 1 triệu người Hàn Quốc thiệt mạng cùng với hàng trăm nghìn binh sĩ. 
 
Ký ức về cuộc chiến vẫn sống động ở Triều Tiên. Máy bay chiến đấu Mỹ đã rải thảm nước này với 625 nghìn tấn bom, sát hại khoảng 20% dân số thời bấy giờ. Nếu xung đột bị châm ngòi trở lại, hậu quả sẽ khốc liệt hơn vì vũ khí hạt nhân có sức mạnh tàn phá khủng khiếp hơn nhiều.
 
Trong các hoàn cảnh, mối nguy hiểm nhất vẫn là ở các thành phố đông dân như Xơ-un của Hàn Quốc hay Tô-ky-ô của Nhật Bản. Tấn công hạt nhân nhằm vào những thủ đô này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt người. Kể cả bằng vũ khí truyền thống, xung đột cũng có thể khiến hàng chục nghìn người chết.
 
Ông Át-xtơn Các-tơ và Uy-li-am Pe-ri, hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng nhận định trong một bài viết trên tờ Washington Post: Trong trường hợp một cuộc chiến tranh Triều Tiên nữa diễn ra ở vùng ngoại ô Xơ-un, cái giá để phòng thủ và kiềm chế Triều Tiên tiến về phía Bắc Xơ-un sẽ rất đắt. Hàng nghìn binh sĩ Mỹ và hàng chục nghìn binh sĩ Hàn Quốc sẽ chết, hàng triệu người tị nạn sẽ tụ tập chật kín các đường cao tốc. Thiệt hại của Triều Tiên sẽ còn cao hơn. Cuộc chiến sẽ căng thẳng hơn bất kỳ điều gì thế giới từng chứng kiến từ Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.
 
Theo một nghiên cứu năm 2012 của tác giả Rô-gơ Ca-va-dốt thuộc Viện Nô-ti-lút, sẽ có 3.000 thương vong chỉ trong vài phút đầu tiên khi pháo Triều Tiên nã pháo vào lực lượng Hàn Quốc. Trong ngày đầu tiên, sẽ có 64 nghìn người thương vong. Một loạt pháo bất ngờ bắn bừa bãi có thể giết chết 30 nghìn dân thường. 
 
Triều Tiên cũng có thể phóng tên lửa đạn đạo vào lực lượng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hoặc vào dân thường ba nước này.
 
Theo phân tích về mối đe dọa Triều Tiên của Cty tình báo địa chính trị Xtát-pho năm 2016, xét về công nghệ và năng lực quân sự, Triều Tiên đều lạc hậu. Nhiều vũ khí đã cũ kỹ hoặc không hoạt động hiệu quả. Cả không quân và hải quân đều không thể so được với Mỹ. Tuy nhiên, Xtát-pho nhận định cả hai lực lượng này của Triều Tiên vẫn đặt ra mối đe dọa: “Cho dù không có mối đe dọa hạt nhân, tấn công Triều Tiên chắc chắn sẽ phải hứng lấy hủy diệt diện rộng”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim-Dâng-un. Ảnh: inquisitr
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Dâng-un. Ảnh: inquisitr
Mỹ sẽ làm gì?
 
Nếu một cuộc chiến toàn diện nổ ra, mối quan tâm đầu tiên đối với Mỹ sẽ là loại bỏ mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.
 
Theo Xtát-pho, không quân Mỹ có thể sử dụng 24 chiếc chiến đấu cơ chiến thuật F-22 và 10 máy bay ném bom B-2 để loại bỏ cơ sở hạ tầng hạt nhân Triều Tiên. F-22 có thể mang theo hai quả bom 450kg, còn B-2 có thể thả những quả bom lớn có sức công phá tận các boongke ngầm.
 
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ có thể dựa vào các tên lửa hành trình Tô-ma-hốc, một loại vũ khí chính xác đáng tin cậy có thể được phóng từ trên biển cách xa mục tiêu hàng trăm km. 
 
Xtát-pho cho rằng hải quân Mỹ có thể đưa hai trong số bốn tàu ngầm tên lửa hành trình lớp Ô-hai-ô tới khu vực ngoài khơi Triều Tiên. Khi kết hợp với tàu khu trục và tàu tuần dương của Hạm đội 7 sẵn có trong khu vực, Mỹ có thể sử dụng ít nhất 600 tên lửa hành trình cho sứ mệnh chống hạt nhân Triều Tiên.
 
Một vấn đề quan trọng là tình báo. Hiện chưa rõ Triều Tiên có chính xác bao nhiêu vũ khí hạt nhân và được cất giữ ở đâu.
 
Mỹ đã vất vả khi thu thập loại thông tin này về Triều Tiên. Cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mai-cơn Hây-đen đã gọi Triều Tiên là mục tiêu tình báo khó nhằn nhất hành tinh.
 
Thiếu thông tin tình báo này, Mỹ có thể thất bại trong loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân đang phát triển chóng mặt của Triều Tiên và Mỹ có thể sẽ không ngăn được Triều Tiên tấn công vào đất liền Mỹ.
 
Ông Hây-đen nói: “Trước khi nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống Trăm kết thúc, Triều Tiên có thể sẽ dùng vũ khí hạt nhân gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để chạm tới Thành phố Xin-tơn”.
 
Lợi ích của Trung Quốc
 
Trung Quốc cũng có lợi ích địa chính trị và kinh tế. Một cuộc chiến truyền thống sẽ khiến lãnh đạo Triều Tiên Kim Dâng-un bị lật đổ nếu Trung Quốc không can thiệp giúp đỡ.
 
Người ta cho rằng giới lãnh đạo Triều Tiên biết điều này. Mặc dù họ sẵn sàng phóng tên lửa nhưng họ luôn cẩn trọng để tránh bị kẻ thù phản ứng bằng quân sự.
 
Theo ông Tống Hào, thành viên Trung tâm Chính sách Toàn cầu Cargegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên là bảo toàn chế độ. 
 
Ngay cả nếu Mỹ và Hàn Quốc có thể nhanh chóng lật đổ chế độ Triều Tiên, họ cũng sẽ phải đối mặt với một loạt phức tạp hậu chiến. Nguyên liệu hạt nhân Triều Tiên có thể không được đảm bảo an toàn và rơi vào tay kẻ xấu. Xung đột có thể gây ra khủng hoảng người tị nạn. Thay đổi cân bằng quyền lực trong khu vực có thể xảy ra khi các nước muốn có nhiều quyền lực hơn, tạo ra bất ổn.
 
Theo bài viết của ông An-đriu In-dô Pắc và Công-đan Ô cho Cục Nghiên cứu châu Á Quốc gia, chế độ Triều Tiên sụp đổ sẽ gây ra hậu quả thảm khốc và có thể kích hoạt cuộc chạy đua nguy hiểm giữa lực lượng Trung Quốc và bộ đôi Mỹ - Hàn nhằm giành vị trí biểu tượng và chiến lược như cơ sở hạt nhân Dông-biêng và Thủ đô Bình Nhưỡng.
 
Trung Quốc lo lắng về Bình Nhưỡng hơn cả. Nước này coi đây là vùng đệm chiến lược giữa mình và Hàn Quốc. Nếu Triều Tiên sụp đổ, hai miền sẽ thống nhất và là đồng minh của Mỹ. Điều đó có nghĩa là binh sĩ Mỹ sẽ ở sát biên giới Trung Quốc./.
 
Theo TTXVN
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com